Góc khuất của thành phố thông minh

Đôi khi công nghệ đô thị thông minh hiệu quả nhất lại là công nghệ ít được chú ý nhất.

Nằm sâu bên dưới lòng đất ở thành phố Kansas, Missouri, Mỹ, công nghệ đang giúp nâng cấp một hệ thống thoát nước 150 tuổi lên tiêu chuẩn hiện đại.

Chi phí rất khiêm tốn và công ty phụ trách công nghệ này lại có trụ sở nằm cách thung lũng Silicon tới hơn hơn 3.200km.

Dự án này rất ít được chú ý nhưng lại là một ví dụ rõ ràng nhất cho làn sóng công nghệ thành phố thông minh đang nở rộ trên thế giới, nơi ngành khoa học dữ liệu hiện đại đang cải tiến quá trình vận hành và dịch vụ mà các thành phố cung cấp cho cư dân của họ.

Thượng Hải thất bại với mô hình chia sẻ xe đạp. Ảnh: Bloomberg.

Vào năm 2010, sau khi 1.300 ống thoát nước bất hợp pháp trong 8 năm đã xả nước thải chưa qua xử lý từ hệ thống thoát nước của thành phố vào dòng sông Missouri, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Liên bang Mỹ đã trở nên mất kiên nhẫn và yêu cầu thành phố phải bỏ ra 2,5 tỉ USD trong vòng 25 năm để khắc phục hậu quả.

Andy Shively, người chịu trách nhiệm dự án nâng cấp hệ thống thoát nước ở Missouri, đề xuất sử dụng công suất “rảnh rỗi” tại những thời điểm lượng nước mưa nhiều, đổi hướng dòng chảy từ những địa điểm mà có mực nước cao ở mức nguy hiểm sang những địa điểm có mực nước thấp và giảm tần suất cũng như quy mô của các ống thoát nước.

Điều này giúp tiết kiệm chi phí đào thêm hệ thống thoát nước và bơm nước.

Đưa lý thuyết của Shively áp dụng vào thực tiễn chính là EmNet, một đơn vị được chia tách khỏi một tổ chức nghiên cứu ở Đại học Notre-Dame, Indiana.

EmNet đang sử dụng công nghệ cảm biến trong quân đội mà được dùng để theo dõi những phiến quân Taliban trong các hang động ở Afghanistan nhằm theo dõi mực nước ở mạng lưới cống rãnh.

Công trình thoát nước của thành phố Kansas hoàn toàn khác xa với dự án của các thành phố thông minh tiêu biểu, vốn được hô hào nhưng lợi ích mang lại thì thường được đặt dấu hỏi.

“Có bao nhiêu nhà cung cấp dịch vụ chia sẻ xe đạp mà London thực sự cần đến?”, Philipp Rode, người điều hành LSE Cities, một cơ sở nghiên cứu tại Trường London School of Economics, đặt câu hỏi.

Ông dẫn chứng câu chuyện rầm rộ một thời rồi chìm vào quên lãng của hệ thống chia sẻ xe đạp dựa trên ứng dụng tại Trung Quốc mà theo đó 77 công ty – một số được hậu thuẫn bởi các tập đoàn công nghệ lớn nhất nước này – đã cung cấp 23 triệu chiếc xe đạp vào năm 2017.

Đối với một số người, mô hình kinh doanh này (cụ thể là trợ cấp cho người sử dụng ban đầu, từ đó chiếm lĩnh thị trường, tăng giá lên để tạo ra lợi nhuận kếch xù) đã phản pháo.

Một công ty là Bluegogo đã đóng cửa vào năm 2017 trước khi được thâu tóm bởi công ty gọi xe Didi Chuxing.

“Các thành phố đang trở thành “nghĩa địa” của những sáng kiến công nghệ vô nghĩa mà không khả thi về mặt kinh doanh”, Gemma Galdon Clavell, nhà sáng lập Etticus Research & Consulting, một hãng tư vấn tại Barcelona, nhận định.

Nhưng những ứng dụng công nghệ thành công thực sự trong các dự án thành phố thông minh lại là những ứng dụng không hề “đao to búa lớn”.

Thomas Madreiter, đứng đầu quy hoạch đô thị ở Vienna, nhận xét: “Những lợi ích xã hội thực sự mang lại cho các thành phố ngày nay lại đến từ việc triển khai các công nghệ hiện hữu hơn là từ việc triển khai các công nghệ mới”.

Rode cũng đồng tình với quan điểm trên: “Khía cạnh công nghệ thường bị thổi phồng quá đáng. Cải tiến công nghệ thực sự không dừng ở vấn đề kỹ thuật mà là công nghệ đó kết nối như thế nào với người dân, các tổ chức và cuộc sống thường nhật của chúng ta”.
Xét ở góc độ giá trị tiền bạc, rất khó để vượt qua mô hình công nghệ hệ thống đèn đường LED, một mô hình có chi phí rất thấp nhưng hiệu quả thì miễn bàn.

Đổi hệ thống đèn đường truyền thống sang hệ thống đèn LED thường hoàn vốn đầu tư trong khoảng 18 tháng, theo Duncan Wilson, Giáo sư về các môi trường kết nối tại Đại học London.

Sau hơn 1 thập niên, việc chuyển đổi hệ thống đèn đường của Los Angeles sang đèn LED gần như đã hoàn tất, với 90% trong số 220.000 đèn đường được chuyển đổi, việc sử dụng năng lượng được cắt giảm tới xấp xỉ 2/3 và chi phí tiết kiệm được tới 10 triệu USD mỗi năm, theo giới chức trách thành phố này.

Theo Eric Woods, thuộc Navigant Research, một công ty nghiên cứu năng lượng tại London, phần lớn chi phí tiết kiệm đến từ việc bảo trì vì các nhóm nhân viên bảo trì không còn phải lang thang khắp đường phố để tìm các ngọn đèn bị hỏng cũng như lợi ích từ việc kiểm soát mang tính tập trung đối với đèn đường, tương tự như việc kiểm soát tập trung đối với các dự án “một lần” như các sự kiện thể thao lớn.

Dưới lòng đất ở nước Mỹ, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đang đưa robot vào hệ thống thoát nước của Boston để cải thiện việc phát hiện và điều trị bệnh.

Tại các nhà máy nước thải, việc kiểm tra đã dò tìm được 15-30 loại vi khuẩn, vi trùng gây bệnh có nguồn gốc từ chất thải của con người, theo Fábio Duarte thuộc Senseable City Lab của MIT, người đang phụ trách nghiên cứu này.

Đưa những con robot từ Senseable City Lab vào hệ thống thoát nước địa phương của một vùng lân cận gia tăng tỉ lệ này lên tới 80%, theo kết quả của một cuộc thử nghiệm suốt 3 năm.

Không chỉ chính xác hơn mà dữ liệu cũng đúng thời điểm hơn. Vì khi robot nhận diện được nguồn gốc gây bệnh có thể dẫn đến một cuộc bùng nổ về dịch cúm thì giới chức trách có thể khoanh vùng và cho triển khai một chiến dịch tiêm vaccine để phòng bệnh cúm cho những đối tượng người già trong vùng.

Nếu ông Duarte đúng, lợi ích mang đến không hề khiêm tốn chút nào vì không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn giúp mang lại một dân số khỏe mạnh hơn.