Cấp phép gây nuôi rùa đầu to: Nhiều lỗ hổng

Rùa đầu to là một trong những loài rùa lạ nhất thế giới cần được bảo tồn. Tuy vậy, do có những lỗ hổng về pháp lý, nên hiện nay, loài rùa đang được buôn bán công khai tại các trang trại được cấp phép gây nuôi.

Cá thể rùa đầu to

Suy giảm số lượng      

Rùa đầu to đang ngày càng suy giảm, nguyên nhân do rừng nguyên sinh mất dần, tình trạng săn bắt quá mức để mua bán trao đổi với nước ngoài. Rùa đầu to nằm trong Danh lục Nguy cấp (IUCN 2017) cần được bảo vệ.

Theo Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), đây là loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm được liệt kê tại Phụ lục I – Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) – loài đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.

Tại Việt Nam, rùa đầu to phân bố ở Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An. Đặc điểm nhận dạng của rùa đầu to là chúng có đuôi rất dài (bằng chiều dài thân), đầu (được phủ bởi các mảnh sừng rất cứng) không thụt vào mai được, hàm trên tạo thành móc (chính vì thế, chúng còn được gọi là rùa mỏ vẹt), xương sọ đặc và dày.

Rùa đầu to sống ở các khe suối trong rừng, nơi nước trong và chảy chậm. Ban ngày, chúng ẩn dưới các tảng đá hoặc phơi nắng trên bờ suối, chúng đi tìm mồi lúc xẩm tối hoặc ban đêm.

Thức ăn của chúng là động vật không xương sống, các loài thân mềm hoặc động vật giáp xác nhỏ. Khi trưởng thành, rùa có thể đạt kích thước mai khoảng hơn 20cm.

Buôn bán trái phép từ trang trại “trá hình”

Mặc dù, đây là loài cần bảo tồn, nhưng hiện nay, lại đang được buôn bán trên thị trường mà các cơ quan chức năng khó có thể xử phạt. Bởi nhiều trường hợp xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của rùa đầu to là từ các trang trại, các cá thể này có nguồn gốc nuôi sinh sản.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phương Dung – Phó Giám đốc ENV cho biết, sở dĩ xảy ra tình trạng này là do lỗ hổng pháp lý, hiện nay, các cơ quan chưa công bố danh sách cụ thể về các loài không được phép gây nuôi, một số Chi cục Kiểm lâm đã cấp giấy phép cho các trang trại gây nuôi loài rùa này.

Tuy vậy, theo báo cáo của ENV, tất cả các cá thể rùa đầu to được cho là có nguồn gốc từ các cơ sở gây nuôi thực chất đều có nguồn gốc bất hợp pháp từ tự nhiên.

Nhiều nhà khoa học đã nhận định loài rùa này rất khó tồn tại trong môi trường nuôi nhốt. Do đó, khó có thể tin được các cơ sở tại Việt Nam có thể gây nuôi sinh sản, sinh trưởng thành công loài này.

Hiện nay, cơ quan chức năng tại một số địa phương đã cấp phép gây nuôi rùa đầu to cho một số cơ sở trong khi những cơ sở này có dấu hiệu mua bán các cá thể rùa đầu to bất hợp pháp, chứ không hề có hoạt động gây nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng.

“Hiện nay, chi phí để gây nuôi loài rùa này là rất cao vì phải mất khá nhiều thời gian và công chăm sóc loài rùa này từ nhỏ đến khi đủ lớn để có thể bán ra ngoài thị trường. Chính vì thế, việc bắt lậu ở ngoài sẽ nhanh hơn, dễ hơn và đỡ tốn kém hơn” – Bà Dung nhận định.

Cần thu hồi giấy phép   

Để bảo tồn loài rùa đầu to, ENV đã gửi công văn đến các Chi cục Kiểm lâm đề nghị không tiếp tục cấp phép cho các trang trại gây nuôi loài vật này. Kiến nghị thu hồi giấy phép đã được cấp cho các cơ sở gây nuôi rùa đầu to vì mục đích thương mại trái với quy định pháp luật và xử phạt chủ cơ sở nếu phát hiện vi phạm.

Theo ENV, Chính phủ vừa chính thức ban hành Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp. Nghị định này thay thế cho một số văn bản pháp ý về quản lý động, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

Điều 15 của Nghị định 06/2019/NĐ-CP quy định: Tổ chức, cá nhân được phép gây nuôi vì mục đích thương mại đối với một loài động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp, quý, hiếm khi và chỉ khi loài này đã được cơ quan khoa học CITES Việt Nam công bố có khả năng sinh sản liên tiếp qua nhiều thế hệ trong môi trường có kiểm soát và được Cơ quan khoa học CITES Việt Nam xác nhận bằng văn bản việc nuôi sinh sản, sinh trưởng không làm ảnh hưởng đến sự tổn tại của loài nuôi và các loài có liên quan trong tự nhiên.

Điều 17 Nghị định 06/2019/NĐ-CP cũng quy định Cơ quan quản lý CITES Việt Nam mới có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở nuôi sinh sản hoặc nuôi sinh trưởng loài thuộc Phụ lục I CITES (như rùa đầu to).

Điều này cho thấy, các Chi cục Kiểm lâm địa phương đã cấp phép gây nuôi sinh sản rùa đầu to và các loài khác được liệt kê trong Phụ lục I CITES là trái với các quy định của pháp luật.

Ngoài ra, ENV mong muốn, các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý các cơ sở gây nuôi thương mại ĐVHD. Nâng cao kỹ năng định dạng loài và kỹ năng cơ bản phát hiện các dấu hiệu vi phạm của các cơ sở gây nuôi thương mại ĐVHD trên địa bàn, từ đó, cơ quan chức năng kịp thời có biện pháp xử lý nghiêm các cơ sở sử dụng giấy phép để buôn bán trái phép ĐVHD.