Điều gì có thể ngăn con người ăn thịt động vật hoang dã?

Việc giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã có thể là một cách triệt để giúp cắt giảm nguy cơ xảy ra đại dịch mới. Đó là nội dung đáng chú ý của nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Nature Ecology & Evolution hôm 6/9. Nhưng ảnh hưởng đến hành vi trong lĩnh vực này rất phức tạp và phần lớn chưa được khám phá.

Tại Trung Quốc, việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã đã bị cấm từ tháng 2/2020.

“Đầu tư còn hạn chế vào các nghiên cứu để hiểu điều gì thúc đẩy các cá nhân tiêu thụ động vật hoang dã”, các tác giả, dẫn đầu bởi nhà khoa học về động vật hoang dã tại Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Hoa Kỳ Robin Naidoo cho biết. Đó cũng là lý do nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu này.

Các nhà nghiên cứu khảo sát 5.000 người từ Hồng Kông, Nhật Bản, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam vào tháng 3/2020 và hỏi họ liệu họ có ăn động vật có vú hoang dã, chim hoặc bò sát trong 12 tháng trước đó hay không, liệu hành vi của họ có thay đổi vì Covid-19 và hành vi của họ có thể xảy ra trong tương lai.

“Nhìn chung nhận thức về Covid-19 càng cao thì xác suất người được hỏi cho biết họ hoặc ai đó họ biết sẽ mua động vật hoang dã càng thấp”, nghiên cứu cho biết.

“Những người có nhận thức tốt hơn [về Covid-19] ít có khả năng mua động vật hoang dã hơn khoảng 11-24%”, nhóm tác giả thông tin.

Tại Hồng Kông, phân tích cho rằng việc nhắm mục tiêu vào nhóm dân số giàu có kiếm được hơn 135.000 USD/năm với thông tin nâng cao nhận thức về Covid-19 sẽ làm giảm xác suất trung bình của những người trong nhóm đó mua động vật hoang dã trong tương lai từ 16% xuống còn 7%.

Các tác giả cho biết một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh dịch mới lây nhiễm từ động vật sang người là buôn bán động vật hoang dã, đặc biệt là các loài được bán trong điều kiện thị trường có rủi ro cao.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 70% các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện ở người có nguồn gốc từ động vật, đặc biệt là động vật hoang dã.

Vào tháng 4/2021, WHO cho biết: “Các chợ truyền thống, nơi động vật sống bị giam giữ, giết mổ và bày bán, gây ra nguy cơ đặc biệt cho việc truyền mầm bệnh cho người bán và khách hàng”.

Các tác giả của nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng ở tất cả những nơi được khảo sát, trừ Myanmar, người dân nghĩ rằng việc đóng cửa thị trường động vật hoang dã sẽ rất hiệu quả trong việc ngăn chặn các đại dịch trong tương lai.

“Điều này có thể được giải thích là do những người quen thuộc nhất với những khu chợ này và điều kiện nuôi nhốt động vật hoang dã cũng hiểu cách tốt nhất là đóng cửa các khu chợ để có thể bảo vệ sức khỏe cộng đồng”, nghiên cứu phân tích.

Daniel Bergin, một trong những tác giả của nghiên cứu, nói rằng mặc dù cuộc khảo sát đã được thực hiện vào đầu năm ngoái, nhưng các yếu tố thúc đẩy và ngăn chặn việc tiêu thụ động vật hoang dã vẫn có liên quan.

Bergin, Giám đốc dự án cấp cao của Công ty Tư vấn nghiên cứu dư luận GlobeScan cho biết: “Quan điểm của người dân không thay đổi nhiều kể từ khi bắt đầu đại dịch. Nhắm mục tiêu đến mối liên hệ giữa buôn bán động vật hoang dã và khả năng gây bệnh và đại dịch trong tương lai, và định hình nó theo hướng tiếp cận One Health là cách mà chúng tôi có thể thay đổi nhận thức và cách nhìn của mọi người”.

One Health dựa trên ý tưởng rằng sức khỏe con người, động vật và môi trường có mối quan hệ với nhau.

Trong một cuộc khảo sát tiếp theo từ tháng 2-3/2021, 92% trong số 1.000 người được hỏi ở Trung Quốc đại lục cho biết họ rất có khả năng hoặc có khả năng ủng hộ nỗ lực của chính phủ nhằm đóng cửa tất cả các thị trường bán động vật hoang dã có rủi ro cao.

“Đó là một sự đồng thuận chung rất cao trong dân chúng với các biện pháp nhằm cố gắng và giảm thiểu nguy cơ xảy ra đại dịch trong tương lai bằng cách ngừng buôn bán động vật hoang dã”, Bergin nói đồng thời bổ sung “mối tương quan chặt chẽ có thể được sử dụng để thông báo về cách thiết kế các chiến dịch trong tương lai”.

Nhưng các tác giả cũng nói rằng việc tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp có thể tạo ra nhu cầu ngầm hiện có ở thị trường chợ đen, minh họa bằng ví dụ trong tiêu thụ rượu và ma túy.

Và đóng cửa thị trường hoặc hạn chế tiếp cận động vật hoang dã ở những nơi buôn bán tập trung cao và việc bán động vật hoang dã là một nguồn thu nhập chính “cho thấy những tình huống khó xử về đạo đức và những đánh đổi không dễ xử lý”.

Tại Trung Quốc, việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã đã bị cấm từ tháng 2/2020.

Nước này cũng tăng cường sửa đổi luật bảo vệ động vật hoang dã. Vào tháng 2/2021, Trung Quốc đã bổ sung hơn 500 loài mới vào danh sách các loài động vật được bảo vệ quốc gia, bao gồm chó sói, cầy đốm lớn và chó rừng lông vàng. Săn bắt trộm hoặc buôn bán các động vật trong danh sách sẽ đi cùng các hình phạt khác nhau.

Hương Lan (Theo SCMP)