Thái Lan dỡ lệnh cấm xuất khẩu voi

Quy định mới của Bộ Thương mại Thái Lan cho phép xuất khẩu voi và các sản phẩm liên quan đến voi đang gây tranh cãi liệu có vi phạm Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) hay không.

Tuy nhiên, Cục Vườn quốc gia, Bảo tồn động thực vật hoang dã (DNP) khẳng định quy định mới sẽ đủ nghiêm ngặt để ngăn chặn những kẻ buôn bán động vật hoang dã có thể lạm dụng kẽ hở.

Ảnh: nationmultimedia.com

Tổng giám đốc Cục Ngoại thương Adul Chotinisakorn cho biết Bộ Thương mại đã dỡ bỏ lệnh cấm từ năm 2009 bằng việc ban hành các quy định mới vào ngày 10/4 về việc xuất khẩu voi thuần hóa và các sản phẩm liên quan đến voi. Các quy định xuất khẩu nên được phê duyệt trong năm nay và sẽ đáp ứng các điều khoản, điều kiện nghiêm ngặt để đảm bảo không vi phạm Công ước CITES hoặc các luật bảo tồn động vật khác.

“Voi và các sản phẩm liên quan đến voi chỉ có thể được xuất khẩu cho mục đích nghiên cứu, ngoại giao hoặc trao đổi giữa các viện hàn lâm và giữa các bảo tàng. Chúng tôi đã soạn thảo quy định này một cách cẩn trọng, tham vấn chặt chẽ các cơ quan liên quan, và có thể đảm bảo rằng voi Thái Lan xuất khẩu sẽ được các chuyên gia chăm sóc kỹ càng trong môi trường tốt khi chúng ở nước ngoài”.

Chotinisakorn cũng lưu ý theo quy định mới, DNP sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra và phê duyệt giấy phép xuất khẩu.

Quy định sẽ có hiệu lực cho đến khi Dự luật về voi được thông qua và trở thành luật.

“Chúng tôi biết rằng việc đưa voi Thái Lan hoặc các sản phẩm từ voi đến những nước khác là một vấn đề rất nhạy cảm, vì vậy, chúng tôi sẽ đảm bảo rằng các quyết định về vấn đề này sẽ được xem xét cẩn thận với ưu tiên hàng đầu là lợi ích quốc gia”.

Somkiat Soontornpitakkool, Giám đốc Phòng bảo vệ động thực vật hoang dã thuộc DNP, cũng đảm bảo rằng việc cho phép xuất khẩu voi sống và các sản phẩm từ voi sẽ không ảnh hưởng đến tình trạng của Thái Lan trong danh sách theo dõi của CITES, hay vi phạm bất kỳ luật bảo tồn động vật hoang dã nào.

Somkiat cho biết thêm, chỉ những con voi thuần hóa đã đăng ký mới được phép xuất khẩu. Hơn nữa, chỉ các cơ quan chính phủ và viện hàn lâm mới được phép xuất khẩu động vật và các sản phẩm liên quan, do vậy, rất khó để cho rằng quy định mới sẽ tạo điều kiện cho đối tượng buôn bán động vật hoang dã.

“Quy định này sẽ chỉ cho phép xuất khẩu hoặc trao đổi voi sống và các sản phẩm liên quan cho mục đích học thuật và ngoại giao. Chúng ta sẽ không gặp vấn đề gì với CITES, vốn chỉ liên quan đến việc xuất khẩu động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã”.

Sasin Chalermlarp, ​​Chủ tịch Quỹ Seub Nakhasathien, cho biết ông không quan tâm đến quy định mới khi việc xuất khẩu chỉ giới hạn ở voi thuần hóa.

Nhật Anh (Theo The Nation)

Nguồn: