Container phế liệu tồn đọng tại cảng biển: “Mổ xẻ” nguyên nhân, ra phương án xử lý dứt điểm

“Trong tháng 4/2019, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ về thực trạng và phương án quản lý, xử lý dứt điểm phế liệu nhập khẩu (NK) tồn đọng tại các cảng quá 90 ngày. Đây là giải pháp quyết liệt và căn cơ.

Cán bộ Hải quan Hải Phòng kiểm tra thực tế lô hàng phế liệu nhập khẩu. Ảnh: Hải Anh

Khi được Chính phủ phê duyệt, Tổng cục Hải quan sẽ nhanh chóng triển khai thực hiện…” – ông Âu Anh Tuấn – quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý hải quan, Tổng cục Hải quan chia sẻ với phóng viên TBTCVN.

Tồn đọng từ giai đoạn trước

Theo thống kê của ngành Hải quan, số hàng hóa tồn đọng khai báo là phế liệu lưu giữ tại các cảng biển tính đến cuối tháng 3/2019, vào khoảng 17.216 container (chủ yếu ở cảng Hải Phòng và Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh), giảm 4.379 container so với tháng trước đó.

Về nguyên nhân phế liệu tồn đọng số lượng lớn, ông Âu Anh Tuấn cho biết, trước khi Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 27/CT-TTg về giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động NK và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (ngày 17/9/2018) thì thủ tục NK “khá thoáng”.

Do đó, nhiều doanh nghiệp (DN) lợi dụng chính sách, mặc dù chưa xin được giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, chưa có giấy xác nhận ký quỹ nhưng vẫn thực hiện NK phế liệu và dỡ hàng hóa xuống cảng biển sau đó nộp hồ sơ xin giấy xác nhận.

Tuy nhiên, do không xin được giấy xác nhận, DN từ bỏ hàng hóa tại cảng biển…

Cơ quan hải quan đã phát hiện DN giả mạo giấy xác nhận, dùng giấy xác nhận của các DN khác, đăng ký địa chỉ kinh doanh không đúng với thực tế (địa chỉ ma), chuyển địa chỉ mà không cập nhật thông tin nhưng đã cố tình NK phế liệu không đáp ứng quy định, sau đó bỏ hàng.

Một số DN đã lợi dụng quy định thông thoáng trong việc tạm nhập, tái xuất phế liệu sang nước thứ ba, thực chất đã giả mạo hồ sơ để bán phế liệu NK cho tổ chức, cá nhân trong nước sử dụng (đã bị khởi tố vụ án) và khi bị cơ quan chức năng phát hiện đã bỏ các lô hàng còn lại tại các cảng.

Theo ông Âu Anh Tuấn, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 27/CT-TTg, từ tháng 7/2018 đến nay, Tổng cục Hải quan tăng cường công tác quản lý phế liệu NK và triển khai các biện pháp ngăn chặn từ xa khi hàng vẫn còn trên tàu, không cho phép dỡ hàng xuống cảng đối với hàng hóa là chất thải, phế liệu không đủ điều kiện thì các DN đã chủ động chỉ NK vào Việt Nam các lô hàng đáp ứng các điều kiện quy định của pháp luật. Không còn hiện tượng các tổ chức, cá nhân vận chuyển chất thải, phế liệu không đáp ứng các quy định của pháp luật vào lãnh thổ Việt Nam; hàng phế liệu NK giảm.

Sẽ nhanh chóng triển khai các giải pháp

Đề cập đến giải pháp xử lý dứt điểm phế liệu tồn đọng tại các cảng, ông Âu Anh Tuấn cho biết, Tổng cục Hải quan đã có báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ về biện pháp xử lý hàng hóa là phế liệu tồn đọng tại cảng biển rất cụ thể. Khi được Chính phủ phê duyệt, Tổng cục Hải quan sẽ nhanh chóng triển khai thực hiện.

Cụ thể, đối với lô hàng là chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, căn cứ Bộ Luật Hàng hải năm 2015, Điều 58 Luật Hải quan 2014, cơ quan hải quan có văn bản thông báo yêu cầu hãng tàu có trách nhiệm thực hiện việc vận chuyển lô hàng tồn đọng gây ô nhiễm môi trường ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan hải quan.

Quá 30 ngày kể từ ngày cơ quan hải quan thông báo nhưng hãng tàu chưa thực hiện vận chuyển lô hàng đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, thì Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng quyết định biện pháp xử lý bằng hình thức tiêu hủy.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm đánh giá năng lực của các DN về khả năng tiêu hủy hàng hóa tồn đọng trước khi Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng lựa chọn DN thực hiện việc tiêu hủy hàng hóa.

Chi phí tiêu hủy trích từ tiền thu được sau khi bán đấu giá đối với lô hàng là phế liệu (thuộc danh mục theo Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg), đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Trường hợp tiền thu được từ việc bán đấu giá không đủ thì hãng tàu phải chịu trách nhiệm thanh toán chi phí tiêu hủy.

Ông Âu Anh Tuấn cho biết thêm, đối với lô hàng là phế liệu thuộc danh mục theo Quyết định  73/2014/QĐ-TTg và đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, căn cứ quy định tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP hướng dẫn tại Thông tư số 203/2014/TT-BTC, Thông tư số 57/2018/TT-BTC và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng quyết định biện pháp xử lý bằng hình thức bán đấu giá cho các DN đủ khả năng, điều kiện được mua phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.

Số tiền thu được từ việc bán đấu giá các lô hàng phế liệu được nộp ngân sách nhà nước, sau khi trừ các chi phí tiêu hủy đối với các lô hàng là chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.