224 tỷ đồng thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt

Số kinh phí trên sẽ được TP Đà Nẵng triển khai trong năm 2019, nhằm góp phần hoàn thành tiêu chí về tái sử dụng, tái chế chất thải rắn sinh hoạt đã đề ra tại Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường”, giảm áp lực về chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố.

Phụ nữ Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) phân loại rác thải tại nguồn.

Theo đó, thành phố cũng đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được tái sử dụng, tái chế đạt ít nhất 12% vào năm 2020 và 15% vào năm 2025.

Chất thải rắn sinh hoạt được chia làm bốn nhóm chính: nhóm tái chế, tái sử dụng, gồm các thành phần giấy, nhựa, kim loại các loại; nhóm thành phần nguy hại, gồm các thành phần pin, ắc quy, bóng đèn, mạch điện hỏng…; nhóm có kích thước lớn, cồng kềnh, chất thải vật liệu xây dựng; nhóm còn lại từ sinh hoạt, nấu ăn như rau củ quả thải bỏ, đồ ăn dư thừa, hư hỏng, các loại khác…

Năm 2019, Đà Nẵng sẽ tổ chức tuyên truyền, tập huấn công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn đến người dân, hộ gia đình, chủ nguồn thải; tổ chức mua sắm trang thiết bị, vật tư thực hiện phân loại.

Từ tháng 7-2019 sẽ được thực hiện phân loại tại quận Hải Châu; từ tháng 9-2019 tại các quận, huyện còn lại trên địa bàn thành phố, với kinh phí thực hiện hơn 224 tỷ đồng.

UBND TP Đà Nẵng cũng ban hành văn bản số 2531/UBND-STNMT về triển khai phong trào “Chống rác thải nhựa”.

Theo đó, Văn phòng UBND thành phố, các sở ngành thực hiện không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, đặc biệt không sử dụng chai nhựa tại các cuộc họp, hội thảo, hội nghị.

Mỗi ngày, tại Đà Nẵng có khoảng hơn 1.000 tấn rác được thải ra ngoài, trong đó, lượng rác thải rắn chiếm đến 16 – 17% chủ yếu là túi ni-lông và chai nhựa.

Vì vậy, các hoạt động cụ thể của thành phố với mong muốn giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni-lông khó phân hủy trên địa bàn, nhằm góp phần xây dựng môi trường trong lành, phát triển bền vững.