Rừng gỗ lớn: Doanh nghiệp làm trước

Để có được những cánh rừng gỗ lớn, không phải bất cứ người dân nào cũng làm được.

Đầu tiên phải là những doanh nghiệp, những hộ gia đình có điều kiện kinh tế bắt đầu từ việc chọn cây giống, trồng đúng kỹ thuật, tạo ra những mô hình trồng rừng kiểu mẫu mang lại giá trị kinh tế, từ đó người dân mới học tập và làm theo…

Rừng trồng trên đảo hồ Thác Bà

Trong bài viết trước chúng tôi đã chỉ ra nguyên nhân một số hộ trồng rừng ở Nga Quán (Trấn Yên, Yên Bái) chất lượng rừng thấp, năng suất không cao chỉ đạt 50-70m3/ha, cây 5-6 tuổi phải khai thác, để thêm 1-2 năm nữa cây xù lá chết hàng loạt.

Đó là do chất lượng giống thấp, mật độ trồng quá dày không theo quy chuẩn kỹ thuật nào, dẫn tới người dân buộc phải khai thác rừng non, không trở thành rừng gỗ lớn. Đây là hiện tượng phổ biến đối với hàng chục ngàn hộ trồng rừng Yên Bái.

Tỉnh Yên Bái có 6 Cty lâm nghiệp: Thác Bà, Yên Bình, Việt Hưng, Ngòi Lao, Văn Chấn và Lục Yên được chuyển đổi từ các lâm trường. Trong 6 Cty đó, thì 4 DN đang trồng rừng có hiệu quả, Cty Lâm nghiệp Lục Yên gần như chết hẳn, nhiều năm không có báo cáo tài chính, Cty Lâm nghiệp Văn Chấn do nhiều năm làm ăn thua lỗ nợ nần chồng chất, tháng 7/2018 buộc giải thể sáp nhập vào Ban quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải.

Cty Lâm nghiệp Thác Bà được coi có chút “máu mặt” trong 5 DN trồng rừng còn lại của Yên Bái. Ông Vương Quốc Đạt – GĐ Cty cho biết: Tiền thân của Cty Lâm nghiệp Thác Bà là Lâm trường Thác Bà được thành lập năm 1964.

Diện tích đất ban đầu được giao trên 12.000 ha, sau mấy chục năm tồn tại, phần lớn diện tích của lâm trường chuyển giao cho người dân, hiện Cty chỉ quản lý 817 ha đất trồng rừng, cán bộ công nhân hiện nay còn 85 người và 5 đội SX.

Ông Vương Quốc Đạt (trái) kiểm tra sự sinh trưởng của giống bạch đàn K3229

Trước khi đưa chúng tôi đi thăm những cánh rừng được trồng trên các đảo hồ Thác Bà, ông Đạt dẫn tới xem khu vườn ươm cây giống. Cty chủ yếu trồng bạch đàn, một phần nhỏ trồng keo. Vườn ươm của Cty mỗi năm ươm trên 200.000 bầu cây giống tiêu chuẩn để trồng 100-120 ha.

Ba giống bạch đàn có năng suất cao là giống: K3229, CT3 mua cây cấy mô từ Viện nghiên cứu cây nguyên liệu giấy Phù Ninh, UP54 từ Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. Đây là 3 giống cây sẽ được trồng chủ yếu trong những năm tới. Trước đây Cty trồng giống bạch đàn U6 của Trung Quốc, nhưng so với 3 giống mới đều bộc lộ những nhược điểm nên Cty đang từng bước thay thế.

Ông Đạt chỉ một luống cây bạch đàn lá dài cho biết: Người dân ở đây họ chỉ trồng giống cũ này thôi, còn những giống mới họ chưa dám làm, bởi họ chưa biết cây phát triển như thế nào.

Giống bạch đàn cấy mô chúng tôi mua từ các trung tâm và viện nghiên cứu khi cây chỉ bằng cái tăm, giá 1.200-1.300đ/cây, khi ươm đủ tiêu chuẩn mang lên đồi trồng, giá 2.500-2.700 đ/cây, người dân kêu đắt không dám mua.

Họ chỉ mua những giống cũ không đảm bảo chất lượng với giá rẻ nên chất lượng rừng của người dân thua xa rừng của chúng tôi. Vì thế, họ thấy chúng tôi trồng các giống mới có hiệu quả thì họ mới làm theo…

Sau gần nửa tiếng chạy thuyền máy trên hồ Thác Bà, ông Đạt dẫn chúng tôi lên đồi cây bạch đàn 7 tuổi trồng bằng giống U6, đường kính trung bình 28cm-33cm.

Rừng bạch đàn 7 tuổi của Cty Lâm nghiệp Thác Bà

Ông chỉ rừng cây: Nếu so sánh đồi cây của chúng tôi với đồi cây của người dân trồng bằng giống cũ mà các anh đã gặp trên đường đi, rõ ràng đồi cây của chúng tôi tươi tốt hơn hẳn. Cây cao, lá xanh, trăm ngàn cây phát triển đều tăm tắp. Nếu họ để 7 năm như của chúng tôi chắc chắn không được như thế này…

Tôi hỏi: Với rừng cây như thế này, sinh khối mỗi ha sẽ là bao nhiêu? Ông Đạt không ngần ngại đáp: Nếu 5 năm khai thác thì rừng của chúng tôi chỉ được 80-100m3/ha, còn để 7 năm như đồi cây này thì chắc chắn được 150-170m3/ha, còn để tiếp 2 năm nữa sẽ được 200m3/ha, giá bán từ 1,6-2 triệu/m3.

Tuy nhiên, do kinh tế của Cty còn khó khăn, nên đồi cây này cuối năm nay sẽ khai thác. Đây là giai đoạn cây phát triển mạnh nhất, biết là vậy nhưng cũng phải chặt thôi, tiếc lắm. Nếu không khai thác thì không có tiền nuôi bộ máy và trồng rừng mới được…

Ông Đạt thành thật: Cty Lâm nghiệp Thác Bà trung bình mỗi năm khai thác 100 ha, thu 7-8 tỷ. Nếu để tiếp 2 năm nữa thành rừng gỗ lớn, thì mỗi ha được thêm 50 triệu, nhưng lại không có 14 tỷ để chi lương cho cán bộ, công nhân, đóng bảo hiểm, trả tiền thuê đất.

Riêng tiền thuê đất, mỗi năm chúng tôi phải nộp hơn 1 tỷ đồng, không khai thác thì lấy gì để chi? Cái khó bó cái khôn là vậy. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ dám để 20 ha làm rừng gỗ lớn thôi…

Rừng bạch đàn trồng bằng giống UP54 mới 2 tuổi

Để chứng minh giống cây là điều tiên quyết cho việc xây dựng rừng gỗ lớn, chúng tôi lên thuyền sang quả đồi cách đó 10 phút thuyền máy chạy.

Tôi vô cùng kinh ngạc đồi bạch đàn trồng bằng cây nuôi cấy mô UP54, mới trồng hai năm mà cây đã to bằng bắp chân, đừng kính 10cm, cao đến 10m, cứ ngỡ rừng đã trồng 3-4 tuổi.

Ông Đạt cho hay: Các anh thấy đấy, đất ở đây là đỉnh đồi do nước hồ Thác Bà ngập tạo thành các đảo nổi và đã trồng qua nhiều luân kỳ, nên đất không được tốt lắm, nhưng cây vẫn tốt như thế này, rõ ràng là yếu tố giống quyết định.

Yên Bái phải làm gì để phát triển, mở rộng diện tích rừng cây gỗ lớn?

Đây là điều không dễ trả lời nếu chỉ hô hào suông mà cần có chính sách và chiến lược phát triển rừng, thì gỗ rừng trồng của Yên Bái mới có giá trị mang lại nguồn thu nhập cho người trồng rừng và xuất khẩu sang các nước phát triển.