Châu Âu cân nhắc siết luật về ngà voi

Ủy ban châu Âu (EC) đang tham vấn về việc thắt chặt các hạn chế đối với thương mại ngà voi trong các quốc gia thành viên EU, bắt đầu bằng việc đưa ra một báo cáo dài 62 trang của TRAFFIC, được phát hành cho các bên liên quan vào tháng 1.

Báo cáo tập trung vào việc tái xuất ngà voi đã gia công từ EU, nhập khẩu ngà voi vào EU, buôn bán ngà voi giữa các nước EU từ 2012 đến 2016 – những ngành liên quan đến buôn bán và buôn lậu ngà voi trong EU.

Việc buôn bán ngà voi có thể bị siết lại với các nước thành viên thuộc Liên minh châu Âu. (Ảnh: The Art Newspaper)

Dữ liệu của báo cáo cho thấy trong những năm gần đây, và theo báo cáo của chính EU, số lượng tái xuất thương mại trung bình hàng năm của ngà voi đã chế tác từ khối này tăng lên khoảng 7.500 mẫu vật.

Một số quốc gia, như Đức và Hà Lan, ghi nhận sự suy giảm trong việc tái xuất các mẫu ngà đã chế tác cho mục đích thương mại từ 2012 đến 2016; những nước khác, bao gồm Cộng hòa Séc và Áo, đã đưa ra các biện pháp kiểm soát nội địa chặt chẽ hơn.

Các quốc gia thành viên có mức tái xuất cao nhất lần lượt là Vương quốc Anh – hiện đã ban hành các biện pháp chặt chẽ hơn, Ý, Pháp và Đức.

TRAFFIC khai thác rất nhiều dữ liệu từ các nguồn như cơ sở dữ liệu thương mại của Công ước CITES, và báo cáo của tổ chức này cho thấy ngà voi được giao dịch của EU đã sụt giảm.

Các tác phẩm nghệ thuật và đồ cổ là lĩnh vực hàng đầu dính dáng đến thương mại ngà voi, tiếp theo là các nhà sản xuất nhạc cụ và săn bắn.

Một cân nhắc quan trọng là buôn lậu, nhưng TRAFFIC lưu ý rằng ETIS (Hệ thống thông tin thương mại về voi) mới nhất do CITES vận hành cho thấy các nước châu Âu không phải là “mối quan tâm hàng đầu”, “mối quan tâm thứ yếu” hay thậm chí là “quan trọng để theo dõi”.

Mặc dù vậy, các vụ bắt giữ ngà voi bất hợp pháp tại EU đã tăng lên mức cao nhất là 1.655 mẫu trong năm 2016, phần lớn là các vụ có số lượng nhỏ mẫu vật chạm khắc dành cho châu Á.

Mặc dù TRAFFIC không đưa ra khuyến nghị trực tiếp nào nhưng các cụm từ như “báo cáo thu giữ đáng kể” được gửi bởi các quốc gia thành viên EU có thể có ảnh hưởng.

CINOA, liên đoàn toàn cầu đại diện cho 5.000 đại lý nghệ thuật và đồ cổ, đã gặp Cơ quan Môi trường EU tại Brussels vào 28/1 để thảo luận về việc thắt chặt quy định và tinh giản luật lệ hiện hành. Những người đến từ các nhóm bảo tồn động vật hoang dã, các cơ quan thương mại Tây Ban Nha, Pháp, Đức và Vương quốc Anh cũng tham dự.

Tổng giám đốc CINOA Erika Bochereau nói rằng EC có ý định yêu cầu thêm bằng chứng cần thiết cho ngà voi chế tác trước năm 1947 mặc dù các nhóm bảo tồn muốn có các quy định chặt chẽ hơn, một số nhóm thậm chí còn yêu sách cấm hoàn toàn.

“CINOA và các đại diện thị trường nghệ thuật đã nói rõ rằng lệnh cấm hoàn toàn là không tương thích và bất kỳ sự thắt chặt quy định nào cũng nên tập trung vào các khu vực rủi ro cao”, Bochereau phát biểu.

Họ cũng đề nghị cung cấp dịch vụ chứng nhận ngà voi cho các chuyên gia hoặc hiệp hội thương mại nếu cần, nhưng cho biết bất kỳ quy định mới nào cũng phải khả thi, đặc biệt là cho sàng lọc xâm lấn, trong khi các định nghĩa về các đối tượng rủi ro cao hơn phải rõ ràng về số lượng hoặc tỷ lệ ngà voi có trong đó .

CINOA đã đệ trình một loạt các đề xuất lên EC về việc chính quyền cần sử dụng chuyên môn thương mại trong việc đánh giá các tác phẩm chế tác từ ngà voi và trong việc thực hiện bất kỳ kế hoạch chứng nhận nào.

Vẫn chưa rõ liệu các cuộc thảo luận của EC với các quốc gia thành viên, bắt đầu vào tháng 2, có kịp kết thúc trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5 hay không.

Bỉ đã thể hiện vai trò đi đầu vào tháng Hai với việc Thượng viện thông qua nghị quyết kêu gọi lệnh cấm buôn bán ngà voi quyết liệt trong nội địa EU.

Hugo-Maria Schally thuộc Cơ quan Môi trường châu Âu, người chủ trì cuộc họp các bên liên quan của Công ước CITES, nói với các đại biểu rằng cơ quan này đang tuân theo những hướng dẫn nghiêm ngặt để thúc đẩy mọi biện pháp nhanh nhất có thể. Nhưng ông nói thêm rằng trong khi việc cập nhật hướng dẫn về các quy định hiện hành có thể được hoàn thành trong năm nay, bất kỳ thay đổi luật pháp nào cũng sẽ mất từ hai đến ba năm.