Công an Nghệ An nói về việc 8 con hổ được “giải cứu” chết bất thường

“Để thực hiện chuyên án này lực lượng công an đã lên phương án rất kỹ lưỡng, có mời các chuyên môn về động vật hoang dã cùng tham gia. Việc 8 con hổ bị chết là ngoài ý muốn của các lực lượng chức năng”, Đại tá Nguyễn Đức Hải – Phó Giám đốc Công an Nghệ An thông tin.

Đại tá Nguyễn Đức Hải – Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nói việc 8 con hổ chết là ngoài ý muốn của lực lượng chức năng

Chiều 9/8, tại cuộc họp báo do Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức, Công an Nghệ An đã thông tin về việc tổ chức chuyên án, bắt giữ 17 cá thể hổ nuôi nhốt ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An).

Trong quá trình giải cứu, lực lượng chức năng đã sử dụng thuốc gây mê để vận chuyển hổ đến Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm (đóng trên địa bàn huyện Diễn Châu, Nghệ An) gửi chăm sóc trong thời gian phục vụ công tác điều tra.

Tuy nhiên, đã có 8/17 cá thể hổ bị chết bất thường. Số hổ chết đã được cơ quan chức năng cấp đông để bảo quản nguyên vẹn, phục vụ công tác điều tra. Có ý kiến cho rằng sau khi phá chuyên án, có thể bàn giao cho chủ nhà chăm sóc dưới sự quản lý, giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

Trước những câu hỏi này, Đại tá Nguyễn Đức Hải – Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đã có những thông tin phản hồi. Theo đó, hành vi nuôi nhốt động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm là tội phạm nghiêm trọng, có khung hình phạt cao nhất là 15 năm tù.

Chuyên án phát hiện 17 con hổ tại hai nhà dân ở xã Đô Thành thể hiện sự quyết liệt và quyết tâm của lực lượng công an trong việc đấu tranh về tội phạm này. Đây là chuyên án lớn nhất từ trước đến nay.

Sau khi được công an “giải cứu”, 8/17 con hổ bất ngờ chết.

Liên quan đến việc sau khi được “giải cứu” thì 8/17 con hổ bị chết, Phó Giám đốc Công an Nghệ An cho hay: “Trong chuyên án này các cá thể hổ được xem là vật chứng của vụ án, nên được xử lý theo quy định của pháp luật. Theo tài liệu chứng cứ công an thu thập được thì chủ nhà chính là đối tượng phạm tội. Nếu bàn giao vật chứng này cho chủ nhà sẽ dẫn đến tiêu hủy, thay đổi vật chứng, làm ảnh hưởng đến khả năng chứng minh vật chứng trong vụ án hình sự”, Đại tá Hải lý giải việc không bàn giao cho chủ nhà chăm sóc các cá thể hổ nói trên.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn về động vật học thì việc đưa các cá thể hổ về nơi nuôi nhốt được cấp phép có điều kiện tốt hơn là giải pháp nhân văn trong điều kiện hiện nay.

Để thực hiện chuyên án này lực lượng công an đã lên phương án rất kỹ lưỡng, có mời các chuyên môn về động vật hoang dã cùng tham gia. Việc 8 con hổ bị chết là ngoài ý muốn của các lực lượng chức năng.

“Hiện, việc chăm sóc, bảo tồn, nuôi dưỡng các cá thể hổ còn sống hết sức khó khăn, chưa tìm được địa chỉ cụ thể. Nhưng không vì khó khăn đó mà chúng ta chùn bước trước loại tội phạm này”, Đại tá Hải chia sẻ.

Thông qua vụ việc này, công an kêu gọi người dân hãy chấm dứt các hành vi vi phạm liên quan đến động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

Hiện, vụ việc đang được các cơ quan chức năng ở Nghệ An tiếp tục điều tra, làm rõ.