Đồ uống không nhựa

Từ hành động ở các cửa hàng đơn lẻ, việc sử dụng ống hút cỏ bàng, tre hay inox, giờ đây, các chuỗi cửa hàng lớn đã vào cuộc.

Khi ghé không gian tra cứu của Phòng đọc Doanh nhân tại Thư viện Tổng hợp, cô giáo quan tâm đến môi trường Hồng Phượng thấy thông báo “Từ giờ chúng tôi chỉ dùng ống hút giấy” của Trung Nguyên Legend, chuỗi cà phê đang trang hoàng không gian xanh cho phòng đọc này. Đó là tháng 12.2018.

Không lâu sau đó, Hồng Phượng có trải nghiệm tương tự tại chuỗi cà phê toàn cầu Starbucks khi tại nơi thường để ống hút xanh các loại dùng cho đồ uống nóng và lạnh, chỉ còn loại dùng cho đồ lạnh, làm từ vật liệu sinh học phân hủy. Bởi vì loại ống hút này sẽ tan trong nước nóng, nên nếu Hồng Phượng muốn dùng ống hút cho món latte nóng của mình thay vì uống trực tiếp từ lỗ được thiết kế trên nắp, cô sẽ phải hỏi người bán hàng, theo hướng dẫn tại quầy.

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science Advance vào tháng 7.2017 ước tính tổng khối lượng nhựa từng được sản xuất trên thế giới đã đạt 8,3 tỉ tấn, 3/4 số này trở thành rác thải. Hằng năm, có khoảng 10 triệu tấn rác thải nhựa bị đẩy ra các đại dương.

Ước tính có 175 triệu ống hút được sử dụng và vứt đi mỗi ngày. Dù ống hút nhựa chỉ chiếm 0,03% tổng khối lượng chất thải nhựa, nhưng “bắt đầu bằng hành động nhỏ sẽ dẫn đến sự thay đổi được thói quen lớn”, Wang Wong, người nghệ sĩ đã sáng tạo ra con sóng kỷ lục Guinness từ ống hút nhựa đã qua sử dụng vào đầu năm 2019 tại TP.HCM, nhận định.

Từ hành động ở các cửa hàng đơn lẻ có ý thức về môi trường như sử dụng ống hút cỏ bàng, tre hay inox, giờ đây, các chuỗi cửa hàng lớn trong và ngoài nước đã vào cuộc. Không chỉ thay thế ống hút nhựa bằng ống hút giấy, Trung Nguyên Legend cũng đã triển khai việc sản xuất viên nén cà phê (capsule) bằng vật liệu sinh học, được công bố sẽ có thể phân hủy trong thời gian 18 tháng ở môi trường tự nhiên.


Viên nén cà phê cũng đang bị chỉ trích là thảm họa nhựa toàn cầu khi chúng hầu như được thải ra các bãi chôn lấp ngay sau khi sử dụng với số lượng tương đương 10 vòng quanh trái đất mỗi năm và tốc độ này được dự báo sẽ tăng trưởng 7%/năm trong 5 năm tới. Trong khi chỉ được dùng vài giây trong máy pha cà phê cá nhân, cần đến 200-500 năm để những viên nén từ chất liệu nhôm hay nhựa biến mất khỏi thế giới.

Từ giữa năm 2018, Starbucks đã thiết kế lại vật đựng đồ uống lạnh, sử dụng loại nhựa có thể tái chế với nắp có thể uống trực tiếp. Starbucks ước tính thay đổi này sẽ giúp loại bỏ hơn một tỉ ống hút nhựa mỗi năm trên toàn cầu. Bon Appétit Management Company cũng cấm ống hút và thìa nhựa trên toàn bộ 1.000 cửa hàng ở Mỹ, trở thành công ty dịch vụ thức ăn lớn đầu tiên hoàn tất cam kết ở quốc gia này.

“Đối với các thương hiệu dù lớn hay nhỏ, thay đổi việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần là một quá trình khó và đòi hỏi nhiều thời gian cũng như đầu tư về tài chính, huấn luyện nhân viên và truyền thông đến khách hàng”, bà Ngô Thị Kim Khánh, Giám đốc Dự án iChange, nhận định. Theo bà, việc các chuỗi cửa hàng, thương hiệu lớn chuyển dần sang sử dụng ống hút thay thế là một tín hiệu tốt cho thấy nỗ lực giảm thiểu tác hại môi trường, đồng thời sẽ lan tỏa đến khách hàng và đến cả những thương hiệu khác trong ngành F&B, nơi sử dụng nhiều sản phẩm nhựa dùng một lần.

Tái chế là một trong những bước hiệu quả nhất để có thể xử lý sản phẩm nhựa, “vì sản phẩm nhựa có thể được tận dụng biến thành những sản phẩm khác có ích hơn mà không thành rác thải, gây ô nhiễm môi trường”, bà Khánh nhận định. Tuy nhiên, trong trường hợp của Starbucks, khả năng tái chế các ly uống đồ lạnh mới bị xem xét khi có ý kiến cho rằng thay vì được tái chế tại Mỹ, đa số rác thải nhựa được đóng gói lại và xuất sang các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam – những nước có hệ thống phân loại rác thải và tái chế chưa hiệu quả.

Hơn nữa, “sự thay đổi không chỉ dừng lại ở ống hút nhựa mà cần toàn diện ở các sản phẩm dùng một lần như túi nylon, ly và chai nhựa”, bà Khánh nói.

Đại diện Trung Nguyên Legend cho biết: “Công ty sẽ tiếp tục ưu tiên sử dụng các công cụ, dụng cụ bằng chất liệu thô mộc tại các không gian của chúng tôi”. Trong khi đó, tại Starbucks, từ lệnh cấm ống hút nhựa ở Canada vào tháng 6.2019, chuỗi cà phê này đã tiến hành một loạt thay đổi về nhựa dùng một lần không chỉ ở những cửa hàng Bắc Mỹ mà còn trên toàn cầu với mục tiêu loại bỏ hoàn toàn ống hút nhựa vào năm 2020.