Theo nghiên cứu mới, hơn 1.200 loài trên toàn cầu đang đối mặt với các mối đe dọa đến sự tồn tại của chúng trong hơn 90% sinh cảnh sống và “gần như chắc chắn chúng sẽ tuyệt chủng” nếu không được bảo tồn can thiệp.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Queensland, Australia và WCS đã lập bản đồ các mối đe dọa đối với 5.457 loài chim, động vật có vú và động vật lưỡng cư để xác định phần nào trong phạm vi sinh cảnh của loài bị ảnh hưởng nhiều nhất từ mất đa dạng sinh học.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy chỉ có 5 quốc gia chịu trách nhiệm cho 70% diện tích hoang dã còn lại của thế giới. Ngoài ra, nhóm cũng lập bản đồ “các điểm nóng” – nơi các loài bị ảnh hưởng nhiều nhất từ các mối đe dọa như nông nghiệp, đô thị hóa, chiếu sáng ban đêm, đường bộ, đường sắt, đường thủy và mật độ dân số – và “các điểm mát” – nơi động vật nương náu nhằm thoát khỏi các mối đe dọa.
Đối với phần lớn động vật hoang dã được nghiên cứu, các loài xâm lấn bao phủ khắp sinh cảnh khiến khu vực mà loài có thể sống sót bị hạn chế nghiêm trọng.
Đáng lo hơn là hiện có 1.237 loài – gần 1/4 số động vật được đánh giá – đã bị ảnh hưởng bởi các mối đe dọa trải khắp hơn 90% phân bố của chúng.
Tình hình tồi tệ hơn đối với 395 loài, tương đương 7%, được phát hiện bị ảnh hưởng từ ít nhất một mối đe dọa tương quan trong toàn bộ sinh cảnh của chúng.
James Allan, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Queensland kiêm tác giả chính của nghiên cứu cho biết “những kết quả này rất đáng báo động vì những mối đe dọa được chúng tôi lập bản đồ lại riêng biệt từng loài. Khi các mối đe dọa xếp chồng với một loài, chúng ta biết rằng loài đó sẽ tiếp tục suy giảm”.
Động vật có vú được xác định là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất trong số các đối tượng được nghiên cứu với trung bình 52% phân bố loài bị suy thoái do các mối đe dọa.
1/3 loài được nghiên cứu được phát hiện là không có mối đe dọa nào trong phạm vi sinh cảnh nhưng các nhà nghiên cứu cảnh báo kết quả này “nên được hiểu trong bối cảnh các mối đe dọa được xem xét”.
Hai mối đe dọa lớn mà họ chưa lập được bản đồ là các bệnh ảnh hưởng đến động vật lưỡng cư và biến đổi khí hậu vốn đe dọa tất cả các loài.
Tác động của con người đã được tìm thấy ở các loài trên 84% bề mặt trái đất.
5 quốc gia hàng đầu bị ảnh hưởng nhiều nhất từ các mối đe dọa đều ở Đông Nam Á. Đứng đầu là Malaysia, tiếp theo là Brunei và Singapore.
Các quần xã sinh vật bị ảnh hưởng nhiều nhất bao gồm rừng ngập mặn, rừng lá rộng nhiệt đới và cận nhiệt đới ẩm ở miền nam Brazil, Malaysia, Indonesia và rừng lá rộng nhiệt đới, cận nhiệt đới khô ở Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan.
Các quốc gia có khu vực “điểm mát” lớn nhất cũng nằm ở Đông Nam Á cùng khu rừng mưa nhiệt đới Amazon, một phần của dãy Andes và Liberia ở Tây Phi.
Theo chuyên gia James Allan, trong một số trường hợp, các điểm nóng và điểm mát được tìm thấy cạnh nhau, chứng tỏ đa dạng loài ở đó rất cao.
“Hiển nhiên điều chúng ta cần làm là bảo vệ các điểm mát – những khu vực chưa bị ảnh hưởng của các loài. Chúng ta cần ngăn chặn các mối đe dọa xâm nhập vào các khu vực đó. Vẫn có chỗ cho sự lạc quan. Mọi mối đe dọa mà chúng tôi lập bản đồ có thể được ngăn chặn thông qua nỗ lực bảo tồn”.
Nhật Anh (theo Theguardian.com)