Cảnh giác với hành vi “nhuộm xanh” thủy điện

ThienNhien.Net – Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (International River – IR) vừa cho ra mắt bản hướng dẫn mang tên “Fight Back Against Greenwash” (tạm dịch: Chống lại hành vi “nhuộm xanh*”), như một công cụ giúp nhận diện và ứng phó với những gian lận có thể xảy ra khi đánh giá tác động môi trường, xã hội từ các dự án thủy điện.

Ngay từ khi mới ra đời, Bộ quy tắc Đánh giá Thủy điện bền vững (HSAP) do Hiệp hội Thủy điện Quốc tế xây dựng đã gây không ít tranh cãi. Những quan ngại về Bộ quy tắc không chỉ nằm ở những hạn chế của nó, mà người ta còn lo ngại rằng các nhà xây dựng đập thủy điện có thể lợi dụng nó để “nhuộm xanh” dự án của mình.

Theo nhận định từ Bản Hướng dẫn, là một công cụ đánh giá nhanh, HSAP chắc chắn không tránh khỏi những khiếm khuyết.

Theo đó, thiếu sự tham gia của cộng đồng bị ảnh hưởng và các tổ chức xã hội dân sự khi thực hiện đánh giá là một trong nhiều lỗ hổng của HSAP. Trong khi tính minh bạch, sự tham gia lại là một trong những khía cạnh quan trọng nhất của quy hoạch năng lượng, theo khuyến cáo của Ủy ban Đập Thế giới.

Hơn nữa, HSAP lại được thiết lập bởi chính bản thân IHA nên có nguy cơ thiên vị và xung đột về quyền lợi.

Đặc biệt, HSAP không đánh giá tác động tích lũy lên đa dạng sinh học và sinh thái; tác động của đập lên toàn bộ lưu vực sông và nguồn nước bao gồm cả các tác động trong mối quan hệ với các dự án khác trên cùng lưu vực sông cũng bị bỏ qua. HSAP cũng không yêu cầu đánh giá dòng chảy môi trường và kế hoạch quản lý.

Ảnh: Pages.uoregon.edu
Ảnh: Pages.uoregon.edu

Trên thực tế, việc đánh giá dường như không mang lại nhiều ý nghĩa bởi vì khi một dự án thủy điện bị đánh giá thấp, các nhà xây dựng đập cũng không bị yêu cầu phải cải tiến chính sách hoặc cải thiện hoạt động của mình.

Thêm nữa, có lẽ các nhà xây dựng đập chỉ thực hiện đánh giá cho các đập mà họ biết rằng sẽ nhận được điểm cao hoặc với các con đập không gây tranh cãi.

Trong một số trường hợp, thậm chí các nhà xây dựng đập có thể sử dụng bộ công cụ HSAP để “nhuộm xanh” các con đập gây tác động tiêu cực. Trong trường hợp này, việc các tổ chức xã hội buộc nhà xây dựng đập có trách nhiệm giải trình là vô cùng quan trọng.

Bản hướng dẫn Chống lại hành vi “nhuộm xanh” ra đời vì lẽ đó nhằm hướng dẫn người dân, các tổ chức xã hội dân sự, các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi đập và các nhà hoạt động biết cách “đọc” bản đánh giá, nhận diện được hành vi “nhuộm xanh” và buộc các nhà xây dựng đập có trách nhiệm giải trình.

Greenwash – một thuật ngữ tiếng Anh để nói về sự đánh bóng thương hiệu bằng mác thân thiện môi trường. Nó ám chỉ loại hàng hoá hay dịch vụ mang mác thân thiện với môi trường những thực chất không mang lại hiệu quả môi trường. Các loại hàng hóa, dịch vụ này và thường có giá cao hơn bình thường do phải cộng thêm một số phụ phí bảo vệ môi trường.