Đông Nam Á không thể trở thành “bãi rác của thế giới”!

“Nước Mỹ và các quốc gia giàu có khác đang quét rác của họ sang Malaysia và các nước khác. Đông Nam Á không nên trở thành bãi rác của thế giới nữa”, nhà hoạt động xã hội Heng Kiah Chun người Malaysia cảnh báo.

Nhiều tháng nay, tại Malaysia đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về cuộc khủng hoảng nhựa ở nước này khi năm ngoái, Malaysia đã bỗng chốc trở thành nhà nhập khẩu phế liệu nhựa lớn nhất thế giới.

Phế thải nhựa chất đống tại một bãi rác ở Ipoh, Malaysia vào cuối tháng 1-2019

Cả trăm triệu tấn rác từ Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản và các nơi khác nhập về Malaysia đang chất đống tại các cảng và một ngành công nghiệp tái chế phi pháp đang lan rộng khắp cả nước, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn của cộng đồng địa phương. Tình hình gần như tương tự cũng đang xảy ra ở các nước láng giềng trong khu vực.

“Những gì đang xảy ra ở Đông Nam Á hay ở Malaysia cho thấy hệ thống tái chế thực sự phá sản như thế nào. Người tiêu dùng, đặc biệt ở phương Tây, tin rằng khi họ phân chia rác tái chế và bỏ đi, chúng sẽ được quan tâm đúng mức. Nhưng điều đó chỉ giống như huyền thoại”, ông Von Hernandez, điều phối viên toàn cầu cho sáng kiến Break Free From Plastic (tạm dịch Đấu tranh không phụ thuộc vào nhựa) thẳng thắn.

Sự thật phũ phàng về rác tái chế

Trong một khu công nghiệp yên tĩnh ở Ipoh, Tây Bắc Malaysia, những đống vật liệu nhựa tái chế chất cao như núi. Chỉ khoảng một nửa số đó là của Malaysia, còn lại nhập khẩu từ Mỹ, Trung Quốc và New Zealand. Hầu hết số rác đó được tập kết tại đây ít nhất 8 tháng. Ông Ben Muni, một thành viên của tổ chức Hòa bình xanh Malaysia, nhóm đã phát hiện ra bãi rác không phép này năm ngoái, cho biết, những đống rác lộ thiên này cuối cùng có thể bị đốt cháy bất hợp pháp hoặc để mặc cho phân hủy tự nhiên, dù quá trình này có thể mất hàng trăm năm.

“Đường đi nước bước” của ngành tái chế toàn cầu trị giá hàng tỷ đô la đã trở nên rõ ràng hơn vào mùa hè năm 2017, khi Trung Quốc – nước trong nhiều thập kỷ là nhà nhập khẩu rác tái chế lớn nhất thế giới – bất ngờ tuyên bố đóng cửa biên giới với 24 loại chất thải có thể tái chế, bao gồm một số loại nhựa phế liệu và giấy hỗn hợp.

“Công dân của các nước phát triển cần phải yêu cầu Chính phủ minh bạch về cách xử lý rác thải của mình. Chính xác thì những thùng rác sẽ đi đâu? Nhựa phế thải đi đâu? Điều khiến tôi bực mình là sự bất công. Bất công khi nhìn thấy người dân ở các nước đang phát triển phải hứng chịu rác thải của các nước phát triển. Tôi không nghĩ rằng công dân những nước đó hiểu chuyện gì đang xảy ra, kể cả các nghị sỹ của họ”.

Bộ trưởng Môi trường Malaysia Yeo Bee Yin

Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã mua loại rác thải này với giá rẻ từ Mỹ và các quốc gia phát triển khác để cung cấp cho ngành sản xuất đang rất cần phế liệu. Trước khi ban hành lệnh cấm năm 2018, Trung Quốc đã xử lý khoảng 45% chất thải nhựa của thế giới. Từ năm 1992 đến năm 2016, nước này đã nhập khẩu hơn 110 triệu tấn nhựa phế liệu.

Nhưng khi tốc độ sản xuất của nước này chậm lại và chi phí lao động tăng lên, Bắc Kinh không còn ham muốn đóng vai trò là “lò tái chế của thế giới” nữa. Lý do phần lớn chất thải tái chế nhập khẩu bị ô nhiễm đến mức không thể tái chế được, hàng đống chất thải nhập khẩu đành đưa vào các bãi rác của Trung Quốc và gây ô nhiễm nguồn nước.

Lệnh cấm được thi hành vào ngày 1-1-2018 và các hiệu ứng của nó đã lan tỏa trên toàn cầu. Ngay lập tức, nước Mỹ, nơi đã xuất khẩu khoảng 1/3 số rác tái chế hàng năm, phần lớn sang Trung Quốc bị ùn ứ khắp các cơ sở tái chế hay các bãi rác. Nhưng các nhà tái chế Mỹ đã sớm tìm thấy đối tác mới ở Malaysia và các quốc gia Đông Nam Á khác. Thị trường nhập khẩu rác tái chế từ Anh, Đức, Nhật Bản và Australia cũng tăng vọt.

“Động cơ” của việc nhập rác phế liệu

Tại sao các nước lớn lại chuyển rất nhiều vật liệu có thể tái chế ra nước ngoài, để rồi chúng lại không được tái chế đúng cách? Câu trả lời bắt nguồn từ sự phức tạp trong quy trình tái chế nhựa. Phân loại bằng tay là bước đầu tiên cần thiết trước khi các nhà tái chế có thể xử lý nhựa. Đây là công đoạn sử dụng nhiều lao động, nên không phải là bài toán hiệu quả về chi phí đối với các nhà tái chế ở Mỹ và các nước phát triển khác. Bởi vậy, cái gọi là nhựa tái chế sạch như rác thải nhựa công nghiệp hầu hết được tái chế ở Mỹ, nhưng có đến 80% rác thải nhựa hỗn hợp của họ được đẩy ra nước ngoài.

Rác thải ô nhiễm bị đẩy sang các nước đang phát triển cũng có một phần “đóng góp” của các nhà xuất khẩu, trong đó không ít người giấu các kiện chất thải nhựa bị ô nhiễm trong các lô hàng có chứa nhựa sạch. Các nhà tái chế của Mỹ có thể không muốn trả tiền để đổ chất thải vào các bãi chôn lấp. Có một cách dễ dàng và rẻ hơn là chỉ cần đẩy chúng vào container và vận chuyển đi. Giá vận chuyển thấp có thể khuyến khích hành vi này. Các tàu chở hàng từ châu Á tới Mỹ đầy “giầy Nike và điện thoại Apple”, và trên đường về, thay vì container rỗng, các hãng vận chuyển đưa ra mức giá rất thấp cho các nhà xuất khẩu rác tái chế.

Sau lệnh cấm, hàng trăm nhà tái chế nhựa từ Trung Quốc đã chuyển hoạt động sang Malaysia, nơi có nguồn nhân công rẻ hơn và các quy định môi trường ít nghiêm ngặt hơn. Các nhà tái chế Trung Quốc này đã thành lập các nhà máy, thường là bất hợp pháp, trên khắp Malaysia và xử lý chất thải mà không có sự giám sát theo quy định. Điều họ cần là tái chế để chuyển về Trung Quốc dưới dạng nguyên liệu thô với nhu cầu không bao giờ hết cho sản xuất công nghiệp.

Một quan chức môi trường Malaysia giải thích rằng, trong khi các nhà tái chế hợp pháp có thể không muốn nhập khẩu nhựa tái chế bị ô nhiễm thì những cơ sở trái phép lại lao vào làm, bởi lợi nhuận cao. Họ có thể lập xưởng và thuê công nhân với giá rẻ cũng như tiếp cận nguồn nước ngầm bất hợp pháp trong quá trình tái chế.

Các vật liệu tái chế không thể xử lý được sau đó có thể bị “phi tang” bằng cách đốt cháy, và hệ quả là khói độc hại gây ô nhiễm khu dân cư. Cũng từ đó, nhiều địa phương nổi lên tình trạng cư dân, bao gồm cả trẻ em, bắt đầu phải chịu đựng những cơn đau đầu, vấn đề hô hấp, dị ứng da và các bệnh khác do ô nhiễm từ những cơ sở tái chế không phép.

Ngăn chặn nguy cơ trở thành “bãi rác của thế giới”

Bà Yeo Bee Yin, Bộ trưởng Môi trường của Malaysia, cho biết: “Chúng tôi không cảm nhận được tác động của những kiện hàng rác nhập khẩu cho đến khi Trung Quốc ra lệnh cấm. Đó không chỉ là một hồi chuông cảnh tỉnh cho chúng tôi. Đó là một lời cảnh tỉnh cho cả thế giới”, bà Yeo Bee Yin thừa nhận.

Kể từ khi nhậm chức năm ngoái, Bộ trưởng Môi trường Malaysia đã chỉ đạo đóng cửa hơn 130 cơ sở tái chế nhựa bất hợp pháp. Một số đối tượng đã bị buộc tội tại tòa và bị phạt nặng. Nhưng chưa dừng lại ở đó, Malaysia đang soạn thảo các quy định mới liên quan đến tái chế để đảm bảo nước này không bao giờ trở thành “bãi rác của thế giới” nữa.

Malaysia, cũng giống như Thái Lan và Việt Nam, đã tạm thời cấm nhập khẩu phế liệu nhựa vào năm ngoái. Lệnh cấm có thể được dỡ bỏ, nhưng các quy định dự kiến được đưa ra trong tháng 3 này sẽ hạn chế vĩnh viễn số lượng phế liệu nhựa ô nhiễm được phép vào nước này. Các quy tắc quản lý giấy phép tái chế cũng sẽ được tăng cường, Bộ trưởng Môi trường Malaysia cho biết.

Theo bà Yeo Bee Yin, một hiệp ước quốc tế nhằm hạn chế phế liệu một cách công bằng và minh bạch hơn là một bước tiến quan trọng và cần thiết. Malaysia ủng hộ việc năm ngoái, Na Uy đề nghị bổ sung phế liệu nhựa vào danh sách các vật liệu được quy định trong Công ước Basel năm 1992 về việc vận chuyển chất thải nguy hại giữa các quốc gia.

Nếu điều này được thông qua, việc vận chuyển phế liệu nhựa qua biên giới sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn. Nó cũng sẽ bắt buộc các nước xuất khẩu phải nhận được sự đồng ý từ các quốc gia nhập khẩu trước khi phế liệu chuyển về. “Nó sẽ cho các nước nhập khẩu cơ hội nói “không” – thay vì ngạc nhiên, như trường hợp của Việt Nam và Thái Lan, đã bị sốc khi rác thải nhựa bắt đầu chất đống từ năm ngoái”, chuyên gia Von Hernandez nói.

Bộ trưởng Môi trường Malaysia, người gần đây đã đưa ra một sáng kiến cấm tất cả các loại nhựa sử dụng một lần ở Malaysia vào năm 2030, cũng cho rằng, mọi người trên toàn thế giới cũng cần thay đổi thói quen sử dụng nhựa. Khi dân số toàn cầu càng gia tăng, nhu cầu tiêu thụ nhựa ngày càng tạo nên áp lực lớn. Để hạn chế điều này thì phải tìm ra vật liệu thay thế khả thi, bền vững hơn, cải thiện công nghệ và cơ sở hạ tầng tái chế trên toàn thế giới.

Con số giật mình

* Từ năm 1950-2015, nhân loại đã thải ra khoảng 6,9 tỷ tấn nhựa, nhưng chỉ có 9% trong số này được tái chế.

* Từ tháng 1 đến tháng 11-2018, Malaysia đã nhập khẩu khoảng 200 triệu tấn nhựa phế liệu từ Mỹ, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước (theo số liệu của Resource Recycling)

*  30.000 container chứa đầy rác thải nhựa nhập khẩu tồn đọng tại các cảng của Thái Lan vào thời điểm tháng 6-2018 do trục trặc về giấy phép nhập khẩu. Con số này ở Việt Nam là 9.000 container, theo Resource Rec Waste.