Bảo vệ 32 loài ốc ở vùng Tây bắc Thái Bình Dương

ThienNhien.Net – Mới đây, Trung tâm Đa dạng sinh học và 4 tổ chức bảo tồn khác đã đệ đơn lên Hiệp hội bảo vệ Động vật hoang dã và nghề cá của Mĩ, yêu cầu bảo vệ 32 loài ốc đang có nguy cơ tuyệt chủng. Các loài ốc này đã được tìm thấy ở khu vực rừng già của vùng Tây Bắc Thái Bình Dương.

Tierra Curry – một nhà sinh thái học đồng thời là Giám đốc Trung tâm Đa dạng sinh học, cho biết: “Những loài ốc này không được đánh giá cao nhưng nó lại có vai trò sinh thái trong cuộc sống. Nếu không được bảo vệ, chúng sẽ bị tuyệt chủng”. Động vật thân mềm là nguồn thức ăn chủ yếu của các loài động vật khác, có vai trò quan trọng trong chu kì dinh dưỡng thiết yếu, làm cân bằng hệ sinh thái rừng và nguồn nước. Bảo vệ chúng sẽ giúp bảo vệ nguyên vẹn môi trường ở khu vực Tây bắc Thái Bình Dương.

Trong chương trình “Khảo sát và quản lý” của Kế hoạch rừng Tây Bắc Thái Bình Dương, 32 loài ốc đã được đề xuất đưa vào danh sách bảo vệ nhưng chương trình này đã bị chính quyền Bush từ chối để tiếp tục cho phép khai thác gỗ. Việc làm đó khiến cho các loài ốc càng ít được bảo vệ và tiếp tục đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do môi sinh bị tàn phá bởi các hoạt động khai thác gỗ và chăn thả gia súc….. Kế hoạch rừng Tây Bắc Thái Bình Dương bị bác bỏ đã tiền đề để người ta tiếp tục khai thác 2,5 triệu mẫu đất công và các khu rừng già, kể cả nơi có người dân sinh sống. Do đó, nguy cơ tuyệt chủng đối với các động vật thân mềm ngày càng lớn.

Cury cũng nói thêm: “Sự công kích của chính quyền Bush đối với việc bảo vệ các khu rừng già ở vùng Tây bắc Thái Bình Dương đã đe dọa đến hàng trăm loài sắp bị tuyệt chủng”.

Cùng với các loài thực vật như quế, bạch dương, 32 loài ốc bao gồm 13 loài ốc sên cạn, 2 loài ốc sên suối, 2 loài ốc và 15 loài ốc mùa xuân đã được các nhà khoa học đề nghị đưa vào danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ. Loài động vật thân mềm thường hiếm gặp và phân bố hạn chế nên rất dễ bị tuyệt chủng bởi các hoạt động sinh sống riêng lẻ; 15 trong số các loài này được tìm thấy ở 10 địa điểm, còn 7 loài trong số đó chỉ tìm thấy ở 1 hay 2 địa điểm.

Các loài ốc và ốc sên sống trên cạn cũng như dưới nước là một mắt xích quan trọng trong lưới thức ăn vì chúng tiêu huỷ các chất vi hữu cơ và rác rừng, sau đó chúng lại làm mồi cho các loài chim, lưỡng cư, bò sát, cá, động vật có vú, và các loài không xương sống khác. Chúng góp phần tích cực vào chất lượng nước, đất, và chu kì dinh dưỡng trong nước, có vai trò phát tán các loại nấm. Mặt khác, vỏ ốc sên còn là nơi đẻ trứng của nhiều loài côn trùng, đồng thời là nơi kí sinh của nhiều loài động vật khác sống phụ thuộc ốc sên.

Với vai trò đặc biệt quan trọng với môi trường như vậy, các loài động vật thân mềm được ví như một yếu tố sức khoẻ của toàn bộ môi sinh. Cho nên, việc bảo vệ chúng là thực sự cần thiết.