Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu: Cơ khí hóa – “chìa khóa” của nông nghiệp

Để thích ứng với biến đổi khí hậu, việc ứng dụng cơ khí hóa cùng công nghệ hiện đại vào sản xuất là yêu cầu tất yếu của nông nghiệp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện nay. Tuy nhiên, Việt Nam cần có những chính sách đủ mạnh và toàn diện.

Dung lượng thị trường lớn

Theo các chuyên gia, dung lượng thị trường máy và thiết bị nông nghiệp của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng rất lớn. Hàng năm, Việt Nam phải chi khoảng 800 triệu USD cho máy nông nghiệp. Con số này có thể đạt 1 tỷ USD vào năm 2020.

Theo TS. Nguyễn Chỉ Sáng – Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI)- đối với máy động lực, điều kiện canh tác của nông thôn Việt Nam thường dùng máy có công suất từ 10 – 70, 80CV. “Hiện, máy động lực sản xuất trong nước có chất lượng tương đương với các loại máy nhập khẩu và đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới” – ông Sáng cho biết.

Cơ giới hóa sản xuất là bước đi tất yếu của nông nghiệp

Đối với máy canh tác, phần thiết bị này rất quan trọng, doanh nghiệp (DN) có thể tham khảo mẫu máy của các nước có điều kiện canh tác giống Việt Nam, sau đó cải tiến cho phù hợp. “Chỉ có làm như vậy, máy nông nghiệp mới đáp ứng tốt nhất yêu cầu của bà con nông dân về chất lượng lẫn giá thành. Về cơ bản, DN cơ khí hoàn toàn có khả năng thiết kế, chế tạo trong nước các thiết bị này với tỷ lệ nội địa hóa đạt trên 50% và có thể đạt tới 90%” – đại diện VAMI nhận định.

Cần chính sách hỗ trợ đưa 4.0 vào đồng ruộng

Hiện nay, năng lực chế tạo máy và thiết bị nông nghiệp không phải là vấn đề quá sức với các DN cơ khí trong nước. Tuy nhiên, để sản phẩm cạnh tranh được về giá, đưa đến tay người nông dân, vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn.

“Để đầu tư sản xuất máy nông nghiệp, DN phải nghiên cứu hoặc mua thiết kế, công nghệ, vay ngân hàng với lãi suất đến 9% cùng với các điều kiện thế chấp nhất định. Trong khi đó, DN sản xuất nước ngoài thường được hưởng lãi suất rất thấp, thậm chí chỉ 1%. Nếu nhà nước không có cơ chế, chính sách thích hợp, DN nội rất khó cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập” – ông Sáng nhấn mạnh.

Theo ông Đoàn Đạt Ninh – đại diện Công ty CP Ôtô Trường Hải, các DN cơ khí rất cần đến sự hỗ trợ của chính phủ về chính sách ưu đãi cho ngành công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp và ngànhnông nghiệp. DN đề nghị được hỗ trợ hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các nguyên vật liệu, vật tư, linh kiện đầu vào để sản xuất máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Hoặc, áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp với thuế suất từ 3 – 5%.

Dưới góc nhìn vĩ mô, ông Vũ Anh Tuấn – Trưởng phòng Cơ điện, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – cho rằng, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm, đủ mạnh để tạo nên thay đổi mang tính đột phá đối với những khâu sản xuất cần tập trung đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa. Đồng thời, khuyến khích phát triển các hình thức liên kết, tổ chức sản xuất của nông dân và DN, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực của nhà nước và xã hội cho phát triển cơ giới hóa nông nghiệp, bảo quản, chế biến nông sản hàng hóa.

Ông Vũ Anh Tuấn – Trưởng phòng Cơ điện, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn: Cần rà soát, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách về cơ điện nông nghiệp, công tác nghiên cứu khoa học – công nghệ; khuyến khích các tổ chức, cá nhân có sáng chế máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước.