Gỡ khó cho điện mặt trời

Là xu hướng phát triển của nhiều nước trên thế giới, các dự án nhà máy điện mặt trời đang được đầu tư phát triển mạnh ở nước ta khoảng hai năm trở lại đây. Với lợi thế là ít gây ô nhiễm môi trường, không phát sinh các hệ lụy như thủy điện, nhiệt điện…, các dự án điện mặt trời được coi là hướng đi bền vững.

Nhiều dự án được triển khai

Được Chính phủ khuyến khích, đến nay đã có hàng trăm dự án nhà máy điện mặt trời được triển khai. Tuy nhiên, do đặc thù, các dự án này vẫn cần nhiều ưu đãi hơn nữa từ các cấp chính quyền cũng như sự ủng hộ của người dân. Đặc biệt, các chủ đầu tư dự án điện mặt trời cho biết, vừa qua có hàng loạt dự án điện mặt trời được khởi công, gấp rút triển khai vì muốn được hưởng giá mua ưu đãi của Chính phủ. Thế nhưng, nếu hết thời gian mua ưu đãi (từ tháng 7/2019), các nhà máy điện mặt trời phải bán với giá cạnh tranh (giá thị trường) thì sẽ rất khó khăn khi mà chi phí sản xuất điện mặt trời vẫn lớn hơn rất nhiều so với thủy điện, nhiệt điện.

Tính tới thời điểm hiện tại, dù xuất hiện khá muộn nhưng hiện nay ở nước ta đã có khá nhiều dự án điện mặt trời được quy hoạch và triển khai. Những địa phương có nhiều dự án điện mặt trời là Tây Ninh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bạc Liêu… với các dự án khá đình đám…

Đại diện một chủ đầu tư dự án điện mặt trời cho biết, đơn vị này đã đầu tư nhiều dự án điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, nhất là việc hưởng các giá bán ưu đãi và hướng phát triển các dự án điện mặt trời tiếp theo. “Về bản chất, những địa điểm được chọn lựa để đặt dự án điện mặt trời hầu hết là các khu vực nắng nóng, khô hạn và không có cây trồng. Đó là khu vực có trữ lượng năng lượng mặt trời lớn nhất có thể. Vì vậy, dù các dự án điện mặt trời tốn diện tích đất nhưng cũng ít ảnh hưởng đến sinh kế của người dân địa phương. Ngoài ra, khi xây dựng và vận hành, các dự án điện mặt trời cũng mang đến nhiều việc làm cho người dân địa phương”- chủ đầu tư cho biết.

Xu hướng tích hợp

Trong khi đó, theo một chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, điện mặt trời mặc dù có nhiều ưu điểm về môi trường nhưng bản thân nó cũng có nhiều nhược điểm, nhất là thời gian cung cấp điện. Theo đó, sản lượng của một nhà máy điện mặt trời thường không đồng đều, không chủ động. Mỗi ngày, thời gian phát điện của nhà máy gần như chỉ kéo dài khoảng 6-8 giờ đồng hồ. Thậm chí ngay cả khi đang phát điện, hệ thống điện cũng có thể giảm đột ngột khi mà khu vực nhà máy bị một đám mây che phủ, hay trời bất ngờ đổ mưa.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tâm Tiến- Chủ tịch Tập đoàn Trung Nam, đơn vị đang thực hiện dự án điện mặt trời trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng ở tỉnh Ninh Thuận cho biết, với những tiến bộ khoa học kỹ thuật gần đây, các nhà máy điện mặt trời đang dần dần loại bỏ được những nhược điểm, nhất là về thời gian phát điện. Như tại dự án điện mặt trời của Tập đoàn, chủ đầu tư đã kết hợp xây dựng nhà máy điện gió ngay trên cùng một diện tích. Nếu như điện mặt trời không thể cung cấp vào ban đêm thì điện gió ở khu vực tỉnh Ninh Thuận có thể cung cấp suốt ngày đêm. Sự kết hợp giữa điện mặt trời và điện gió là lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam.

Ngoài ra, trao đổi với chúng tôi, ông Tiến còn cho biết, Tập đoàn đang có những dự án năng lượng tái tạo đi xa hơn nữa, tích hợp nhiều loại năng lượng để tạo ra sự ổn định.

Cụ thể, đó là dự án điện tích hợp ở huyện Bắc Ái (tỉnh Ninh Thuận) khi kết hợp thủy điện với điện mặt trời. “Ở những thời điểm năng lượng mặt trời cực đại nhưng chưa tích hợp được với hệ thống điện lưới quốc gia thì nhà máy điện mặt trời này sẽ sử dụng năng lượng để bơm nước lên một hồ dự trữ. Khi hệ thống điện quốc gia cần thì hồ dự trữ sẽ phát điện theo cơ chế thủy điện. Mặc dù lượng thủy điện phát ra sẽ hao hụt so với điện mặt trời tạo được nhưng bù lại, công ty sẽ bán điện ở những thời điểm chủ động, cao hơn so với thời điểm bị động”- ông Tiến chia sẻ. Được biết, mô hình hồ thủy điện kết hợp với những dự án điện mặt trời, điện gió sẽ là xu hướng bền vững cho các nhà máy điện tái tạo trong tương lai gần sắp tới.