Hơn 500 cá thể động vật hoang dã được giải cứu năm 2018

Trong năm 2018, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã ghi nhận 1,666 trường hợp vi phạm liên quan đến động vật hoang dã. Trong số đó, 521 cá thể động vật hoang dã đã được giải cứu …

Trong năm 2018, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã ghi nhận 1,666 trường hợp vi phạm liên quan đến động vật hoang dã. Trong số đó, 521 cá thể động vật hoang dã đã được giải cứu nhờ thông báo từ người dân, cũng như sự hành động nhanh chóng, quyết liệt của các cơ quan chức năng có liên quan trong việc bắt giữ các đối tượng và tịch thu các tang vật.

Theo ghi nhận của ENV, việc quảng cáo, buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã và các sản phẩm, bộ phận từ chúng là hành vi vi phạm phổ biến, chiếm 64% tổng số trường hợp vi phạm.

Không chỉ bày bán và quảng cáo ngay tại cửa hàng, quán ăn, nhiều đối tượng đã lợi dụng Internet để thực hiện hành vi buôn bán động vật hoang dã của mình nhằm thoát khỏi sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Chỉ tính riêng trong năm 2018, ENV đã ghi nhận gần 800 vụ vi phạm pháp luật về động vật hoang dã trên Internet với khoảng hơn 1,200 đường dẫn có dấu hiệu vi phạm.

Đầu tháng 9/2018, Công an huyện Bá Thước, Thanh Hóa đã tiến hành tịch thu một bình rượu 12 lít ngâm 2 chân gấu bị quảng cáo trên Facebook. Ngay sau đó một tuần, hai đối tượng ở Phú Thọ cũng đã bị bắt giữ vì hành vi quảng cáo, buôn bán một bình rượu ngâm 2 chân tay gấu.

Cũng theo ENV, việc nuôi nhốt, tàng trữ trái phép các loài động vật hoang dã và các sản phẩm, bộ phận của chúng hiện vẫn rất phổ biến, đặc biệt đối với các loài khỉ, rùa, tiêu bản các loài gấu, hổ, rùa biển hay rượu ngâm nhiều loài động vật hoang dã khác.

Tiêu bản hổ tại một ngôi chùa ở Hà Nội

Giải cứu động vật hoang dã chỉ bằng một cuộc gọi đến đường dây nóng miễn phí 1800-1522

Những năm gần đây, cộng đồng đang có sự thay đổi tích cực trong nhận thức về công tác bảo vệ động vật hoang dã ở Việt Nam. Không chỉ chủ động tìm hiểu thông tin về thực trạng các loài động vật hoang dã, cam kết không sử dụng động vật hoang dã và các sản phẩm từ chúng, người dân cũng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các nỗ lực đấu tranh với tội phạm về động vật hoang dã.

Trong năm 2018, đường dây nóng 1800-1522 của ENV đã ghi nhận 819 trường hợp vi phạm liên quan đến động vật hoang dã được người dân thông báo. 65.5% trong số này đã được xử lý thành công, cao hơn nhiều so với mức 48% trong năm 2017. Trung bình mỗi ngày, Phòng Bảo vệ Động vật hoang dã của ENV tiếp nhận 3,3 trường hợp vi phạm mới thông qua đường dây nóng 1800-1522.

Bên cạnh đó, trong năm 2018 vừa qua, nhiều người dân đã tự nguyện chuyển giao các cá thể động vật hoang dã đang bị nuôi nhốt của mình, góp phần đem đến cuộc sống tốt đẹp hơn tại các trung tâm cứu hộ cho 67 cá thể động vật hoang dã.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc ENV chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng trước sự tham gia tích cực của cộng đồng trong các nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã, góp phần không nhỏ trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam. Thông qua đường dây nóng 1800-1522, ENV hi vọng sẽ tiếp tục trở thành cầu nối giữa người dân và cơ quan chức năng để tiếp nhận thông tin về các vụ vi phạm cũng như các cá thể động vật hoang dã được tự nguyện chuyển giao.”

Liên quan đến vấn đề này, ngay đầu năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã có công văn giao các bộ: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công thương chỉ đạo các lực lượng trực thuộc tiếp tục tăng cường kiểm soát, điều tra, bắt giữ, xử lý triệt để đối với các hành vi buôn bán, vận chuyển trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 28/CT-TTg ngày 17/9/2016 về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật.

Một cá thể khỉ bị nuôi nhốt ở nhà dân

Theo đánh giá của một số chuyên gia quốc tế, Việt Nam đang trở thành điểm nóng về buôn bán và sử dụng sản phẩm từ động vật, thực vật hoang dã ở Đông – Nam Á và cũng được biết đến là địa bàn trung chuyển lớn trong khu vực về buôn bán các sản phẩm từ động vật hoang dã.

Trước đó, hôm 19/9/2018, Tòa án nhân dân huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đã đưa ra xét xử và tuyên phạt đối tượng Cao Xuân Nai 10 năm tù giam vì tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.

Theo đó, ngày 2/4, tại Quốc lộ 279, gần cửa khẩu Tây Trang, huyện Điện Biên, cơ quan chức năng huyện Điện Biên đã phát hiện và bắt giữ Cao Xuân Nai khi đối tượng này đang trên đường vận chuyển trái phép 27 cá thể rùa đầu to (tổng khối lượng 10,5kg) và 4 chân/tay gấu ngựa (tổng khối lượng 13kg).

Vụ bắt giữ diễn ra sau hơn ba tháng kể từ khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực (từ ngày 1/1/2018), nâng mức hình phạt cho các hành vi vi phạm về động vật hoang dã lên đến 15 năm hoặc 2 tỷ đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 15 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân.

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV chia sẻ: “Bộ luật hình sự 2015 đang bắt đầu cho thấy những ý nghĩa to lớn trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm về ĐVHD. ENV hi vọng hình phạt này sẽ là bài học đắt giá đối với Nai cũng như góp phần răn đe những đối tượng đã và đang có ý định thu lợi bất chính từ động vật hoang dã”.