Ngộ độc sừng tê giác

Chiều 18.7, bé N.K.A.D, 22 tháng tuổi, ở huyện Củ Chi, TPHCM, nhập BV Nhi đồng 2 trong tình trạng sốt, mệt mỏi li bì, xanh tím toàn thân. Sau khám xét, chụp X-quang và siêu âm tim, các BS khoa Hồi sức tích cực – chống độc loại trừ bệnh lý tim, phổi. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm máu cho thấy nồng độ MetHemoglobin (MetHb) rất cao, đến 30% (bình thường 0 – 3%). Gia đình khai, buổi sáng bé sốt cao nên đã mài sừng tê giác, cho uống để hạ sốt, phòng co giật.

Sừng tê bị bắt giữ ở cảng hàng không Tân Sơn Nhất.

Các BS chẩn đoán bé tăng MetHb máu do uống sừng tê giác nên chỉ định thở máy, truyền dịch, lọc máu bằng máy có quả lọc chứa than hoạt tính để hấp phụ độc chất… Sau 5 ngày, tình trạng ngộ độc thuyên giảm, ngừng thở máy, môi và các đầu chi hồng trở lại, hoạt động chức năng cơ quan hồi phục…

MetHemoglobin là gì?

Trong hồng cầu có Hemoglobin (Hb), gồm các nhân Hems màu đỏ, chứa phân tử sắt hóa trị 2 (Fe2+), có chức năng vận chuyển, trao đổi oxy và cacbonic với tế bào… MetHb là Hb mà Fe2+ bị oxy hóa thành Fe3+, làm nó mất khả năng vận chuyển oxy, gây thiếu oxy ở tế bào. Bình thường, rất nhiều chất khi vào cơ thể, có thể oxy hóa một lượng nhỏ Hb thành MetHb, nhưng các men (enzym) của cơ thể sẽ khử những MetHb này trở lại thành Hb. Nồng độ MetHb trong máu tăng cao thực chất là một dạng ngộ độc: MetHb 15 – 30% sẽ tím môi và đầu chi, ăn uống kém, lờ đờ, nhức đầu, chóng mặt; 30 – 50% sẽ lơ mơ, mất ý thức tạm thời, khó thở…; 50 – 70% sẽ hôn mê, co giật, tổn thương thận, trụy mạch (loạn nhịp tim); trên 70% sẽ tử vong. Đã biết các tác nhân gây MetHb bệnh lý như thuốc gây tê (benzocain, lignocain…), chống sốt rét (cloroquin, primaquin…) và ferixyanua kali, hydrazin, nitrat resorciniol, sulfamid, vitamin K tổng hợp; các chất dùng trong công và nông nghiệp: Anilin, axetanilit, toluidin, thuốc nhuộm, mực in quần áo; nitrat trong phân hóa học, clorat trong thuốc diệt cỏ. Trẻ nhỏ dễ bị tăng cao MetHb vì hàm lượng men khử MetHb thấp hơn người lớn nên mức độ khử yếu. Lương y Bùi Hồng Minh, Hội Đông y Hà Nội nói rằng, ngộ độc sừng tê giác có thể xảy ra khi dùng quá liều lượng. Sừng tê giác tính hàn, trẻ nhỏ uống quá nhiều sẽ rất nguy hiểm.

Sự thật về “thần dược” sừng tê!

Nhiều y thư cổ Trung Hoa như Dưỡng sinh diên thọ lục và Danh y biệt lục (được cho là của Đào Hoằng Cảnh (456 – 536), người đầu tiên chỉnh lý sách “Thần Nông bản thảo kinh” (do sao chép sai lạc qua nhiều đời) có vào khoảng đời Tần – Hán, thành một sách chuyên về dược vật xưa nhất hiện còn lưu truyền); Khai nguyên di sự; Bạch khổng lục thiếp; Lĩnh biểu lục dị; Đỗ Dương biên; Hoài Nam Tử; Bão Phác Tử… ghi chép những công dụng của sừng tê giác đậm màu huyền bí, linh thiêng như: Đựng gạo trong chén làm bằng sừng tê giác gà không dám ăn, chim không dám mổ; đặt sừng tê giác trong hang, cáo không dám vào; có loại “tịch hàn tê” tỏa ra hơi ấm, khí lạnh không nhiễm vào người được; có loại “tịch thử tê”, đeo vào, mùa hè nóng bức vẫn mát mẻ; có loại “tịch trân tê”, chế ra lược hay trâm cài đầu… thì người luôn sạch sẽ, bụi bẩn không bám vào được; có loại “quyên phẫn tê” làm thành ngọc bội đeo, kiềm chế được những cơn tức giận. “Thần Nông bản thảo kinh” viết: “Tê giác có thể giải tất cả độc của sâu bọ, nọc rắn, lông chim độc, cả độc lá ngón”. Trong sách “Bão Phác Tử” (danh y Cát Hồng (283 – 343, hiệu Bão Phác Tử, sinh ở Giang Nam, nay là Giang Tô) viết: “Tê giác ăn tất cả các loại cỏ độc và các loại cây bụi có gai, nên sừng tê giác giải được các chất độc”. Trong “Bản thảo cương mục” của Lý Thời Trân (1518 – 1593) cũng nói tới loại sừng tê giác thượng phẩm “dạ minh tê”, ngày và đêm đều phát sáng, năng thông với thần linh, có thể xẻ nước, chim, thú nhìn thấy đều kinh sợ. Người xưa tin rằng, chén làm bằng sừng tê giác phát hiện được chất độc: Rót rượu độc vào chén, thấy sủi bọt trắng; hoặc truyền rằng bị tên độc bắn trúng, lấy sừng tê giác đâm vào vết thương, lập tức khỏi. Cho đến cuối TK XIX, những người hành nghề Đông dược còn lưu truyền rằng, mùa hè dùng bát sừng tê giác đựng thức ăn, 3 – 4 ngày vẫn không bị hỏng vì sừng tê giác có tính cực hàn, bảo vệ thức ăn như tủ lạnh?

Sừng các loại động vật bộ guốc móng khác phát triển từ xương sọ, nhưng sừng tê giác lại hình thành từ các tế bào da sừng hóa (keratin – thuộc họ protein cấu trúc dạng sợi, là thành phần chính lớp ngoài cùng của da; tóc, móng tay), không có xương, gồm nhiều bó, lớp tế bào keratin. Ngoài chất sừng, sừng tê giác còn có canxi cacbonat, canxi photphat và các axit amin thông thường (thu được khi thủy phân). Các men phân giải protein của dạ dày (pepsin) và tuyến tụy (trypsin ở ruột non) ở người không thể phân hủy (như cơm, cá, thịt…) keratin cứng, cho dù uống bột mịn sừng tê giác (mài ra). Căn cứ các tài liệu Đông dược thì sừng tê giác tính hàn, vị đắng, xếp vào nhóm công dụng thanh nhiệt lương huyết, đi vào kinh tâm, can, vị (tim, gan, dạ dày), có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, trấn kinh, an thần, dùng để điều trị các chứng ôn bệnh: Sốt cao, mê man, nói nhảm, co giật… Theo Lương y nổi tiếng Vũ Quốc Trung thì tác dụng duy nhất của sừng tê giác là hạ sốt. Tuy nhiên, sừng tê giác có phải là thần dược không? Xin trả lời ngay là không, vì có đến 17 vị thuốc thanh nhiệt lương huyết như ngưu hoàng, sinh địa, huyền sâm, đan bì, xích thược… vừa rẻ lại dễ tìm. Đông y hiện nay không dùng sừng tê giác để chữa bệnh, vì quá đắt lại khó kiếm và xin nhấn mạnh rằng: Người xưa dùng sừng tê giác là một vị chứ không phải một bài thuốc, Đông y có khoảng 17.000 bài thuốc chỉ khoảng 20 bài có vị sừng tê giác (ví dụ bài An cung ngưu hoàng hoàn cổ dùng sừng tê giác – nay thay bằng sừng trâu nước); không có bài thuốc nào độc vị sừng tê giác, nên uống sừng tê giác độc vị không có ý nghĩa chữa bệnh!

Không có nghiên cứu, kiểm chứng, rặt đồn thổi!?

Nhiều người rỉ tai rằng sừng tê giác giải rượu, làm khỏe mạnh và tăng tuổi thọ, tăng “bản lĩnh” đàn ông, chữa thấp khớp, đột quỵ, là thần dược chữa ung thư. Một lần rượu ngon uống với bạn hiền đến mức chếnh choáng, loạng choạng, một anh bạn thuộc hàng “có máu mặt” tiền của liền khoe sừng tê giác và đưa ra cho các bạn giã rượu. Ai nấy đều hào hứng nhưng uống rồi chẳng thấy “chuyển”? Lại có đồn thổi, trước khi uống rượu nếu “lót” sừng tê giác không bao giờ say dù uống bao nhiêu? Đông dược khẳng định sừng tê giác không bổ huyết, khí, âm, dương nên không làm khỏe ra, vì thế càng không có chuyện làm tăng tuổi thọ. Sừng tê giác tính hàn, với Đông y thì thận chủ thủy thuộc hàn, uống sừng tê làm tổn thương mệnh môn hỏa của thận, sẽ giảm tinh khí dẫn đến liệt dương hoặc làm cho âm khí quá mạnh, dương khí không khống chế được, sinh ra chứng tiểu nhiều ban đêm, nhất là với người cao tuổi. Cũng theo luận cứ Đông y, thì ung thư (bệnh nham) do hàn tích lâu ngày mà sinh ra, sừng tê tính hàn, dùng trị bệnh nham thì hàn gặp hàn giống như “phúc thống phục nhân sâm tắc tử”. Vì thế, dùng sừng tê giác để chữa chứng nham là “vô sư vô sách”. GS-TS Nguyễn Bá Đức – Phó Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam – cho biết, năm 2012, nữ phóng viên hãng UPI đến BV K để hỏi ông, có phải Việt Nam đang chủ trương dùng sừng tê giác chữa ung thư? Nghĩa là chuyện này đã nổi tiếng thế giới!

Cho đến nay vẫn chưa ai, cơ quan khoa học nào phát hiện được các hoạt chất làm sừng tê giác “thần kỳ” mà giới săn lùng Việt Nam vẫn đồn thổi. “Thần dược” chỉ là chuyện hoang đường, là sản phẩm hư cấu của dối trá mà những kẻ buôn lậu sừng tê giác đánh vào tâm lý mê tín “thần dược” để nâng lên giá “trên trời”. Năm 2009, một người mang mấy đoạn sừng tê giác đến Viện Khoa học hình sự đề nghị giám định dịch vụ (luật cho phép), kết quả giám định làm anh này rũ như tàu lá héo vì là đồ dởm, nhưng giá mua 36.000USD. Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện KHCN Việt Nam qua giám định thấy, 70% sừng tê giác tiêu thụ ở Việt Nam là giả; thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hưởng – nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam – cho rằng 80% là giả. Cũng dễ hiểu, vì từ khoảng 2010 đến nay đã bắt giữ nhiều chục vụ “nhập cảnh” sừng tê giác ở các cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, Nội Bài, TPHCM; hoặc buôn bán nội địa; chưa kể các nước và vùng lãnh thổ như Singapore, Hồng Kông, Thái Lan bắt giữ trên đường về Việt Nam; từ cuối năm 2016, Việt Nam bắt đầu thiêu hủy sừng tê giác bất hợp pháp. Từ đầu những năm 2000, ước tính trên bán đảo Đông Dương chỉ còn khoảng 13 cá thể tê giác một sừng và nay đã hoàn toàn tuyệt chủng. Sừng tê giác giả là sừng trâu, bò, dê, linh dương được mài giũa công phu, rất giống sừng tê giác. Để bảo vệ tê giác, Nam Phi khoan sừng các con tê, bơm vào chất Ectoparasiticides, an toàn cho tê nhưng gây nôn mửa, co giật, tê liệt, tử vong ở người; và thuốc nhuộm không phai màu, ngoài làm mất màu sừng tê giác còn giúp phát hiện bằng X-quang.

Giá sừng tê giác lên đến 200 triệu đồng/100gr, cao hơn giá vàng nhiều lần. Tuy nhiên, sừng tê chỉ hiếm vì loài tê giác đang trên đà tuyệt chủng, chứ không hề quý!

BS Bình Nguyên

Nguồn: