Nhu cầu năng lượng của Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng 2/3 vào năm 2040, đòi hỏi nguồn lực lớn đầu tư vào sản xuất và truyền tải năng lượng mới. Công suất lắp đặt sẽ tăng gấp đôi từ 240 GW lên tới 565 GW, tương đương với việc tăng thêm một chút so với tổng công suất điện của Nhật Bản.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đó, các quốc gia phải đưa ra lựa chọn mang tính bước ngoặt, hoặc gắn chặt tương lai năng lượng của khu vực vào sử dụng nhiều carbon hoặc mở ra một con đường linh hoạt, bền vững hơn dựa trên năng lượng tái tạo và kinh doanh năng lượng. Các nhà đầu tư bên ngoài – đặc biệt là Trung Quốc – sẽ đóng một vai trò quan trọng trong kết quả.
Vài quốc gia nghèo nhất khu vực phải đối mặt với áp lực lớn nhất. Myanmar, Campuchia và Lào có thể hy vọng nhu cầu năng lượng sẽ tăng hàng năm ở mức hai con số. Indonesia, Philippines và Việt Nam dự tính tốc độ tăng trưởng 6-10% mỗi năm.
Tổng hòa năng lượng thay đổi
Than thống trị sản xuất điện trong khu vực. Theo kịch bản thường thấy, tổng hòa năng lượng trong tương lai sẽ chứng kiến việc mở rộng sử dụng than. Một báo cáo năm 2018 của CoalSwarm cho thấy 5/10 quốc gia thành viên ASEAN – Việt Nam, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Campuchia – nằm trong số 20 nhà đầu tư hàng đầu thế giới về công suất điện than mới.
Việt Nam có kế hoạch tăng gấp 5 lần công suất phát điện từ than, từ chỉ hơn 10 GW năm 2014 lên hơn 55 GW vào năm 2030, tăng tương đương với toàn bộ nguồn cung điện năm 2017 của Thái Lan.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng sẽ cần 2,7 nghìn tỷ USD cho các biện pháp cung cấp, truyền tải và hiệu quả năng lượng để đáp ứng các dự báo trong khu vực. Tổng đầu tư vào sản xuất sẽ phụ thuộc vào tổng hòa năng lượng vì chi phí cho các phương pháp sản xuất khác nhau cũng sẽ khác nhau.
Than đắt đỏ
Ưu tiên của khu vực dành cho than vì chạy theo xu hướng toàn cầu nhưng điều này có nguy cơ làm trật đường ray các cam kết quốc tế nhằm cắt giảm lượng phát thải carbon. Trên toàn cầu, nhu cầu than đang giảm vì những lo ngại về môi trường và rủi ro liên quan đến các nhà máy điện than biến thành các “hố đen” kinh tế khi giá cả thay đổi.
Tuy nhiên, Đông Nam Á sẵn có nguồn cung than tại địa phương và các nhà đầu tư bên ngoài đang vận động cho việc sử dụng cái gọi là công nghệ than “sạch” siêu hạn và siêu cực hạn. Trong đó, cần chú ý vai trò thúc đẩy đầu tư than của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc – mặc dù chính phủ nước này luôn rêu rao về việc đi đầu trong phát triển bền vững.
Vai trò của Trung Quốc không hề bị nói quá bởi họ tham gia tài trợ hoặc xây dựng gần một phần tư tất cả các dự án năng lượng ở Đông Nam Á và đầu tư vào hoặc xây dựng hơn 43% tất cả các dự án điện than.
Công nghệ than “sạch” sau rốt sẽ đắt hơn các nhà máy điện than cũ vì các cơ chế lọc carbon phức tạp hơn về mặt kỹ thuật khiến than trở thành một khoản đầu tư đáng ngờ khi các giải pháp thay thế bền vững hơn đã trở nên cạnh tranh về tính kinh tế.
Khí đốt và năng lượng tái tạo
Hai lựa chọn nổi bật thay thế cho than là khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và năng lượng tái tạo. Đầu tư toàn cầu vào năng lượng mới đã chuyển từ dầu và than sang năng lượng tái tạo và khí đốt tự nhiên.
Myanmar, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam đều khai thác nguồn tài nguyên khí đốt tự nhiên nội địa trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, trữ lượng khí đốt tự nhiên của khu vực không thể đáp ứng tăng trưởng nhu cầu điện dự kiến. Châu Á đã tiêu thụ một nửa nguồn cung khí đốt toàn cầu và sẽ tăng lên 2/3 vào năm 2040 theo dự báo của IEA.
May thay, toàn cầu hóa thị trường khí đốt tự nhiên và sự bùng nổ khí đá phiến của Mỹ đưa lại các lựa chọn thay thế hấp dẫn về mặt kinh tế. Các nhà đầu tư ở Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Myanmar và Philippines đều đang nhập khẩu các thiết bị đầu cuối để thăm dò LNG.
ASEAN đã đặt mục tiêu chung đầy tham vọng cho năng lượng tái tạo để đạt mức 23% tổng hòa năng lượng vào năm 2025, mặc dù để đạt được điều đó là đáng nghi ngờ khi mà khối các nước đang phát triển tụt hậu so với các nước khác trong việc triển khai các dự án năng lượng thay thế quy mô lớn.
Ngoại trừ Thái Lan – quốc gia đã hoàn thành hơn một nửa mục tiêu lắp đặt công suất năng lượng mặt trời cho năm 2030, hầu hết các nước ASEAN vẫn đang phát triển các mục tiêu và chính sách quốc gia cho năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Mặc dù Indonesia và Philippines có công suất địa nhiệt lắp đặt lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới, chưa kể nguồn dự trữ bổ sung chưa khai thác, song đầu tư mới vẫn chậm.
Giá giảm mạnh
Các cuộc phỏng vấn với những nhà hoạch định năng lượng trên khắp ASEAN cho thấy niềm tin phổ biến rằng than là phụ tải nền đáng tin cậy có giá cả phải chăng hơn so với các giải pháp thay thế. Nhận thức đó đã tạo ra lỗ hổng chính sách.
Môi trường đầu tư cho năng lượng tái tạo mang tính rủi ro cao một cách không cần thiết vì cách các chính phủ ASEAN hỗ trợ năng lượng tái tạo và tích hợp vào lưới điện hiện không hiệu quả. Do đó, mức giá thấp kỷ lục được thấy ở những nơi khác trên thế giới vẫn chưa đến được thị trường Đông Nam Á.
Kể từ năm 2009, năng lượng mặt trời quy mô thương mại đã giảm khoảng 86% về giá, còn năng lượng gió giảm 65% khiến cả hai cạnh tranh được với các nguồn phát điện truyền thống ở nhiều nơi.
Sự sụt giảm giá lớn nhất kể từ năm 2016 đã xảy ra do Trung Quốc sản xuất năng lượng mặt trời quá đà, đấu giá cạnh tranh cho các dự án mới cũng như thay đổi mô hình tài chính và điều tiết. Bloomberg New Energy Finance dự báo giá giảm thêm 34% trong năm 2018 và nhiều hơn nữa vào năm 2019 khi nhu cầu nội địa của Trung Quốc chậm lại và tình trạng cung vượt cầu tràn ngập thị trường toàn cầu.
Thời điểm để bắt kịp
Hầu hết các quy hoạch năng lượng quốc gia đã được phát triển trước khi mức độ giảm giá phổ biến như bây giờ và vẫn còn ý thức mạnh mẽ rằng giá thấp chỉ có thể đạt được với các khoản trợ cấp.
Chẳng hạn: Quy hoạch Năng lượng Tổng thể của Campuchia đã được hoàn thành vào đầu năm 2017 và không tính đến năng lượng mặt trời. Vào giữa năm 2017, sự quan tâm của các nhà đầu tư bùng nổ, buộc các nhà hoạch định năng lượng phải chỉ ra rằng quy hoạch tiếp theo sẽ kết hợp chặt chẽ với năng lượng mặt trời.
Nhiều nước ASEAN chưa có chính sách rõ ràng. Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Indonesia đã áp dụng giá FiT cho các dự án năng lượng mặt trời hoặc điện gió nhưng kết quả bị xáo trộn vì không rõ ràng về các vấn đề pháp lý khác, từ giấy phép cho đến các điều khoản của thỏa thuận mua điện từ công nghệ năng lượng mặt trời, năng lượng gió và sinh khối.
Nhu cầu truyền tải
IEA tin rằng hầu hết khoản đầu tư ước tính 2,7 nghìn tỷ USD là cần thiết cho cơ sở hạ tầng truyền dẫn, một chủ đề dễ bị bỏ qua trong các cuộc tranh luận về việc lựa chọn các nguồn năng lượng.
Khoảng 10% dân số ASEAN vẫn chưa được tiếp cận ổn định với điện. Đầu tư vào lưới điện truyền thống để hỗ trợ thương mại năng lượng và lưới điện phân tán nằm trong các cộng đồng xa xôi hẻo lánh sẽ là chìa khóa để đáp ứng nhu cầu của họ.
Năm 1997, các nhà lãnh đạo lần đầu tiên thảo luận về việc xây dựng một mạng lưới điện khu vực ASEAN cho an ninh năng lượng. Lưới điện này vẫn chưa được phát triển. Không có đường truyền tải cho thương mại năng lượng đa quốc gia quy mô lớn. Thương mại năng lượng song phương là phổ biến nhưng thương mại đa phương phần lớn bị cản trở bởi những mối lo về bảo vệ ngành năng lượng trong nước, sự khác biệt về giá điện và các vấn đề hợp đồng.
Kế hoạch hành động hợp tác năng lượng ASEAN đã đặt mục tiêu đạt được ba chương trình thương mại năng lượng đa phương vào năm 2020. Trung Quốc cũng hỗ trợ thương mại năng lượng trong khu vực vì lưới điện khu vực có thể cho phép thủy điện dư thừa từ tỉnh Vân Nam vươn đến thị trường nước ngoài.
Mặc dù nhà đầu tư quan tâm, tiến độ đã chậm lại. Vào năm 2018, chỉ có một ví dụ về thương mại đa phương giữa Lào, Thái Lan và Malaysia được xúc tiến. Những khó khăn chính trị khó có thể được giải quyết cho đến khi kinh tế thương mại hấp dẫn đến mức không thể bị bỏ qua.
Cơ hội
Sửa đổi chính sách sắp tới mang lại cơ hội cho các quốc gia trong khu vực được hưởng lợi từ việc năng lượng tái tạo giảm giá, mặc dù không chắc chắn họ sẽ làm như vậy. Các quy hoạch năng lượng quốc gia hiện đang được cập nhật tại Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Myanmar và Lào. Hầu hết các thành viên ASEAN khác sẽ xem xét kế hoạch sau năm 2020.
Có một số dấu hiệu cho thấy các nước ASEAN đang phản ứng với sự thay đổi của thị trường năng lượng toàn cầu. Thái Lan gần đây đã tăng mục tiêu năng lượng tái tạo từ 20% lên 30% sau một số thành công của chính phủ trong việc khuyến khích đầu tư năng lượng mặt trời. Campuchia, Indonesia, Malaysia và Philippines đang chuyển từ giá FiT sang đấu giá cạnh tranh cho các dự án năng lượng tái tạo.
Việc chuyển đổi có thể tăng tốc khi các nhà hoạch định chính sách tỉnh giấc với nền kinh tế đang phát triển và rủi ro thay đổi. Bất kỳ cân nhắc mới nào về năng lượng tái tạo quy mô thương mại, lưới điện thông minh và công nghệ thế hệ phân tán, và thương mại năng lượng đều mang đến cơ hội cho các nhà đầu tư bên ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Nếu các nhà ra quyết định tại các ngân hàng chính sách và các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc thay đổi nhanh chóng để tận dụng lợi thế của ngành năng lượng mặt trời cạnh tranh tại nước họ và ưu tiên đầu tư năng lượng tái tạo ra nước ngoài thay vì các công nghệ điện than lỗi thời, tương lai năng lượng của Đông Nam Á có thể nhanh chóng trở nên đa dạng và bền vững hơn.
Nếu họ tiếp tục ưu tiên hiện tại cho các nhà máy điện than, triển vọng cho khí hậu sẽ ảm đạm hơn.
Nhật Anh (Theo Chinadialogue.net)