Brazil huy động 1.000 binh sĩ cứu hộ vụ vỡ đập hồ chứa chất thải

Cho đến nay, 192 người đã được cứu sống, trong đó 23 người bị thương đã được đưa tới bệnh viện. Tuy nhiên, còn khoảng 305 người vẫn mất tích trong vụ vỡ đập hồ chứa chất thải tại mỏ quặng sắt, Đông Nam Brazil

Đến sáng 28/1 (giờ Việt Nam), số nạn nhân thiệt mạng được xác nhận là ít nhất 58 người.

Hiện các nhân viên cứu hộ vẫn đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm người mất tích. Mọi phương tiện đã được huy động tối đa cả bằng đường bộ, đường không và chó nghiệp vụ để có thể cứu những người sống sót.

Thông tin mới nhất cho biết lực lượng cứu hộ vừa tìm thấy một chiếc xe buýt bị vùi lấp trong bùn và nhiều người đã chết trong xe. Hàng chục máy bay trực thăng cùng khoảng hơn 1.000 binh lính đã được huy động tới hiện trường, song lượng bùn quá dày và nguy hiểm đang cản trở việc tiếp cận trên mặt đất.

Ngày 25/1, đập hồ chứa chất thải tại mỏ quặng sắt Corrego do Feijao bị vỡ đã làm tràn hàng nghìn mét khối bùn và nước xuống khu vực dân cư xung quanh. Tại thời điểm xảy ra vụ việc, hồ chứa có khoảng 1 triệu mét khối chất thải khoáng sản. Bùn và nước từ hồ chứa đã tràn qua khu vực nhà làm việc của công ty quản lý mỏ, nơi các nhân viên và công nhân đang nghỉ trưa, sau đó tiếp tục đổ xuống khu vực dân cư ở thị trấn Vila Ferteco.

Lượng bùn thải đến nay đã tràn đến một cộng đồng dân cư bản địa trong vùng, gây ô nhiễm nguồn nước sạch tại đây.

Người đứng đầu cộng đồng bản địa Nao Xoha, ông Hayo Pataxo Ha-ha-hae ngày 28/1 thông báo: “Sông Paraopeba đã bị nhiễm bẩn và đã xuất hiện cá chết”. Cộng đồng Nao Xoha gồm hàng chục hộ gia đình sống trong một làng chài bên bờ sông Paraopeba. Cơ quan Funai ngày 28/1 đã cung cấp viện trợ cho người dân bản địa. Ông Hayo cho biết tình hình hiện “rất nghiêm trọng” vì người dân nơi đây sống phụ thuộc vào dòng sông mà sông thì “đang chết dần”.

Cùng ngày, người phát ngôn của tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace), nhà địa chất học Marcelo Laterman cho biết tình trạng ô nhiễm hiện “đáng lo ngại”, cây cối gần sông “đã chết hoàn toàn”. Theo ông, Greenpeace đang theo dõi tốc độ lan của bùn độc hại, như thể lượng bùn có thể tràn dài 220 km để đến một con đập khác, nơi chất thải có thể bị chặn lại.

Chính quyền Brazil đã ra lệnh phong tỏa hơn 3 tỷ USD tài sản của Tập đoàn Vale để dùng vào việc đền bù cho những người bị ảnh hưởng và phạt tập đoàn này. Chính phủ Brazil cũng đang cân nhắc khả năng giành quyền quản lý toàn bộ Tập đoàn Vale. Phát biểu với báo giới ngày 28/1, Quyền Tổng thống Brazil Hamilton Mourao cho biết một lực lượng phản ứng nhanh của chính phủ sẽ xem xét liệu có thay đổi ban lãnh đạo cấp cao của Vale hay không. Hiện chính phủ đang nắm “cổ phần vàng” trong tập đoàn này.

Trong khi đó, Vale cũng phải đối mặt với các hành động pháp lý khi một công ty luật của Mỹ đại diện cho các cổ đông đứng ra khiếu kiện tập đoàn này ở New York nhằm đòi đền bù về các thiệt hại trong đầu tư.

Theo các cơ quan chức năng, thảm họa này có thể là một trong những sự cố gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử Brazil.

Cách đây 4 năm, cũng tại bang Minas Gerais đã xảy ra một vụ vỡ đập thuộc sở hữu của Vale và Tập đoàn khai thác khoáng sản BHP Billiton của Australia, khiến 19 người thiệt mạng và hàng trăm người phải đi sơ tán. Đây được coi là thảm họa môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử Brazil, gây ra một cuộc khủng hoảng nước sạch ảnh hưởng tới 250.000 người và môi trường sống của các loài thủy sinh. Ước tính, 60 triệu m3 chất thải đã đổ ra các con sông và cuối cùng là Đại Tây Dương.

Nguồn: