Nông nghiệp hữu cơ: Triển vọng, thách thức và giải pháp

Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) còn được gọi là NN tự nhiên, là hệ thống quản lý sản xuất đồng bộ nhằm bảo vệ và tăng cường sức khoẻ hệ sinh thái NN, bao gồm cả đa dạng sinh học, các chu trình sinh học và năng suất sinh học.

Tác giả (bên trái) thăm và chụp ảnh với chủ vườn rau hữu cơ  tại Indonesia (tháng 10 /2018).

NNHC là hệ thống sản xuất không sử dụng hoặc loại trừ các chất hoá học tổng hợp và vật liệu biến đổi gen trong các vật tư đầu vào, tạo điều kiện cho sự chuyển hoá khép kín vật chất trong hệ sinh thái NN, chỉ được sử dụng các vật tư được quy định của tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ.

NNHC là Sức khoẻ Sinh thái – Công bằng – Cẩn trọng

Theo Liên đoàn các phong trào NNHC quốc tế (IFOAM), vai trò của NNHC dù trong canh tác, chế biến, phân phối hay tiêu dùng, là nhằm mục đích duy trì sức khỏe của hệ sinh thái và các sinh vật, từ các sinh vật có kích thước nhỏ nhất sống trong đất đến con người. NNHC dựa vào quá trình sinh thái, đa dạng sinh học và quá trình phát triển tự nhiên phù hợp với từng điều kiện của địa phương, nhằm duy trì sức khỏe cho đất, hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Bốn nguyên tắc cơ bản của NNHC gồm: Sức khoẻ-Sinh thái-Công bằng-Cẩn trọng. Có thể nói, sản xuất NNHC chính là sản xuất NN kết hợp giữa kinh nghiệm truyền thống và tiến bộ kỹ thuật cùng phương pháp quản lý hiện đại để đảm bảo tiêu chuẩn của NNHC, đồng thời đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm, tính bền vững của môi trường và hệ sinh thái.

NNHC  và thực phẩm hữu cơ đã và đang thu hút sự chú ý ngày càng tăng ở nhiều quốc gia, kể cả nước phát triển và  nước đang phát triển trong hơn 2 thập kỷ qua.

Tại Việt Nam, xu hướng sản xuất NNHC đang được doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng quan tâm  trong bối cảnh yêu cầu về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường ngày càng tăng.

Đặc biệt, sản phẩm hữu cơ của nghề làm vườn (Organic horticulture) như rau, quả… có thị trường rộng lớn, giá trị cao, đang tạo động lực mạnh mẽ cho nhiều doanh nghiệp và người sản xuất.

Diện tích NNHC của thế giới có xu hướng tăng nhanh trong những năm qua: Năm 2016, đạt 57,8 triệu hecta, chiếm 1,2% tổng diện tích đất nông nghiệp với giá trị sản phẩm hữu cơ khoảng 89,7 tỷ USD. Trong vòng 10 năm (2006-2016), diện tích đất NNHC của thế giới tăng 150%.  Có 178 nước sản xuất NNHC với 2,7 triệu người thực hành sản xuất theo phương pháp hữu cơ, trong đó có 87 nước có quy định pháp luật quản lý sản phẩm hữu cơ.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ lớn nhất là Mỹ (trên 45% giá trị), tiếp đến là Đức và Pháp. Tuy nhiên, nếu tính theo đầu người thì Thuỵ sỹ tiêu thụ sản phẩm hữu cơ nhiều nhất (274 Euro/đầu người/năm).

Hiện nay, 73% diện tích sản xuất NNHC thế giới thuộc về 10 nước dẫn đầu. Úc có diện tích đất NNHC nhiều nhất với 27,1 triệu hecta, trong đó 97% là những đồng cỏ chăn nuôi rộng lớn; kế đến là Argentina (3,0 triệu hecta); Trung Quốc (2,3 triệu hecta); Mỹ (2 triệu hecta).

IFOAM cho rằng, phát triển NNHC là xu hướng tất yếu của NN thế giới và xác định tầm nhìn chiến lược của NNHC đến năm 2030 sẽ góp phần giải quyết các thách thức trong tương lai của NN; trở thành hệ thống sử dụng đất được ưa chuộng và được lựa chọn ở nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ an toàn hệ sinh thái nhờ việc tăng cường chức năng sinh thái;  sản xuất thực phẩm lành mạnh và đem lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Việt Nam có nhiều lợi thế

Việt Nam được IFOAM công nhận là nước có sản xuất NNHC.  Theo số liệu thống kê của IFOAM, năm 2015, Việt Nam là 76.666 ha NNHC, tương đương 0,7% diện tích đất NN, với 3.816 nông dân sản xuất hữu cơ. Các sản phẩm NNHC chủ yếu của Việt Nam là gạo, tôm, dừa, cà phê, cacao, sữa, chè, rau, quả, quế, hồi, tinh dầu….

Là nước nông nghiệp, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển  NNHC.

Nước ta nằm trong khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều nên việc sản xuất ra các loại sinh khối phục vụ cho sản xuất NNHC có thể được thực hiện khá nhanh, các chu trình chuyển hóa vật chất diễn ra với tốc độ cao, các chất hữu cơ cao phân tử sau một thời gian xử lý nhanh chóng trở thành các chất khoáng đơn giản cung cấp cho cây trồng.

Nguồn nguyên liệu chế biến phân bón như phân xanh, phân hữu cơ khá phong phú. Việt Nam còn nhiều nguồn tài nguyên nằm dưới lòng đất, chứa hàm lượng các chất khoáng tự nhiên cao, dồi dào. Nước ta có nhiều vùng rừng núi tự nhiên, chủ yếu canh tác quảng canh, chưa bị ảnh hưởng của ô nhiễm hoá chất rất phù hợp cho nuôi ong, chăn nuôi và trồng trọt theo phương pháp hữu cơ.

Hiện, công nghệ sinh học được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất NN như sản xuất phân bón hữu cơ sinh học, phân bón hữu cơ vi sinh chức năng, các chế phẩm xử lý môi trường đất, nước và nhiều chế chế phẩm vi sinh, thuốc thảo mộc có thể thay thế thuốc hoá học trong bảo vệ thực vật.

Nguồn lao động dồi dào và có nhiều kinh nghiệm, sáng tạo trong sản xuất NN cũng là lợi thế lớn trong sản xuất NNHC ở nước ta do sản xuất theo phương pháp hữu cơ đòi hỏi nhiều công lao động thủ công.

Nhận thức của người tiêu dùng trong nước về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ ngày càng cao. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm đến NNHC, đặc biệt Nghị định 109/2018/NĐ-CP về NNHC đã được Chính phủ ban hành, có hiệu lực thi hành từ 15/10/2018, trong đó có nhiều cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ.

Nhưng cũng không ít thách thức

Bên cạnh những thuận lợi thì cũng không ít khó khăn và thách thức được đặt ra đối với NNHC ở Việt Nam.

Trong quá trình canh tác hữu cơ, người sản xuất chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ, phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh bằng các biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học nên mất nhiều công lao động và khó thực hiện trên diện rộng, trong khi nước ta có khí hậu nóng ẩm rất thuận lợi cho nhiều loài sâu bệnh phát triển và gây hại. Kinh nghiệm của nhiều nước sản xuất NNHC cho thấy bảo vệ thực vật là thách thức lớn nhất trong thực hành sản xuất theo phương pháp hữu cơ.

Với vùng thâm canh cao, trước đây sử dụng nhiều phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật, khi chuyển sang sản xuất hữu cơ, những năm đầu, năng suất giảm rõ rệt và gặp khó khăn trong phòng chống sâu bệnh do áp lực sâu bệnh còn cao, cân bằng sinh thái bị phá vỡ, cần thời gian để thiết lập lại.

Phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học có tác dụng chậm hơn so với nhiều phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật nên nguồn dinh dưỡng khoáng cung cấp cho cây trồng ở giai đoạn đầu rất chậm và không đầy đủ, dễ dẫn đến rủi ro bùng phát dịch hại và năng suất giảm nhiều.

Do năng suất không cao, công lao động nhiều nên giá thành sản phẩm từ NNHC thường cao gấp 2-4 lần bình thường, ngoài ra, trong nhiều trường hợp, sản phẩm có hình thức không đẹp, không bắt mắt (ví dụ vẫn có một số đốm bệnh, vết sâu ăn trên sản phẩm…).

Phần lớn các hộ nông dân sản xuất với quy mô nhỏ, manh mún nên khó khăn trong việc tập trung diện tích để cùng sản xuất hữu cơ. Nhận thức của người sản xuất về NNHC còn hạn chế, vì vậy, việc tổ chức sản xuất để đáp ứng quy định nghiêm ngặt của tiêu chuẩn NNHC là một thách thức lớn.

Mức sống của người tiêu dùng Việt Nam còn thấp và nhận thức về NNHC chưa cao, nhiều trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm diễn ra nhiều năm qua đã làm mất lòng tin của người tiêu dùng, do vậy, việc sản xuất NNHC để cung cấp thực phẩm cho thị trường nội địa cũng sẽ gặp nhiều khó khăn không nhỏ về vấn đề tiêu thụ.

Chính sách thúc đẩy, hỗ trợ NNHC phát triển ở nước ta còn thiếu và chậm được triển khai. Một số chính sách được ban hành nhưng khi thực hiện gặp nhiều vướng mắc, không khả thi.

Thực hiện nhiều giải pháp

Để phát triển bền vững hướng sản xuất NNHC, công việc chính, trước mắt cần triển khai thúc đẩy là:

Điều tra cơ bản về thực trạng sản xuất NNHC, phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, có cơ sở khoa học, thực tiễn về tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức đối với phát triển NNHC ở nước ta.

Xây dựng chiến lược phát triển NNHC, trong đó xác định rõ quan điểm, phương hướng, mục tiêu, lộ trình và giải pháp phát triển NNHC.

Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và thực thi các chính sách, pháp luật đã được ban hành nhằm thúc đẩy phát triển NNHC.

Nghiên cứu khoa học, đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực và khuyến nông về sản xuất NNHC.

Truyền thông nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng về NNHC.

Xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường sản phẩm NNHC.

Đẩy mạnh và phát huy hiệu quả hợp tác quốc tế về phát triển NNHC.

Trước mắt, tập trung giải quyết một số nội dung cụ thể liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước, hướng dẫn và thực thi chính sách, pháp luật thúc đẩy phát triển NNHC, đặc biệt là  cần khẩn trương xây dựng và ban hành Chiến lược phát triển NNHC.

Cần xác định rõ tiềm năng và dự báo được xu thế phát triển NNHC trên thế giới và ở nước ta, xác định vùng sản xuất chính, có lợi thế, sản phẩm chủ lực và thị trường cho sản phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ, trên cơ sở đó các địa phương quy hoạch và bảo vệ đất đai, nguồn nước tại các vùng hiện chưa hoặc ít bị ô nhiễm để đáp ứng yêu cầu và phát huy thế mạnh sản xuất NNHC theo hướng hàng hóa.  Thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo động lực mạnh mẽ cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, kể cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng vật tư đầu vào cho NNHC.