Công cụ nào giúp giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư?

Đầu tư ra nước ngoài đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp chứa đựng và tiềm ẩn nhiều rủi ro đáng kể. Nhất là những rủi ro liên quan tới môi trường, xã hội do nhu cầu về quỹ đất và lực lượng lao động

Tọa đàm Đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài: Các rủi ro và thách thức tuân thủ pháp luật. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS-TTXVN

Sáng 10/1 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổ chức Oxfam tại Việt Nam và Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức hội thảo “Đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài: Các rủi ro và thách thức tuân thủ pháp luật”. Sự kiện thu hút đông đảo các đại diện bộ, ngành; các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu; hiệp hội ngành nghề và cộng đồng doanh nghiệp.

Khai mạc hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho biết, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng năm 2018, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam mới được cấp đã tăng thêm 357,5 triệu USD. Lào, Campuchia và Myanmar lần lượt xếp thức 1,2 và 8 trong các điểm đến đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Ngoài những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội cho Việt Nam và các quốc gia tiếp nhận đầu tư thì việc đầu tư ra nước ngoài đặc biết trong lĩnh vực nông nghiệp lại chứa đựng và tiềm ẩn nhiều rủi ro đáng kể. Nhất là những rủi ro liên quan tới môi trường, xã hội do nhu cầu về quỹ đất và lực lượng lao động.

Bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam thông tin thêm, số lượng dự án đầu tư vào nông nghiệp trong tiểu vùng sông Mekong ngày càng tăng lên đã và đang tác động to lớn tới đời sống của người dân địa phương, cả trên bình diện tích cực và tiêu cực. Các dự án đầu tư đang tạo ra thêm nhiều việc làm mới nhưng cũng khiến địa phương bị mất đi phương thức sinh kế truyền thống của họ.

Đồng thời, đặt ra những vấn đề về bồi thường và hỗ trợ người dân địa phương phát triển sinh kế mới. Những tác động về môi trường và xã hội chưa được giảm thiểu thích đáng gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của cả doanh nghiệp và người dân. Điều đó thôi thúc Oxfam, VCCI và PanNature cùng hợp tác để thúc đẩy những nguyên tắc và thực hành tốt trong đầu tư có trách nhiệm trong nông nghiệp ở tiểu vùng sông Mekong, nhằm bảo đảm cuộc sống và sinh kế bền vững cho người dân địa phương.

Cũng tại hội thảo, nhóm nghiên cứu gồm các thành viên của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), VCCI và Oxfam tại Việt Nam cùng các doanh nghiệp cũng giới thiệu tài liệu: “Hướng dẫn tự nguyện: Giảm thiểu rủi ro về môi trường – xã hội cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp tại tiểu vùng Mekong”.

Đây là tài liệu được xây dựng trên phương pháp tiếp cận từ dưới lên, thông qua kinh nghiệm thực tế của Nhóm doanh nghiệp tiên phong gồm 6 doanh nghiệp và 2 hiệp hội kể trên. Đồng thời, cũng tham khảo các nguyên tắc hướng dẫn của Liên Hiệp quốc về kinh doanh và nhân quyền.

Ông Đậu Anh Tuấn cho hay: “Chúng tôi xây dựng hướng dẫn tự nguyện này nhằm cung cấp thông tin về quy trình đầu tư ra nước ngoài với từng bước cụ thể kèm theo những rủi ro môi trường – xã hội tiềm ẩn qua những chính sách và pháp luật liên quan. Hướng dẫn này sẽ giúp các nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro trong hoạt động đầu tư; đồng thời, cung cấp các thông tin và địa chỉ hữu ích giúp kết nối các bên nhằm tăng cường hiệu quả đầu tư”

Đại diện PanNature, ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc cho biết, hướng dẫn này được sử dụng chủ yếu cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tại các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong, đặc biệt là Lào và Campuchia.