Niềm tin mù quáng vô tình giết chết các báu vật thiên nhiên

Công việc điều tra suốt bao năm trong và ngoài nước cho thấy sự nhẫn tâm, tàn độc vẫn lừng lững còn đó, trong tiêu dùng, trong buôn bán và giết hại ĐVHD. Và sự nhẫn tâm, tàn độc với ĐVHD bắt nguồn chính từ niềm tin mù quáng, thậm chí của cả những người được xem như giỏi giang, giàu có và thành đạt.

“Lý luận cùn” của những người ích kỷ

Uống nước mài sừng tê giác, ngâm rượu hoặc hấp cơm cao hổ, uống rượu mật gấu tươi, “tửu táng” bào thai/nguyên con/hoặc các phần thi thể vô số loài ĐVHD. Đó là cách mà nhiều người hiện đang dùng với mong muốn bồi bổ cơ thể hay chữa trị bệnh tật. Các sự thật trên, cũng chẳng cần phải ghi âm, chụp ảnh hay quay phim làm gì nữa vì người ta có thể gặp nó ở nhiều nơi, suốt nhiều năm qua, hầu như ai cũng đã biết.

Dường như, xã hội đang xuất hiện hai nhóm người sử dụng ĐVHD với các phát ngôn quen thuộc, dễ gặp. Nhóm thứ nhất: họ thật thà, nghe theo tin đồn thổi, họ gặp bệnh hiểm nghèo, tán gia bại sản, muốn tìm một phương thuốc thần kỳ ngõ hầu cứu vãn cuộc sống đang bên bờ vực chết chóc. Họ sử dụng các sản phẩm ĐVHD như sừng tê giác, cao hổ, mật gấu… Và khi được hỏi, dù chính danh nhà báo hỏi hay một câu hỏi “ngụy trang” dưới các hình thức khác nhau, thì họ đều cho biết: được giới thiệu, nghe đồn thổi và cóp nhặt tiền bạc mua sừng tê giác, cao hổ, nọc rắn dùng thử. Họ tin là nó có tác dụng nào đó. Họ cũng không biết con tê giác đến từ đâu và bị giết ra sao. Nhóm người thứ hai: họ khỏe mạnh và giàu có. Đặc biệt, họ biết rõ mua bán, ăn thịt, uống nước ngâm con thú quý hiếm là sai về cả đạo đức và luật pháp. Nhưng họ muốn mua bán và sử dụng chúng, với niềm tin thiếu hiểu biết rằng nó không bổ dương cũng bổ âm, không “bổ ngang thì cũng bổ dọc”. Lý do họ đưa ra là họ không hề tham gia bắt giết hoang thú – họ vô tội. Cách nghĩ có vẻ thời thượng này thật ra vô cùng mù quáng. Mù quáng và tàn nhẫn với thiên nhiên và với cả các nỗ lực tử tế của nhân loại tiến bộ. Họ cũng không nghe tiếng kêu khóc của động vật, nên cái gọi là lương tâm của họ không hề áy náy. Còn việc họ lén lút sử dụng, buôn bán ĐVHD, chẳng ai biết, mà có ai đó biết và xử lý thì tội cũng nhẹ như phủi bụi. Hành động của nhóm người này khác xa với những tuyên bố cho “sang mồm” của họ về bảo vệ động vật và lương tri của loài người tiến bộ trước sự tồn vong của các loài hoang thú.

Ảnh: PanNature

“Nền tảng lý luận” của nhóm người đang sử dụng các sản phẩm ĐVHD quý hiếm có giá chợ đen đắt đỏ kia là gì? Họ bảo, chẳng phải từ thượng cổ đến giờ, người Việt Nam rồi người Trung Quốc với nền “văn minh rực rỡ” của mình đã dùng ĐVHD để “tẩm bổ” và chữa bệnh đó sao. Cha ông họ đã xây dựng nên bao lớp lang văn hóa, bao công trình kỹ vĩ khiến nhân loại thán phục, thì phỏng có cớ gì cha ông họ lại sai lầm trong việc đúc kết kinh nghiệm sử dụng mật gấu, cao hổ, sừng tê giác?! Đôi khi họ đặt câu hỏi và rồi lại tự trả lời một cách đắc ý: vua chúa phong kiến đều sử dụng những “của san hào” kiểu cao hổ và sừng tê giác để phục vụ đủ tam cung lục viện đấy thôi (?!). Họ vin vào rồi tin vào “truyền thống” đó. Nào là người Việt Nam, từ xa xưa, hầu hết các ông “lang” ở làng quê, các ông thầy mo thầy cúng, thầy gầu thầy tào (ở vùng cao) đều sử dụng một thứ “nước thánh” với một thứ “bảo bối” cất kỹ trong ruột tượng. Họ bí mật mài, bí mật cất giữ, rồi tỏ ra linh thiêng đưa cho người ta uống. Uống xong là người đang sốt mê sảng như ma nhập cũng trở lại bình thường. Sau này nghiên cứu mới biết, miếng bảo bối đó là sừng tê giác, mài ra thì hòa với nước thì hình như chúng có tác dụng giảm sốt. Từ bấy bà con tin “miếng bảo bối” kia là thần dược kiểu trừ ma tà quỷ ám. Nó là sản phẩm tưởng tượng của một thời u mê, thiếu kiến thức trầm trọng. Hoặc nó cũng có thể là niềm tin mù quáng vào thầy mo thầy cúng và niềm kỳ vọng vào “nước thánh” như một bài thuốc tâm lý giúp người ta đẩy lui bệnh tật, ít ra là trong tưởng tượng. Bây giờ, thời buổi tên lửa vũ trụ, để giảm sốt tức thì, an toàn và hiệu quả tuyệt đối lại giá rẻ, người ta chỉ cần bỏ ra khoảng 2 nghìn đồng để mua một viên thuốc hạ sốt. Vậy tại sao lại phải nhọc công, tốn kém, tàn nhẫn và phi pháp trong việc mua bán sừng tê giác?

Một vấn đề nữa là sự mê muội mù quáng đến từ những suy nghĩ ích kỷ, “vỗ tay theo đám đông”, không có chính kiến và trình độ. Họ a dua cho rằng chẳng phải ngẫu nhiên mà sừng tê giác, cao hổ, mật gấu lại đắt. Cụ thể, theo giá chợ đen hiện nay, một con hổ đông lạnh trị giá tiền tỷ, một lạng cao hổ trị giá khoảng 1 nghìn USD. Qua phỏng vấn hàng trăm người giàu có sử dụng các sản phẩm ĐVHD nói trên, họ đều quay lại chất vấn nhà báo một câu giống nhau: Tại sao nó đắt? Tại sao bao nhiêu người cùng dùng, kể cả ông hoàng bà chúa xưa kia? Rồi họ lại tự trả lời: Là vì nó quý. Nó quý nên nó đắt, nó đắt nên dùng nó tốt. Thật là một cái vòng luẩn quẩn mê muội đến tội nghiệp. Người ta nhìn nhau mà dùng.

Ảnh: PanNature

Nâng cao nhận thức – cần nhưng chưa đủ

Cuộc chiến giảm thiểu nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD quý hiếm bao năm qua vẫn chưa thực sự hiệu quả cũng là vì sự thiếu hiểu biết và những niềm tin mù quáng như vậy, nhất là khi cái gọi là niềm tin đó được thổi lên vì mục đích trục lợi của những kẻ buôn bán. Hầu hết các đối tượng buôn bán đều tự khoe khoang sức mạnh chăn gối, sức khỏe gân cốt (không ai kiểm chứng được) của mình, để cố chứng minh một điều: “Nhờ sử dụng cao hổ, sừng tê giác, cao voọc vượn cho nên tôi khỏe đấy. Bố mẹ tôi sống lâu là nhờ cái này đấy. Bà con hãy mua và dùng đi!”. Trong khi đó, họ giả như không biết biết bao nông phu vạm vỡ, cường tráng, bao người già thanh bần ở chốn quê vẫn bách niên giai lão mà chưa từng biết đến sừng tê giác hay cao hổ.

Vậy là, cái khó nhất là cần có một thế hệ người được ăn học và hiểu rằng tại sao các quốc gia và khu vực có nền khoa học phát triển nhất thế giới như Mỹ, Châu Âu họ lại không tin một “đồng cân” nào vào công dụng của cao hổ, sừng tê giác? Sự thật là họ đã phân tích, nghiên cứu để cho ra kết quả là các sản phẩm trên không là “thần dược” gì cả. Và kể cả không phải như vậy, thì họ cũng được giáo dục để hiểu và tôn trọng muôn loài, tôn trọng các nỗ lực bảo tồn vì những giá trị chung và nhân văn nhất của loại, đảm bảo cho thiên nhiên hoang dã được tồn tại, phát triển.

Ảnh: PanNature

Đã đến lúc bên cạnh việc nâng cao nhận thức, cần một thiết chế luật pháp đủ minh bạch, quyết liệt hơn. Nghĩa là, ai săn bắt, ai buôn bán, ai sử dụng ĐVHD trong bất cứ hoàn cảnh nào, nếu vi phạm cần “bàn tay thép” xử lý nghiêm. Bởi đã từng diễn ra tình trạng: suốt bao năm ròng, người bắn giết hổ thì có thể bị đi tù, nhưng trưng bày một tiêu bản hổ hoang dã lớn giữa nhà, giữa khu vui chơi thì lại… không làm sao cả. Sử dụng cao hổ hay mài sừng tê giác uống thì cũng… chưa ai bị bắt bao giờ. Sự bất cập, nhập nhèm, buông lỏng này, khiến cho các thú vui mù quáng về sử dụng ĐVHD được dịp phát triển thêm. Điều này khiến nhiều người, đặc biệt là giới trẻ nghĩ rằng luật pháp không “xét xử” hành vi tàng trữ[*] sản phẩm từ ĐVHD – chỉ trừ có việc săn bắt, giết hại, bán buôn mới bị xử lý. Đấy là chưa kể, mức hình phạt với các án liên quan đến lĩnh vực này, suốt mấy thập niên qua đều ở mức nhẹ hều.

Điều này làm nản lòng những người có tâm huyết thật sự.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, Báo Lao Động


Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng từng nhận giải Cống hiến dành cho nhà báo xuất sắc trong lĩnh vực điều tra chống lại nạn giết hại, buôn bán ĐVHD năm 2015 sau các chuyến tác nghiệp xuyên quốc gia. 

 [*] Bắt đầu từ ngày 1/1/2018, người có hành vi tàng trữ trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của ĐVHD, động vật nguy cấp, quý, hiếm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 234 hoặc Điều 244 của Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017.