Uống sừng tê giác coi chừng bị nôn mửa, co giật

Các nhà bảo tồn đã “đầu độc” sừng của những con tê giác để bọn săn trộm không giết chúng.

Nếu bọn săn trộm vẫn săn những chú tê giác tội nghiệp này, thì những khách hàng của những tên săn trộm sẽ phải “trả giá” với món hàng của chúng. Theo các nhà khoa học, nếu một người ngửi thấy sừng từ một trong những con tê giác này, họ có thể bị buồn nôn, nôn mửa và co giật nghiêm trọng.

Loài tê giác luôn nằm trong danh sách nguy cơ tuyệt chủng vì sừng của chúng bán rất có giá – Ảnh: Metro

Dự án Cứu hộ Tê giác sử dụng độc tố thân thiện với động vật (ectoparaiticides) và thuốc nhuộm không thể xóa được trong quá trình “ngộ độc”, có thể khiến con người buồn nôn, nôn mửa và co giật nghiêm trọng ở mức độ khác nhau, tùy thuộc vào lượng tiêu thụ. Việc “đầu độc” này là hoàn toàn an toàn cho tê giác, không có tác dụng gây hại được ghi nhận đối với chúng hoặc con cái đời sau của chúng.

“Mỗi lần “đầu độc” có thời hạn hiệu lực kéo dài từ 3 đến 5 năm, một chu kỳ phát triển sừng đầy đủ, sau đó nó cần phải được thực hiện lại. Chi phí mỗi lần là 400 bảng Anh cho toàn bộ hoạt động, gồm cả đội cứu hộ và thuốc độc. Những bức ảnh của tôi cho thấy quá trình xử lý sừng của Dự án Cứu hộ Tê giác và Bộ sưu tập Kiến”, nhiếp ảnh gia Teagan Cunniffe người vừa chụp hình hoạt động của đội Cứu hộ Tê giác cho biết.

Dự án Cứu hộ Tê giác đã thực hiện những vụ đầu độc từ năm 2011 và đến nay chỉ có 2% số tê giác đã được “đầu độc” bị chết – và đó là thông qua sự kết hợp của cả hai nguyên nhân săn trộm và tự nhiên.

“Đây là một nỗ lực chống săn trộm chủ động cực kỳ thành công và tôi tin rằng tất cả tê giác nên trải qua quá trình điều trị này”, ông Teagan Cunniffe nói.

Thiên Hà (Theo Metro)