Ngô biến đổi gen “ì ạch” tăng diện tích

Ngô biến đổi gen (GMO) được đánh giá là giống cây trồng kháng sâu bệnh và mở ra một hướng đi nhằm giảm áp lực nhập khẩu, nhưng thực tế đến nay diện tích cây trồng này vẫn chưa tăng cao như kỳ vọng.

Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), năm 2015, diện tích gieo trồng ngô GMO đạt gần 12.500ha, đến năm 2017 tăng lên 33.190ha, chỉ chiếm 3% trên tổng diện tích trồng ngô cả nước (1,15 triệu ha).

Hiệu quả được khẳng định

Ông Huỳnh Văn Đắng (An Giang) thu lời 3 triệu đồng/1.000m2 trồng ngô GMO. Ảnh: Nguyên Vỹ
“Việc áp dụng cây trồng GMO chỉ phát huy hiệu quả thực sự ở những vùng trồng, vụ trồng có áp lực sâu đục thân và cỏ dại cao mới. Trong một thời gian dài trước đó, nhiều người vẫn lầm tưởng GMO là chìa khóa vạn năng, đã ứng dụng là tăng năng suất”.

GS Lê Huy Hàm

Ông Lê Thanh Hải là một trong những nông dân đầu tiên trồng ngô GMO ở tỉnh Vĩnh Phúc. Ông Hải kể, thời gian đầu đưa ngô GMO vào trồng rất khó khăn vì những thông tin tiêu cực liên quan đến an toàn thực phẩm.

“Tuy nhiên, ngô GMO có đặc tính kháng sâu bệnh tỏ ra phù hợp hợp cơ cấu mùa vụ ở địa phương. Đến nay, GMO đang giúp hồi phục dần nghề trồng ngô ở địa phương tôi, chỉ còn một số ít nông dân trồng ngô nếp” – ông Hải cho hay.

Ông Trần Quang – Giám đốc HTX  thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai)  cho hay, ông đã tìm hiểu về ngô GMO từ 2 năm trước khi Bộ NNPTNT cho phép thương mại hóa. Đến nay toàn bộ diện tích 150ha của HTX đều được trồng giống ngô mới này và tiêu thụ ổn định ra thị trường.

Ông Quang cho rằng công tác theo dõi an toàn sinh học, hoàn thiện gói kỹ thuật đã được chứng nhận nhiều năm qua. Việc giảm dần giá thành hạt giống ngô GMO là điều kiện cần thiết để nông dân mở rộng áp dụng.

Tuy mới trồng thử 6.000m2 từ đầu năm 2018 nhưng ông Huỳnh Văn Đắng (huyện An Phú, An Giang) cho biết vẫn sẽ tiếp tục trồng ngô GMO này cho các vụ tiếp theo. Trước đó, năm 2016, ông từng ôm nợ chồng chất khi hoa màu bị dịch bệnh và giá ngô giảm thấp. Riêng với ngô, áp lực sâu bệnh gây hại rất nặng, chiếm khoảng 55%, do các loại sâu khoang, sâu đục trái và sâu đục thân gây ra.

So với giống ngô thường, giống GMO ở ruộng ông Đắng đang trồng có năng suất ngang bằng. Nhưng với đặc tính kháng sâu bệnh, mỗi vụ ông chỉ phun xịt thuốc diệt cỏ, thuốc BVTV 1 lần thay vì 2 lần như trước. Trừ hết chi phí, ông thu lợi 3 triệu đồng/1.000m2, gấp đôi so với thời điểm trồng ngô thường.

Ông Đắng cho rằng hiệu quả lớn nhất khi triển khai mô hình này là không tốn nhiều phí thuê nhân công, không tốn nhiều công chăm sóc, hạn chế chi phí vật tư đầu vào. “Tận dụng thời gian nông nhàn tăng lên, vợ chồng tôi lại đi làm nghề khác để kiếm thêm thu nhập cho gia đình” – ông Đắng kể.

Giảm áp lực nhập khẩu

Ông Lê Thanh Tùng – Trưởng đại diện Cục Trồng trọt tại phía Nam cho biết, ở Việt Nam, ngô vẫn được xác định là cây lương thực quan trọng sau lúa. Tuy nhiên, ngành ngô phát triển không ổn định.

Theo thống kê, lượng hạt ngô GMO nhập vào Việt Nam trong năm 2017 là 570.000kg (tăng 43% so năm 2016). Mặc dù có sự gia tăng lượng hạt giống nhập khẩu với ngô GMO nhưng diện tích gieo trồng vẫn tăng không ổn định và không nhanh như kỳ vọng. Năm 2017, diện tích trồng ngô GMO chỉ chiếm 3% trên tổng diện tích trồng ngô cả nước.

Đối với các giống ngô thường, trong nước hiện vẫn sản xuất luân canh là chính chứ chưa hình thành chuyên canh năng suất cao. Việc sản xuất lại hạn chế khả năng cơ giới hóa, áp dụng công nghệ nên giá thành cao. “Sản xuất ngô vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chăn nuôi và nhập khẩu ngô thương phẩm vẫn tăng nhanh nhiều năm nay” – ông Tùng phân tích.

Theo GS Lê Huy Hàm – nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, nhập khẩu ngô tăng liên tục từ 4,4 triệu tấn/năm năm 2014 lên 8,3 triệu tấn/năm năm 2017; trị giá 1,6 tỷ USD. Con số này chiếm phân nửa trong tổng giá trị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi năm 2017 là 3,2 tỷ USD.

Kết quả khảo nghiệm, thử nghiệm cây trồng GMO những năm qua đã cho thấy hiệu quả của công nghệ trong giảm chi phí, tăng năng suất và giảm ô nhiễm môi trường. Từ đó làm tăng thu nhập cho nông dân. “Việc tiếp thu công nghệ mới là một trong các giải pháp để nâng cao năng suất và sản lượng ngô; góp phần thúc đẩy sản xuất và giảm áp lực nhập khẩu” – GS Hàm khẳng định.