Dưới áp lực săn trộm, voi đang tiến hóa theo hướng mất ngà

Ở Mozambique, các nhà nghiên cứu đang chạy đua để tìm hiểu di truyền của những con voi sinh ra không có ngà  và hậu quả của đặc điểm này.

Những con voi già nhất lang thang trong Vườn quốc gia Gorongosa của Mozambique mang dấu ấn không thể xóa nhòa của cuộc nội chiến đã đeo đẳng nước này suốt 15 năm: nhiều con không hề có ngà. Chúng là những kẻ sống sót đơn độc sau một cuộc xung đột đã giết chết khoảng 90% những con vật này nhằm lấy ngà để trả tiền mua vũ khí và lấy thịt nuôi binh lính.

Săn bắn đã đưa lại cho voi không ngà một lợi thế sinh học ở Gorongosa. Những con số gần đây cho thấy khoảng 1/3 voi cái trẻ – thế hệ sinh ra sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1992 – không bao giờ mọc ngà. Thông thường, tình trạng không ngà sẽ xảy ra chỉ với khoảng 2-4% voi châu Phi cái.

Theo Joyce Poole – chuyên gia về hành vi voi, người nghiên cứu về loài da dày sống trong công viên và là Giám đốc khoa học của một tổ chức phi lợi nhuận mang tên ElephantVoices, nhiều thập kỷ trước, có khoảng 4.000 con voi sống ở Gorongosa nhưng sau nội chiến đã giảm xuống còn 3 con số. Nghiên cứu chưa được công bố do cô biên soạn chỉ ra rằng trong số 200 voi cái trưởng thành đã biết, 51% những con sống sót sau chiến tranh – có số tuổi từ 25 trở lên – không có ngà. Và 32% voi cái được sinh ra từ thời chiến tranh thì cũng không có ngà nốt.

Poole giải thích rằng ngà voi đực to và nặng hơn voi cái cùng tuổi nhưng một khi áp lực săn trộm đè lên đàn voi thì những kẻ săn trộm bắt đầu tập trung vào những con cái lớn tuổi hơn. Theo thời gian, với quần thể già hơn, tỷ lệ voi cái không ngà cũng thực sự cao hơn.

Xu hướng không ngà này không chỉ giới hạn ở Mozambique. Các quốc gia khác có lịch sử săn trộm ngà voi đáng kể cũng chứng kiến sự thay đổi tương tự ở những con voi cái sống sót và con cái non. Ở Nam Phi, hiệu ứng này đặc biệt cực đoan – tới 98% trong tổng số 174 con cái ở Vườn quốc gia voi Addo được phát hiện là không có ngà vào đầu những năm 2000.

Ryan Long, nhà sinh thái học hành vi tại Đại học Idaho cho biết: “Sự phổ biến của hiện tượng không ngà tại Addo thực sự đáng chú ý và nhấn mạnh một thực tế rằng áp lực săn trộm cao có thể gây tác hại nhiều hơn là chỉ loại bỏ các cá thể khỏi đàn. Hậu quả của những thay đổi đáng kể trong quần thể voi chỉ mới bắt đầu được khám phá”.

Josephine Smit, nhà nghiên cứu nghiên cứu hành vi voi với Chương trình voi miền Nam Tanzania cũng bật mí trong số những con voi cái mà bà theo dõi tại Vườn quốc gia Ruaha – khu vực bị săn trộm nặng nề trong thập niên 1970 và 1980 – có tới 21% voi cái trên 5 tuổi không có ngà. Hay như ở Gorongosa, con số này cao nhất trong số những voi cái lớn tuổi: khoảng 35% voi cái trên 25 tuổi không có ngà và trong số những con voi có độ tuổi từ 5 đến 25, 13% voi cái không có ngà. Những phát hiện này chưa được Smit (ứng cử viên tiến sĩ tại Đại học Stirling, Scotland) công bố chính thức nhưng đã được cô trình bày tại một hội nghị khoa học về ĐVHD vào tháng 12 năm ngoái.

Không chỉ “góp phần” làm tiêu biến ngà, nạn săn trộm còn đẩy kích thước ngà giảm xuống ở một số khu vực bị săn bắn nhiều, chẳng hạn như miền nam Kenya. Một nghiên cứu do Đại học Duke và Tổ chức bảo tồn Kenya Wildlife Service thực hiện vào năm 2015 đã so sánh ngà voi bị bắt ở đó từ năm 2005 đến 2013 với những chú voi được tiêu hủy trong khoảng thời gian từ năm 1966 đến 1968 (nghĩa là trước khi nạn săn trộm dữ dội diễn ra vào cuối những năm 1970 và đầu thập niên 1980) và tìm thấy sự khác biệt đáng kể. Những con voi sống sót trong giai đoạn săn trộm dữ dội đó có ngà nhỏ hơn nhiều – khoảng 1/5 ở voi đực và 1/3 ở voi cái.

Các mô hình lặp đi lặp lại với voi hậu duệ. Trung bình, ngà voi đực sinh sau năm 1995 nhỏ hơn 21% so với con đực từ những năm 1960, và với voi cái thì nhỏ hơn 27% so với thời kỳ đó. Theo các tác giả nghiên cứu, “mặc dù bằng chứng về vai trò của di truyền đối với kích cỡ ngà là gián tiếp”, các nghiên cứu về chuột, khỉ đầu chó và con người cho thấy kích thước răng cửa – tương đồng với ngà ở voi – là được kế thừa và “chịu ảnh hưởng di truyền đáng kể”.

Những con voi già không ngà sống sót sau cuộc nội chiến dai dẳng của Mozambique. Khoảng một phần ba con cái của số voi còn sống sót không có ngà (Ảnh: Eephant Voices)

Ảnh hưởng của tình trạng mất ngà

Poole tiết lộ rằng mặc cho làn sóng không có ngà vì ảnh hưởng của con người trong những thập kỷ gần đây, voi không ngà vẫn sống sót và khỏe mạnh. Các nhà khoa học nói rằng tỷ lệ đáng kể voi có khuyết điểm này có thể làm thay đổi cách thức hành xử của cá thể và bầy đàn lớn hơn, và họ muốn tìm hiểu xem, ví dụ, chúng có có phạm vi sinh sống lớn hơn voi khác hay không bởi chúng có thể cần nhiều diện tích hơn để tìm kiếm thức ăn mọc lại.

Ngà là phần răng mọc quá ra ngoài. Tuy nhiên, chúng thường được sử dụng cho các hoạt động hàng ngày như đào hố lấy nước hoặc khoáng chất quan trọng trong lòng đất, bóc vỏ cây để lấy thức ăn nhiều xơ, và các con đực thường sử dụng ngà để tranh giành con cái.

Những gì voi làm với ngà cũng rất quan trọng đối với các loài động vật khác. “Vai trò như một loài chủ chốt hất đổ cây và đào hố lấy nước của voi rất quan trọng đối với một loạt các loài thấp hơn phụ thuộc vào chúng”, Long nói. Hành động của ngà cũng giúp kiến tạo môi trường sống. Ví dụ một số loài thằn lằn thích làm nhà trong những thân cây bị đổ thường theo chân loài voi.

Nếu voi đang thay đổi nơi sinh sống, dù chúng di chuyển nhanh đến thế nào hoặc đi đâu, việc đó có thể có ý nghĩa lớn hơn đối với các hệ sinh thái xung quanh chúng. “Bất kỳ hoặc tất cả những thay đổi trong hành vi này có thể dẫn đến thay đổi phân bố voi trên toàn cảnh quan, và đó là những thay đổi quy mô rộng có nhiều khả năng gây hậu quả nhất cho phần còn lại của hệ sinh thái”, Long nói.

Giờ đây, Long và một nhóm các nhà nghiên cứu sinh thái và di truyền đang bắt đầu nghiên cứu cách những con voi không ngà điều hợp cuộc sống. Vào tháng 6, nhóm nghiên cứu bắt đầu theo dõi sáu con cái trưởng thành ở Gorongosa – một nửa có ngà, một nửa không có – từ ba đàn sinh sản khác nhau. Họ đeo vòng cổ có GPS cho voi, lấy mẫu máu và phân, và dự định theo dõi chúng trong một vài năm hoặc cho đến khi pin vòng cổ cạn sạch, định kỳ lấy nhiều mẫu phân để phân tích chế độ ăn.

Mục tiêu của họ là khám phá thêm thông tin về cách những động vật này di chuyển, ăn uống và những bộ gen của chúng trông như thế nào. Long hy vọng sẽ hiểu cặn kẽ cách voi không ngà chuyển đổi hành vi để tiếp cận các chất dinh dưỡng. Rob Pringle thuộc Đại học Princeton có kế hoạch xem xét các mẫu phân để tìm hiểu chế độ ăn uống cùng đội quân vi khuẩn và ký sinh trùng sống bên trong ruột mỗi con voi. Một cộng tác viên khác, Shane Campbell-Staton, nhà sinh vật học tiến hóa tại Đại học California Los Angeles, sẽ nghiên cứu máu, tìm kiếm câu trả lời về cách di truyền ảnh hưởng đến hiện tượng không ngà.

Campbell-Staton thừa nhận các đặc điểm được thừa hưởng này thực sự là một “câu đố”. Tình trạng không ngà dường như xảy ra không cân xứng giữa các con cái. Đáng chú ý là những con đực không ngà sẽ không thể cạnh tranh để tiếp cận sinh sản với con cái. Nhưng nếu đặc điểm này được truyền lại theo nhiễm sắc thể X một cách truyền thống, giúp xác định giới tính và chứa gen của nhiều đặc điểm di truyền khác nhau, chúng ta sẽ nghĩ rằng vì voi đực luôn thừa hưởng nhiễm sắc thể X từ mẹ nên sẽ có một quần thể thực sự lớn của voi đực không ngà. “Nhưng chúng ta không thấy điều đó. Hiện tượng không ngà cực kỳ hiếm ở voi châu Phi”.

Joyce Poole chứng thực điều này. Cô nói rằng trong toàn bộ sự nghiệp của mình, cô chỉ nhìn thấy ba hoặc bốn con voi đực không có ngà và không con nào sống tại Gorongosa.

Giải pháp thay thế

Mặc dù những đặc điểm dinh dưỡng và hành vi của voi không ngà chưa được chính thức so sánh với những con voi có ngà trong bất kỳ đàn nào, Smit nói đùa rằng trong nghiên cứu của mình, cô thấy voi không ngà dường như đã tìm được giải pháp cho bản thân.

“Tôi đã quan sát những con voi không ngà ăn vỏ cây, chúng có thể tước vỏ bằng vòi và đôi khi chúng sử dụng răng”. Chúng cũng có thể dựa vào sự giúp đỡ vô ý của những con voi khác. Có lẽ chúng nhắm vào các loại cây khác có thể tước vỏ dễ dàng hơn hoặc những cây đã bị những con voi khác tước trước – đây là điểm tựa để chúng có thể lột vỏ cây dễ dàng hơn.

Lệnh cấm buôn bán ngà voi ở Trung Quốc và Hoa Kỳ gần đây có thể giảm nhu cầu về ngà nhưng chính xác mất bao lâu để đàn voi có tỷ lệ không ngà cao phục hồi một phần về có ngà thì khó đoán. Ví dụ voi châu Á lâu nay bị săn bắn lấy ngà voi hoặc bị cưa ngà để làm việc sẽ góp phần tăng số lượng voi không ngà.

Poole giải thích: “Nếu bạn nhìn vào voi châu Á, con cái thường không có ngà và tùy thuộc vào đàn voi bạn quan sát ở quốc gia nào, hầu hết voi đực cũng thường không có ngà”, Poole giải thích. Lý do chính xác tại sao quần thể voi châu Á và châu Phi có tỷ lệ không ngà khác nhau vẫn chưa thể giải thích.

Tuy nhiên, Poole và các nhà khoa học khác lưu ý rằng tại những khu vực ở châu Á xưa nay voi vẫn bị săn bắt lấy ngà, mức độ không ngà là cao – cũng giống như ở châu Phi – và hành động xấu xí này đã tô một nét đậm rằng con người để lại dấu ấn lâu dài với loài động vật có vú lớn nhất trên trái đất.

Nhật Anh (Theo Nationalgeographic.com)

Nguồn: