Thái Lan – Thị trường tiêu thụ động vật hoang dã Madagascar

ThienNhien.Net – Thái Lan đang là thị trường cung cấp một số lượng lớn bò sát và động vật lưỡng cư Madagascar nằm trong danh sách bị đe dọa cho các thị trường nội địa và quốc tế, bất chấp những nghi vấn về tính hợp pháp trong nguồn gốc nhập khẩu của chúng. Đây là kết luận từ báo cáo “Nạn buôn bán các loài bò sát và động vật lưỡng cư đặc hữu của Madagascar tại Thái Lan” do Mạng lưới Giám sát Buôn bán Động, Thực vật Hoang dã (TRAFFIC) thực hiện sau khi tiến hành khảo sát 32 cơ sở buôn bán ở Bangkok và 8 tỉnh Thái Lan trong 15 ngày.

Mập mờ nguồn gốc các “mặt hàng”

Thông qua cuộc khảo sát trên, các điều tra viên TRAFFIC đã phát hiện ra 591 mẫu bò sát và động vật lưỡng cư Madagascar bị đem ra buôn bán. Điều đáng nói là sự tồn tại của hoạt động buôn bán trên quy mô lớn các loài tắc kè hoa đặc hữu của Madagascar, báo cáo nhấn mạnh.

Có cả thảy 233 cá thể tắc kè hoa thuộc 16 loài được rao bán tại các khu chợ, cửa hàng và ngay tại nhà của những người kinh doanh qua mạng. Đáng lo ngại là tắc kè giáp lá (Brookesia perarmata), một loài bị cấm buôn bán bởi Công ước CITES (Công ước về Buôn bán Quốc tế những loài Động,Thực vật có nguy cơ bị đe dọa), cũng không lọt ra khỏi tai mắt của các tay buôn.

Tắc kè bông (Furcifer pardalis), có nguồn gốc từ Nosy Mangabe (Madagascar), xuất hiện tại nơi ở của một thương nhân tại thành phố Saraburi, Thái Lan vào tháng 2/2010 (Ảnh: M. Todd/TRAFFIC)

Trên thực tế, chỉ có một số loài tắc kè đến từ Madagascar thuộc diện buôn bán hợp pháp, trong khi tới 78% số tắc kè – tương đương với khoảng 3.738 cá thể – mà Thái Lan đã nhập khẩu trong 2 năm 2004 – 2005, lại được khai báo là gây nuôi tại Kazakhstan hay tái xuất từ đất nước Tây Á Lebanon.

Tuy nhiên, theo bản phân tích dữ liệu buôn bán chính thức, Kazakhstan cho biết họ không hề xuất khẩu tắc kè có nguồn gốc Madagascar, cũng chẳng quốc gia nào công nhận đã xuất khẩu tắc kè Madagascar tới Kazakhstan.

Rõ ràng, việc nhập khẩu những loài tắc kè này là điều kiện tiên quyết để lập nên các cơ sở gây nuôi, rồi mới có thể xuất sang Lebanon và từ đây tái xuất đi Thái Lan. “Nếu hoạt động gây nuôi tắc kè Madagascar trên quy mô lớn thực sự đang diễn ra ở Kazakhstan, thì họ lấy giống ở đâu và nguyên do tại sao rất nhiều trong số các “mặt hàng” xuất khẩu ấy lại đi qua Lebanon, một quốc gia không tham gia vào Công ước CITES?” – Chris Shepherd, Phó Giám đốc TRAFFIC Đông Nam Á đặt nghi vấn.

Cũng theo dữ liệu buôn bán chính thức thì năm 2005, Lebanon đã nhập khẩu hợp pháp 32 cá thể tắc kè Madagascar dưới sự chấp thuận của Công ước CITES. Vấn đề là “ngay cả khi đạt tới tỷ lệ sống sót và sinh sản cao nhất theo lý thuyết thì 32 cá thể tắc kè vẫn không thể cho ra đời hàng nghìn con, sau đó xuất sang Thái Lan được, vậy nên giải thích điều này như thế nào?” – Shepherd tiếp tục đặt câu hỏi.

Ngoài tắc kè Madagascar, khảo sát của TRAFFIC tại Thái Lan cũng phát hiện thấy một số “mặt hàng” động vật hoang dã khác khá phổ biến trên thị trường Thái, bao gồm hơn 100 cá thể rùa sao (Geochelone radiata), hàng tá rùa nhện (Pyxis arachnoides) và 3 cá thể rùa lưỡi cày (Astrochelys yniphora) – ba loài rùa hiếm nhất thế giới đã được IUCN phân loại ở mức độ cực kỳ nguy cấp (CE) và bị CITES cấm buôn bán quốc tế dưới mọi hình thức.

Cần phải thắt chặt luật pháp

Richard Hughes, đại diện Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) Madagascar, cho biết phía WWF đã nhìn ra vấn nạn buôn bán trái phép các loài được bảo vệ có xuất xứ từ Madagascar đang diễn biễn hết sức phức tạp, mà điểm đến chính là châu Á; đồng thời cũng thừa nhận rằng chính hiện trạng chính trị ở châu lục này đã làm cho tình hình trở nên trầm trọng hơn, dẫn tới việc thực thi các luật pháp hiện hành và bảo vệ các khu bảo tồn trở nên yếu kém hơn.

Các khảo sát của TRAFFIC cho thấy hoạt động buôn bán các loài bò sát và động vật lưỡng cư Madagascar, từng tập trung ở chợ Chatuchak (Bangkok, Thái Lan), giờ đây đang tỏa ra các thị trấn trực thuộc tỉnh và lan tràn trên mạng Internet, bằng chứng là sự hình thành một mạng lưới buôn lậu hoạt động ở Thái Lan, cung cấp “hàng” cho cả khách trong và ngoài nước.

“Có vẻ như những tay buôn lậu đang thể hiện thái độ coi thường luật pháp và hủy hoại mọi nỗ lực thực thi pháp luật của Thái Lan”, Shepherd lên tiếng.

Báo cáo của TRAFFIC cũng thúc giục và khuyến cáo các nhà chức trách Thái Lan tăng cường điều tra, hợp tác quốc tế để đặt dấu chấm hết cho hoạt động nhập khẩu động vật hoang dã có xuất xứ không rõ ràng, đồng thời kêu gọi cần có hành động cứng rắn, trừng trị thích đáng đối với tất cả những tay buôn lậu.

Riêng trong tuần thứ hai của tháng 6, các cơ quan chức năng Thái Lan đã ngăn chặn 800 cá thể bò sát nằm trong diện được bảo vệ ngay tại sân bay Suvarnabhumi (Bangkok).

Trước những tín hiệu đáng mừng này, Tiến sĩ Richard Jenkins, Trưởng nhóm Chuyên gia Nghiên cứu Tắc kè của Ủy ban Vì Sự sống còn Các loài (SSC) thuộc Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), phát biểu: “Việc các cơ quan chức năng khu vực sân bay tịch thu các cá thể tắc kè hoa đến từ Madagascar chính là dấu chấm hết đối với vấn nạn kể trên”.

“Có điều, chỉ khi thường xuyên theo dõi, giám sát các quầy hàng bày bán ở chợ và những điểm bán lẻ khác, chúng ta mới có thể hy vọng tìm ra quy mô thực sự của hoạt động buôn bán trái phép và tác động tiềm ẩn của nó tới các quần thể tắc kè hoang dã”, ông tỏ ra thận trọng.

Được biết, năm 2013, Thái Lan sẽ là nước chủ nhà của Hội thảo Các bên tham gia Công ước CITES, nơi tập hợp đại diện 175 chính phủ để thảo luận những vấn đề liên quan tới nạn buôn bán động, thực vật hoang dã.