Cáp treo lên đỉnh Bạch Mã: Những điều đã quên

VQG Bạch Mã không phải phục vụ mục tiêu về du lịch và kinh tế mà quan trọng nhất, nó phải bảo tồn nguyên vẹn hệ sinh thái.

Thiếu sót từ đầu

Tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến quy hoạch du lịch Vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã với sự tham gia của nhiều chuyên gia xây dựng, du lịch và bảo vệ rừng.

Đây là lần đầu tiên hội nghị về quy hoạch VGQ Bạch Mã được tổ chức sau khi tỉnh Thừa Thiên Huế trình đồ án quy hoạch lên các bộ ngành.

Trong đề xuất của tư vấn quy hoạch về các phân khu du lịch núi Bạch Mã, đơn vị tư vấn đưa ra phương án xây dựng khu du lịch sinh thái trên đỉnh Bạch Mã, đồng thời xây dựng 2 tuyến cáp treo, với tổng chiều dài 5,6km kết nối các khu du lịch trên đỉnh Bạch Mã, công suất tối đa là 1.750 hành khách/giờ.

Chia sẻ với Đất Việt về vấn đề này, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững Việt Nam cho biết, chưa xét đến quy hoạch nói trên được duyệt hay không song ông vẫn muốn đưa ra một số khuyến nghị về việc xây dựng khu du lịch sinh thái Bạch Mã.

Theo GS Lung, tỉnh Thừa Thiên Huế đã mời Bộ Xây dựng phối hợp với Sở Xây dựng chủ trì và cũng bởi quan niệm đây là một khu du lịch nên tỉnh mời 2 cơ quan dịch vụ quốc tế về cáp treo và du lịch sinh thái chủ trì xây dựng quy hoạch.

Vị chuyên gia ghi nhận, các cơ quan mà UBND tỉnh mời rất có kinh nghiệm và hiệu quả, họ dùng các cách tiếp cận mới nhất, khoa học nhất để đưa ra được đề án về các tiết mục trong khu du lịch sinh thái Bạch Mã. Họ cũng chủ động đề xuất nhiều vấn đề để người phê duyệt có thể có những ý tưởng tốt.

Theo GS Lung, nếu tỉnh dự định xây dựng một sân golf, một sòng bạc hay một khách sạn nghỉ dưỡng 5 sao thì mời chuyên gia trong lĩnh vực trên làm đồ án quy hoạch và giao cho cơ quan xây dựng chủ trì là đúng.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà tỉnh Thừa Thiên Huế đã quên, đó là VQG Bạch Mã không phải phục vụ mục tiêu về du lịch và kinh tế mà quan trọng nhất, nó phải phục vụ cho mục tiêu lớn hơn, đó là bảo tồn nguyên vẹn hệ sinh thái.

Phối cảnh khu du lịch, cáp treo trên núi Bạch Mã. Ảnh: Tiền phong

“Khi Thủ tướng Chính phủ quyết định thành VQG Bạch Mã, nhiệm vụ chính của VQG này là bảo tồn nguyên vẹn hệ sinh thái đặc hữu.

Vậy du lịch phải đảm bảo được mục tiêu hỗ trợ cho bảo tồn nguyên vẹn hệ sinh thái chứ không phải làm sao thu được tiền tối đa, cung cấp các dịch vụ cho con người thỏa mãn nhất”, ông nhấn mạnh.

Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững Việt Nam giải thích, VQG thường được quy hoạch làm 3 khu vực: Khu vực thứ nhất, bảo vệ nguyên vẹn hệ sinh thái; Khu vực thứ hai, phục hồi lại hệ sinh thái; Khu vực thứ ba, khu dịch vụ hành chính – đây là khu vực có thể làm mọi việc để phục vụ cho mục đích chính và du lịch sinh thái nằm trong khu dịch vụ hành chính.

Trở lại với vấn đề quy hoạch VQG Bạch Mã, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung chỉ ra rằng, tỉnh Thừa Thiên Huế thuê đơn vị tư vấn quy hoạch nhưng lại không nói cho tư vấn biết rằng, không phải biến VQG Bạch Mã thành khu du lịch đạt 2 tiêu chuẩn là kiếm nhiều tiền và phục vụ được đại đa số nhân dân.

“Hai mục tiêu ấy vẫn đúng nhưng như đã nói, nó thiếu một mục tiêu quan trọng nhất, là phục vụ VQG để bảo tồn hệ sinh thái. Vì lẽ đó, đơn vị tư vấn không quan tâm đến mục tiêu chính mà chỉ quan tâm làm thế nào hiện đại nhất, kiếm được nhiều tiền nhất, cung cấp được dịch vụ tốt nhất và vì vậy tối đa, mà khi tối đa thì thường quá tải.

Đã qua rồi giai đoạn Việt Nam làm kinh tế bằng bất cứ giá nào. Phải tính được sức chịu tải của môi trường và thiết kế chỉ được làm dưới mức chịu tải ấy.

Theo thiết kế của đơn vị tư vấn, có 2 khu: khu A không nằm trong VQG Bạch Mã mà ở dưới chân, đó là vùng đệm. Khu này đã có dân cư sinh sống và hiện VQG đặt trung tâm dịch vụ tại đây, trong đó có du lịch sinh thái. Khu B ở trên đỉnh Bạch Mã, thời chiến tranh Mỹ đã sử dụng chừng 300ha làm sân bay trực thăng trên đó.

Tư vấn định dùng 300ha đó làm trung tâm giống như một đô thị. Cũng làm cáp lên, xây dựng khu du lịch sinh thái, khách sạn 5 sao, trung tâm mua sắm…

Như vậy, tư vấn đã làm đúng mục tiêu của du lịch, đó là đưa dịch vụ tối đa, xây khách sạn 5 sao để thu hút khách quốc tế, làm các dịch vụ khác mà không quan tâm lắm đến nhiệm vụ chính – đó là phục vụ cho VQG để bảo tồn hệ sinh thái. Điều đó là không phù hợp.

Chẳng hạn, tư vấn đề xuất xây khách sạn có phải để khách lưu trú? Nhưng du lịch sinh thái không phải nhằm mục đích để khách lưu trú, mục đích là cho họ nhận thức về môi trường, về sinh thái, đồng thời là trách nhiệm về sinh thái”, GS Lung phân tích.

Từ những phân tích trên, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung nhấn mạnh, để quy hoạch khu du lịch sinh thái, phải nắm vững được du lịch sinh thái có bao nhiêu mục tiêu phục vụ và thiết kế, quy hoạch làm thế nào phục vụ những mục tiêu ấy?

“Tỉnh Thừa Thiên Huế đã quá nhiệt tình, trong khi vấn đề này nên để Bộ NN-PTNT làm thì đúng hơn bởi họ là cơ quan chủ quản của VQG Bạch Mã và khi được giao nhiệm vụ, họ biết được cụ thể như thế nào”.

Nguồn: