Trồng cây gì ở phố?

Cây xanh ở Hà Nội, lâu lâu lại có chuyện để bàn. Trước khi Hà Nội trồng hàng trăm cây phong ở dải phân cách giữa phố Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ, Trần Duy Hưng… thì việc đốn hạ hàng cây xà cừ cổ thụ ở đường Phạm Văn Đồng, hay việc trồng phượng bạt ngàn giữa Hà thành cũng khiến dư luận băn khoăn. Mà trong rất nhiều chuyện về cây, thì mối quan tâm lớn nhất là trồng cây gì ở Thủ đô thì hợp; hay bảo tồn cây xanh thế nào để giữ được di sản cây trong lòng đô thị hơn ngàn năm tuổi.

Ngoài phù hợp về thổ nhưỡng, khí hậu, môi trường, còn là sự hài hòa với các giá trị văn hóa, hài hòa giữa cây và người. Đã từng có những gợi ý Hà Nội nên trồng bạt ngàn hoa ban đỏ để đến tháng Ba mùa hoa nở, sẽ rực rỡ không kém sắc hoa anh đào Nhật Bản. Hay lại có những gợi ý nên lựa chọn cây keo…

Trong các cuộc trò chuyện, PGS.TS Ngô Quang Đê- nguyên Trưởng khoa Lâm sinh (Trường ĐH Lâm nghiệp), người từng có nhiều công trình nghiên cứu và áp dụng trong thực tế gần đây về cây trồng đô thị tại Hà Nội rất trăn trở với cây xanh Hà Nội. Ông bảo trước đây, đô thị Hà Nội trồng chủ yếu cây xà cừ từ thời Pháp. Từ 1960 trở lại đây, ở Hà Nội cũng không trồng xà cừ nữa, bởi Hà Nội không có không gian cho bộ rễ xà cừ phát triển.

Đề xuất việc trồng cây cho phù hợp, ông Đê cho rằng tất cả những cây đã trồng thành công tại Hà Nội như sấu, muồng, bằng lăng… đều có thể trồng tiếp. Tuy nhiên, cần phải tiếp tục nghiên cứu bổ sung các loại cây mới để đảm bảo đa dạng sinh học và phát triển sinh thái bền vững. Một trong những hạn chế ở Hà Nội hiện nay là mùa đông không có các loại cây ra hoa. Thời gian qua, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm và đề xuất xem khả năng có thể đưa cây sở về trồng tại Hà Nội hay không. Bởi đây là cây rất thích hợp để trồng làm cảnh, tán rộng, lá xanh quanh năm, hoa đẹp, mùi thơm quyến rũ và đặc biệt hoa lại nở vào mùa đông. Sở cũng là cây trồng có khả năng chống ô nhiễm, cải thiện môi trường rất tốt. Một số cây khác như trà bạch, trà hồng, trà đỏ hiện nay ở Nhật trồng rất nhiều, rất đẹp và cũng có thể trồng tại Hà Nội.

Cây dổi bắc hiện cũng  là “ứng cử viên” rất sáng có thể trồng làm cây cảnh quan ở Hà Nội, cây này Việt Nam có sẵn, hoa thơm, màu sắc đẹp, không độc, bộ lá có hai màu lục- hồng rất đẹp mắt. Dổi bắc đã trồng thử nghiệm làm cảnh quan nhiều nơi như ở khuôn viên Trường CĐ Nông lâm Đông Bắc (Bộ NN&PTNT) tại Quảng Ninh cho kết quả rất mĩ mãn, cây này cũng đã trồng rất đẹp tại Khu đô thị Ecopark (Hà Nội)…

Dẫu thế, ông Đê khẳng định đối với Hà Nội hiện nay thì trồng cây gì, kể cả cây mới hay cây cũ đều phải trồng thử nghiệm trước, chưa nên đưa vào trồng ồ ạt. Dù trồng cây gì thì cũng phải có quy hoạch cụ thể, bài bản, chứ không phải thích trồng chỗ nào là trồng. Cái này trước đây Hà Nội đã từng có, nhưng sau đó người ta trồng tùm lum. Thành ra bây giờ tại nhiều tuyến phố Hà Nội, nhìn hàng cây rất hổ lốn, cây cao cây thấp, đủ thứ bà chằng loại cây mà chẳng cây nào ra cây nào….

KTS Phó Đức Tùng cho rằng, cây trồng đường phố có nhiều logic. Có loại trồng như người Pháp, cả phố một loài, sẽ tạo ra cảnh quan hoành tráng của các đại lộ cây xanh. Nhưng yêu cầu cần có đường lớn, hoành tráng, thẳng thớm, vỉa hè rộng. Còn đối với các loại đường không ra đường, dặt dẹo ngoằn ngoèo, vỉa hè chỗ to chỗ nhỏ, thì cây cũng nên đa dạng tùy chỗ mà trồng cây to nhỏ…

Còn theo KTS Trần Huy Ánh, hiện việc trồng cây trong phố Hà Nội vẫn là chuyện ngổn ngang. Trồng cây nào cũng vậy thôi, muốn cây trồng trong phố bám chắc, người ta phải tạo khung dầm bê tông để rễ bám quanh. Trong khi lâu nay tất cả các loại cây trồng trong phố đều bị cong queo, ốm yếu, rễ nông… Cái tội ấy cũng tại con người ta lười biếng suy nghĩ và hành động nên đối xử với cây bạc bẽo, thờ ơ mà nên vậy.