Người Việt đừng tự đầu độc: Sẽ thua nốt trên sân nhà sau TPP?

ThienNhien.Net – Lâu nay, nông sản Việt Nam đã thua sân khách (xuất khẩu) vì nhiều lý do, trong đó có việc không “sạch”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sắp tới khi vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), khi không còn được bảo hộ bởi hàng rào thuế quan, với kiểu làm ăn “thiếu lương thiện” như lâu nay, nông sản Việt Nam sẽ thua nốt trên sân nhà vì không cạnh tranh được với hàng chất lượng cao ngoại nhập.

Để thực hiện mô hình bắp thu trái non GlobalGAP, Cty tổ chức kiểm tra bắp ngay từ khi còn là cây giống (Ảnh: Lục Tùng)
Để thực hiện mô hình bắp thu trái non GlobalGAP, Cty tổ chức kiểm tra bắp ngay từ khi còn là cây giống (Ảnh: Lục Tùng)

Trào lưu “né” nông sản Việt Nam 

“Xin mời, trái cây tự trồng, không phân bón, thuốc hóa học”- cũng là dưa hấu, ổi bình thường, thậm chí là màu sắc không bắt mắt như thường thấy trên các xe đẩy bán dọc theo các ngã đường, nhưng cả đoàn chúng tôi vô cùng hứng thú với dĩa dưa hấu và ổi của vợ chồng bác sĩ Phạm Tấn Bay – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tư nhân Bình Dân (An Giang) mời, vì biết đó là cái cây “sạch”.

Thấy chúng tôi hứng thú, BS Bay dẫn chúng tôi tham quan vườn rau trái tự sản xuất. Chiếc thang máy đưa lên tầng 6, cửa mở, trước mắt chúng tôi là màu xanh của rau, trái bao trùm không gian gần 100m2 của tầng thượng. Sắc xanh mởn mởn của rau, cải, màu đo đỏ của những quả cà chua vừa chín tới. Xa xa là những trái dưa hấu căng tròn, xen những chậu ổi oằn những chùm trái xanh màu lá mạ.

“Nhiều lần tận mắt thấy nông dân lạm dụng bón phân đạm và phun thuốc BVTV lên rau, trái… sợ quá nên chịu khó tự trồng ăn trong nhà” – BS Bay giải thích.

Theo lời BS Bay, cũng khá lâu rồi gia đình không thường xuyên mua thịt heo vì sợ ăn phải thịt bơm nước “bẩn”. Thay vào đó là “đặt hàng” nhiều ngư dân đánh bắt cá trên sông Hậu cung cấp cá tự nhiên để ăn hàng ngày dù rằng giá cao hơn giá cá “đại trà” khoảng vài chục ngàn đồng/kg… Trưa hôm đó, chúng tôi còn được chiêu đãi bữa cơm được nấu bằng gạo lúa mùa nổi, lúa gieo trồng theo phương thức truyền thống, không sử dụng phân, thuốc hóa học. “Không phải sang, cũng chẳng chảnh… mà chỉ là tự bảo vệ sức khỏe trước thực trạng tràn lan nông sản “bẩn” chứa đựng nhiều nguy cơ gây bệnh” – BS Bùi Thị Thu Hồng – vợ BS Bay, xen vào.

Chuyện “né” nông sản Việt Nam của gia đình BS Bay không phải là trường hợp cá biệt. Bởi không chỉ riêng An Giang mà đến bất kỳ thành phố nào trên đất nước mình, chỉ cần phóng tầm mắt nhìn một vòng thành phố từ trên cao, chúng tôi không thể nào đếm hết số sân thượng được bố trí thành khu vườn rau trái kiểu này.

Thậm chí, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị – một trong những người đặt nền móng cho An Giang trở thành “thủ phủ” lúa gạo, cũng thẳng thừng bày tỏ: Chỉ ăn gạo lúa sóc của Thái Lan dù giá cao hơn gạo Việt Nam nhưng lại “sạch”, an toàn vì không có dư lượng thuốc BVTV.

Không còn được “hỗ trợ”

Chuyện người Việt “sợ”, thậm chí “quay lưng” với rau trái, lúa cá, thịt sản xuất tại chỗ để chấp nhận mua nông sản ngoại nhập với giá cao hơn là chuyện không bình thường đối với quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp như Việt Nam! PGS-TS Nguyễn Tri Khiêm – Trưởng Khoa Kinh tế – Luật (Đại học Nam Cần Thơ) – chuyên gia kinh tế nông nghiệp, chia sẻ: “Bởi điều này như giọt nước làm tràn chiếc ly đầy bất trắc của thực trạng nông sản”.

Theo PGS Khiêm, lâu nay nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng như lúa, cá tra, tôm, trái cây… gần như thua trên sân khách, chỉ xâm nhập vào được các thị trường bình dân, quốc gia nghèo, hoặc các quốc gia được chính phủ tài trợ… nên giá bán đã thấp mà thị trường cũng vô cùng bấp bênh. Trong khi đó, gần như “vắng bóng” với các thị trường các quốc gia tiên tiến, có khả năng mua lượng hàng lớn với giá cao. Có nhiều nguyên nhân, như doanh nghiệp trung nước cạnh tranh không lành mạnh, tự hạ giá bán dưới giá thành… nhưng có một nguyên nhân hết sức quan trọng là do bị “vướng” hàng rào an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Trước xu thế hội nhập và mở cửa đang diễn ra với tốc độ vũ bão hiện nay, tới đây, nếu không có biện pháp cải thiện thực chất và quyết tâm, nông sản Việt sẽ thua ngay trên “sân nhà”, TS Trần Minh Hải (Khoa Kinh tế – Quản trị kinh doanh, Đại học An Giang) chia sẻ.

Theo TS Hải, lâu nay, trên thị trường nội địa, nông sản Việt Nam gần như độc chiếm thị trường nội địa là nhờ có hệ thống quy phạm pháp luật “hỗ trợ”. Tuy nhiên, từ sau khi gia nhập WTO và tới đây sẽ là TPP, Việt Nam sẽ dần mất lợi thế này. Bởi lẽ, bên cạnh việc được nhiều quốc gia “mở cửa” đón nhận nông sản Việt Nam, thì ngược lại, chúng ta cũng mở cửa để tiếp nhận nông sản của bạn.

“Tất nhiên, khi có sự cạnh tranh, thì đối tượng hưởng lợi trực tiếp chính là người tiêu dùng, nhưng với quốc gia có đại bộ phận sống bằng nghề nông thì bài toán được – mất trong trường hợp này khá phức tạp – PGS Khiêm ưu tư – Nhưng điều đáng lo hơn là sẽ bao bao nhiêu ngành sản xuất, kinh doanh nông sản sẽ dứng bên bờ vực “thua trắng” ngay trên sân nhà và người nông dân, bao nhiêu nhà máy, doanh nghiệp trong chuỗi ngành hàng này sẽ bị dồn đẩy vào vòng xoáy của nạn “thất nghiệp hóa”, nhất là ngành chăn nuôi?”.

Bắt đầu từ “quản lý chuỗi”…

“Mới đây, khi nghiên cứu đề tài về gạo an toàn cho An Giang, chúng tôi phát hiện, đại đa số người tiêu dùng đang có nhu cầu tiếp cận nông sản nội địa an toàn và người nông dân cũng muốn hướng tới nền sản xuất an toàn – PGS Khiêm nhấn mạnh – Tiếc là hai nhu cầu này chưa gặp nhau nên người tiêu dùng thì “thiếu”, còn nhà sản xuất thì “thừa”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không dễ để kết nối 2 nhu cầu này.

Mấy năm trước, Cty CP BVTV An Giang đầu tư nhiều tỷ đồng mở vùng rau an toàn cung cấp cho thị trường TPHCM, nhưng chỉ sau thời gian hoạt động thì “đóng cửa” vì mô hình nhiễm chứng bệnh “hiện tượng ăn theo”. Thấy rau, cải của công ty bán chạy và có giá, nhiều người “bên ngoài” nhảy vào “ăn có, ăn ké” dưới nhiều hình thức, thậm chí còn cạnh tranh thiếu lành mạnh bằng cách bán với giá rẻ hơn… nên sau đó người tiêu dùng đã “quay lưng” với… tất cả. “Trong câu chuyện này rất cần vai trò và sự can thiệp của Nhà nước thông qua việc sử dụng công cụ quản lý để can thiệp theo chuỗi giá trị, tức phải ngăn chặn bên thứ 3 để thắt chặt hơn mối quan hệ sản xuất, kinh doanh – tiêu dùng” – PGS Khiêm phân tích.

Với câu hỏi: “Bây giờ phải khẩn cấp làm gì để nông sản Việt không thua trên sân nhà khi vào TPP?”, không hẹn mà gặp, cả PGS-TS Nguyễn Hồng Sơn – Phó Giám đốc viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam,Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL; TS Đoàn Xuân Trúc – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam; TS Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) đều có chung ý kiến: Để không thua trên sân nhà khi gia nhập TPP, chúng ta cần khẳng định lại là, giá trị nông sản của chúng ta không thua kém các sản phẩm ngoại nhập. Muốn vậy, chúng ta phải thực hiện đồng bộ 2 giải pháp cả vĩ mô và vi mô.

Về mặt vĩ mô, cần ưu tiên đầu tư để phát triển những ngành không có lợi thế lâu nay như chăn nuôi, trồng trọt, phân bón… Trong đó tập trung đầu tư chất lượng công nghệ, khoa học – kỹ thuật, hỗ trợ nông dân thúc đẩy sản xuất theo quy mô lớn để giảm chi phí, giảm giá thành sản xuất.

Về chính sách vi mô, cần tăng chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, cho vùng sản phẩm, xa hơn là thương hiệu quốc gia. Trong đó, cần chú trọng xây dựng, đăng ký, xác nhận cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học, cơ sở thực hành chăn nuôi tốt VietGAP, áp dụng quản lý chất lượng ISO, xây dựng thương hiệu sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm – đây là những vấn đề mang yếu tố sống còn.

Điểm yếu của chúng ta là lâu nay chỉ mới tập trung đầu tư cho thị trường xuất khẩu nông sản, mà “bỏ trống” một thị trường rất rộng lớn và tiềm năng, là gần 90 triệu dân Việt Nam cần ăn, uống, hít thở hàng ngày. Chỉ một số ít người Việt Nam có điều kiện kinh tế để ăn hàng nhập khẩu, còn lại phần lớn đều sử dụng hàng trong nước. Muốn người Việt yên tâm dùng hàng Việt, chúng ta phải để họ yên tâm về chất lượng sản phẩm. Muốn vậy, cần xây dựng chuỗi nông sản giá trị khép kín từ trồng trọt – chế biến – phân phối, giảm – thậm chí cắt bỏ khâu trung gian, để giảm giá thành sản phẩm, đồng thời tạo được những thương hiệu nông sản an toàn, có thương hiệu, được người tiêu dùng tin tưởng. Khi các chuỗi liên kết được hình thành sẽ thuận lợi trong xây dựng nhãn hiệu, tăng cường quảng bá thông tin tuyên truyền về sản phẩm, giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm, và làm tăng sức cạnh tranh.

“Nếu xây dựng được chuỗi nông sản giá trị và nhân rộng trong cả nước, thì chắc chắn sẽ không còn “đất sống” cho trò làm ăn không đứng đắn” – cả PGS-TS Nguyễn Hồng Sơn, TS Đoàn Xuân Trúc và TS Hoàng Thanh Vân cùng nhấn mạnh.