Nóng chuyện lấn rừng phòng hộ, hút cát, xây hồ nuôi tôm trái phép ở Phú Yên

Nhiều tháng qua, tại xã An Ninh Đông, huyện Tuy An diễn ra tình trạng người dân tự phát, lấn chiếm đất rừng phòng hộ, đặt máy bơm công suất lớn bơm hút cát từ cửa biển xây dựng hồ nuôi tôm cao triều. Trong khi chính quyền xã và huyện cho rằng đây là hoạt động trái phép, đã kiểm tra, xử lý, ngăn chặn.

Thế nhưng theo ghi nhận của phóng viên NDĐT thì mọi việc đang diễn ra ngược lại. Các hoạt động nuôi tôm trái phép tại khu vực này vẫn tấp nập, công khai. Nhiều hộ đầu tư tiền tỷ xây dựng hồ nuôi kiên cố, thành những trang trại rộng lớn. Các hộ nuôi tôm tự chiếm cả đất rừng phòng hộ xây nhà ở, kho chứa vật liệu và rào chắn kiên cố trong khu vực đất rừng phi lao phòng hộ ven biển một cách ngang nhiên.

Sang nhượng đất trái phép để nuôi tôm cao triều

Theo tuyến trục dọc ven biển từ TP Tuy Hòa đi An Ninh Đông, nơi có thắng cảnh quốc gia Gành Đá Đĩa nổi tiếng, khi qua khỏi cầu An Hải nhìn về phía tay phải ai cũng dễ dàng nhìn thấy một khu nuôi tôm cao triều rất quy mô. Những dãy cống lớn được đúc nổi thành bờ bao để giữ cát được hút từ cửa biển lên trông như một bờ đê chắn sóng vững chắc. Chung quanh còn được rào chắn trụ bê-tông, lưới B40 rất chắc chắn, bao lấy cả một khu rừng dương phòng hộ do xã quản lý. Trang trại này với một lối ra vào duy nhất được đóng mở bởi hai cánh cửa cổng bằng sắt kiên cố. Bên trong khu vực này là hai dãy nhà xây dựng rộng rãi cho công nhân ở và chứa vật liệu nuôi tôm.

Khi thấy sự xuất hiện của chúng tôi, hàng chục lao động đưa ánh mắt dò xét. Một thanh niên áo xanh trông bặm trợn, hất hàm hỏi, ông ở đâu mà ngang nhiên mang máy móc vào đây làm gì? Nhắm tình thế khó xử, tôi đành sắm vai đi nhầm đường sang hồ tôm người quen bên cạnh. Kịp nhìn qua, tại đây có khoảng 10 hồ nuôi tôm cao triều (mỗi hồ rộng khoảng 1.000 m2) đã xây dựng hoàn chỉnh.

Tiếp tục di chuyển theo hướng đông rồi rẽ vào những con đường mòn chạy giữa rừng dương đang xanh tốt chừng vài trăm mét là hàng loạt những hồ nuôi tôm cao triều với quy mô tương tự như vậy. Tất cả đang trong giai đoạn xây dựng khẩn trương, thậm chí nhiều hộ lén đặt máy hút cát ban đêm để tránh lực lượng chức năng phát hiện. Họ huy động cả xe ủi, xe múc, xe bò thô sơ kéo cát xây hồ tôm cao triều, các hoạt động diễn ra hết sức rầm rộ. Nhiều cống xả nước thải bằng bê-tông vừa được xây dựng xả trực tiếp ra môi cửa sông Lễ Thịnh một cách rất tùy tiện. Theo quan sát của chúng tôi từ máy quay plycam trên cao, toàn bộ khu vực từ cửa biển An Hải đến cửa Lễ Thịnh, thôn 7, xã An Ninh Đông đã hàng chục hộ, với hàng trăm hồ nuôi tôm (mỗi hộ xây từ 8-10 hồ) rộng hàng chục ha.

Các chủ hồ rào vây cả khu rừng phòng hộ để làm hồ, xây lán trại nuôi tôm trái phép nhưng chưa được xử lý.

Một người dân địa phương (xin được giấu tên) dẫn chúng tôi đi vào các khu nuôi tôm này cho biết: Khu vực này trước đây huyện Tuy An có cấp phép cho người dân địa phương nuôi tôm kiểu hồ kín (hồ chìm), nhưng đến năm 2015 đã thông báo chấm dứt. Theo chủ trương của tỉnh, khu vực này sẽ quy hoạch lại với mục đích cho những dự án du lịch. Lợi dụng trong thời gian chờ quy hoạch, nhiều hộ dân trước đây đã được giao quyền sử dụng đất đã hết thời hạn sử dụng, thay vì trả lại đất được giao họ đã sang nhượng trái phép lại cho người từ địa phương khác (chủ yếu ở TP Tuy Hòa) đến đầu tư làm hồ để nuôi tôm cao triều. Một chủ hồ xác nhận, họ bắt đầu làm từ vài tháng nay và chuẩn bị thả nuôi vụ tôm cao triều đầu tiên…

Khi phóng viên xuất hiện tại một hồ nuôi tôm, bắt gặp ông Thái Sơn người ở xã An Ninh Đông đang điều khiển máy hút cát từ lòng sông lên, lập tức ông cho dừng chạy máy và khẳng định, việc nuôi tôm ở đây là được cấp phép. Khi được hỏi ai cho xây dựng nhà cửa trong khu vực rừng phòng hộ này, thì ông bảo: “Chú mới xuống chú không biết”.

Cần làm rõ trách nhiệm

Điều hết sức ngạc nhiên là việc bơm hút cát, lấn cả rừng phòng hộ diễn ra rầm rộ, công khai, kéo dài từ nửa năm nay trên cả một khu vực rộng lớn như vậy, nhưng chính quyền địa phương huyện Tuy An và xã An Ninh Đông chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để. Đến thời điểm hiện tại, tình trạng này vẫn diễn ra bình thường.

Sau nhiều lần đi thực tế tại xã An Ninh Đông, chúng tôi có buổi làm việc với UBND huyện Tuy An. Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An khẳng định, việc bơm hút cát, làm hồ nuôi tôm cao triều đã chấm dứt từ tháng 6-2018! Còn ông Nguyễn Kim Thanh, Chủ tịch UBND xã An Ninh Đông cũng cho rằng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của huyện chúng tôi kiểm tra thường xuyên, khi phát hiện vi phạm thì xử lý ngăn chặn kịp thời. Xã đã tiến hành kiểm tra, phát hiện, thu giữ một số máy hút cát và phạt mỗi hộ bốn triệu đồng, các hộ này đã tiến hành nộp phạt.

Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An cũng xác nhận, các hoạt động mua bán đất, bơm hút cát, lấn rừng phòng hộ này là hoàn toàn trái phép. Nhưng chính quyền địa phương hai xã An Ninh Đông, An Hải xử lý không được. Do vậy, huyện tổ chức kiểm tra và chỉ đạo mỗi xã thành lập một tổ công tác để tăng cường kiểm tra, ngăn chặn. Đã có trường hợp địa phương phối hợp Phòng Cảnh sát Tài nguyên và Môi trường Công an tỉnh Phú Yên xử phạt 35 triệu đồng đối với một hộ vi phạm việc hút cát trái phép để làm hồ cao triều nuôi tôm tại xã An Ninh Đông.

Người nuôi tôm ngang nhiên đặt máy bơm hút cát, xây dựng công trình cải tạo hồ nuôi tôm cao triều một cách công khai, trong khi chính quyền khẳng định đã kiểm tra ngăn chặn.

Chúng tôi xin trích nguyên văn một đoạn báo cáo của UBND huyện Tuy An cung cấp: “Theo số liệu báo cáo của huyện, tổng số hồ tôm dọc khu vực sông Lễ Thịnh thuộc địa bàn xã An Ninh Đông quản lý là 26 hồ (theo cột mốc hành chính từ hồ Ông Đáng về hướng bắc). Trong đó, hai hồ cao triều và 24 hồ chìm. Vào tháng 3-2017 UBND xã An Ninh Đông phối hợp Cảnh sát môi trường tỉnh xử lý một trường hợp của ông Nguyễn Tiến Sinh, đã tự ý có hành vi khai thác khoáng sản (cát) để làm hồ cao triều, ông Sinh đã chấp hành nộp phạt. Vào ngày 3-7-2018 UBND xã đã phát hiện ông Huỳnh Xuân Bảo tự ý có hành vi khai thác khoáng sản (cát) để làm hồ cao triều. UBND xã đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Cùng trong thời gian đó, UBND xã đã phối hợp Đồn công an Đông Tuy An đến từng hồ tôm, vận động các hộ nuôi tôm ký cam kết không khai thác khoáng sản (cát) để làm hồ cao triều và các hộ này đã ký cam kết. Đến cuối tháng 7-2018 UBND xã An Ninh Đông phối hợp Cảnh sát môi trường tỉnh xử lý ông Huỳnh Xuân Bảo đã tự ý có hành vi khai thác khoáng sản (cát) để làm hồ cao triều và ông Bảo đã chấp hành nộp phạt theo quy định của pháp luật. Từ thời điểm đầu tháng 8-2018 đến nay, UBND xã phân công Tổ công tác thường xuyên kiểm tra, nhưng không có trường hợp nào khai thác khoáng sản (cát) để làm hồ cao triều…”.

Từ thực tế đang diễn ra, so với báo cáo của huyện Tuy An cung cấp cho chúng tôi có thể khẳng định là hoàn toàn trái ngược. Huyện cho rằng, tình trạng hút cát đã được chấm dứt, nhưng chúng tôi đã trực tiếp đi quay cả cảnh người dân lén lút hút cát ban ngày lẫn đêm để khẳng định điều này.

Theo số liệu báo cáo mới nhất từ Phòng TNMT huyện Tuy An trong ngày hôm nay (16-10), riêng khu vực sông Lễ Thịnh, xã An Ninh Đông có 54 hồ nuôi tôm trái phép; trong đó, có 11 hộ nuôi tôm cao triều với 11 hồ nổi, 43 hồ chìm. Nhưng theo ước tính của chúng tôi, hiện nay chỉ tính riêng khu vực ven sông Lễ Thịnh, con số này phải gấp đôi. “Con số này là báo cáo mới nhất do xã An Ninh Đông báo cáo ngày 8-10” – ông Hoàng Ngọc Mùi, Trưởng phòng TNMT huyện Tuy An nói.

Như vậy, có thể nói việc kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn các hành vi hoạt động nuôi tôm cao triều trái phép tại khu vực thuộc xã An Ninh Đông, huyện Tuy An làm rất hời hợt, thiếu kiên quyết. Do vậy, tình trạng trên vẫn tiếp diễn ngày đêm. Cả một đoạn sông Lễ Thịnh dài mấy cây số vốn rất đẹp đã bị biến dạng bởi nạn bơm hút cát và các thiết bị cơ giới cày xới làm hồ tôm cao triều, làm ảnh hưởng dòng chảy. Môi trường ở đây sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng khi hệ thống xả thải từ các hồ nuôi xây dựng tự phát đưa thẳng nước thải nuôi tôm công nghiệp ra sông Lễ Thịnh, mà nơi đây chính là điểm tiếp giáp giữa cửa biển và môi trường sống của hàng chục loài thủy sản sinh sống tự nhiên trong Đầm Ô Loan đang cần được bảo vệ.

Lãnh đạo UBND huyện Tuy An cũng cho biết, sắp tới sẽ tiến hành cưỡng chế ít nhất ba hộ lấn chiếm đất rừng phòng hộ để nuôi tôm. Gồm hộ ông Vũ Ngọc Khoa, ở thôn Phú Tân, xã An Cư; ông Đặng Văn Đệ ở thôn Phú Sơn, xã An Ninh Đông và hộ bà Nguyễn Thị Thùy Trang thường trú ở thôn Phú Hội, xã An Ninh Đông. Những hộ này đã có hành vi san ủi, lấn chiếm đất rừng phòng hộ; tự ý lấn chiếm, san ủi đất bãi bồi ven Đầm Ô Loan do xã An Ninh Đông quản lý để làm hồ nuôi tôm trái phép. Những hộ còn lại sẽ yêu cầu dừng thả và tháo dỡ hiện trường trả lại mặt bằng. Nếu không chấp hành sẽ cắt điện và có biện pháp mạnh?!

Đề nghị UBDN tỉnh Phú Yên kiểm tra, chỉ đạo xử kịp thời những vi phạm của việc nuôi tôm trái phép nêu trên; đồng thời, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể các cấp chính quyền địa phương huyện Tuy An trong việc chậm xử lý, ngăn chặn tình trạng này.

Chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập trong các bài viết tiếp theo.