Mổ xẻ nguyên nhân gây ngập lụt nặng ở Chương Mỹ – Hà Nội

Nguyên nhân gây ra trận ngập lụt nặng tại huyện Chương Mỹ – Hà Nội đã được ông Đồng Văn Tự, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT làm rõ tại buổi tọa đàm “Tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 6/9.

Không có chuyện thủy điện xả lũ gây lụt

– Thưa ông, tình trạng lũ lụt trong đợt mưa lớn vừa qua và trước đó ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) có phải do tác động của các thủy điện gây ra không? 

Ông Đồng Văn Tự, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT: Về câu hỏi ảnh hưởng của đợt lũ lụt ở Chương Mỹ (Hà Nội) vừa rồi nguyên nhân có phải do xả lũ thủy điện hay không, tôi khẳng định là không.

Thứ nhất, trên lưu vực của sông Bùi (sông Bùi là sông vừa qua trọng tâm của vùng ngập lụt) và nếu tính cả sông Tích thì lưu vực khoảng 1209 km2. Riêng lưu vực sông Bùi khoảng 400 km2. Trong lưu vực này không có hồ chứa thủy điện nào.

Thứ hai là dưới hạ du, tôi muốn nói đến vấn đề thoát lũ. Thủy điện Hòa Bình trên dòng sông Đà và sau đó chảy về sông Hồng ra biển. Việc xả lũ ở thủy điện Hoà Bình không ảnh hưởng gì đến hạ du của sông Đáy, vì nối sông Bùi cuối cùng là sông Đáy. Vì vậy, khẳng định lũ lụt ở Chương Mỹ không do tác động của thủy điện.

Mặt khác, tôi cũng nói thêm, nguyên nhân gây ra lũ ở Chương Mỹ (Hà Nội) trong đợt tháng 7 vừa qua có 2 trận mưa liên tiếp, tổng số gần 1.200 ml. Đợt đầu chưa kịp thoát hết thì đợt sau lại có trận mưa lớn. Địa hình ở vùng này ngắn và dốc, nên lũ tập trung nhanh, chưa thoát kịp đã có trận lũ nữa, lũ chồng lũ.

Đê sông Bùi, phía đê tả được khép kín, đê cấp 4 khoảng 20 cây số. Tuy nhiên chưa đảm bảo mặt cắt chống lũ theo yêu cầu do vậy vừa qua thành phố Hà Nội cùng nhân dân Chương Mỹ tập trung rất lớn để hộ đê chống lũ. Phía đê hữu trước đây là vùng phân lũ, vừa qua được nâng cấp nhưng chưa khép kín nên lũ tràn vào những vùng chưa khép kín. Phía hạ du cũng có ảnh hưởng mưa lớn nên thoát lũ bị chậm lại.

Ông Đồng Văn Tự, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT

– Trong thời gian qua, các hồ thủy điện có vai trò thế nào trong việc cắt lũ, giảm lũ cho hạ du, thưa ông?

Đối với những hồ chứa được thiết kế có nhiệm vụ cắt giảm lũ mới cắt giảm lũ được. Ví dụ trên lưu vực các bậc thang thủy điện sông Đà, Sơn La, Hòa Bình chúng ta có thiết kế nhiệm vụ cắt lũ là chính, cắt khoảng được 7 tỉ m3. Từ lũ sớm đến lũ trung vụ của chúng ta hạ, như Sơn La hạ từ 217 xuống 197, hạ hơn chục mét nước.

Chúng ta tạo ra dung tích đón lũ cộng với dung tích phòng lũ theo thiết kế để khi có lũ lớn như anh Thực vừa nói, chúng ta giữ lượng nước trong hồ và xả về hạ du một ít. Như Tuyên Quang dung tích phòng lũ lên tạo ra khoảng 1 tỉ m3.

Vừa qua các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên các lưu vực sông theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong quy trình liên hồ, đối với các hồ chứa này lúc đầu không có thiết kế về cắt giảm lũ nên trong quy định có đưa ra mực nước trước lũ và đón lũ tạo ra dung tích phòng lũ và cắt được một phần. Hồ chứa nhỏ và đặc biệt là các hồ chứa không có cửa van điều tiết, tràn tự do thì không có khả năng cắt giảm lũ.

Đối với hồ chứa thủy lợi, tôi cũng nói thêm, như trên hồ Tả Trạch lưu vực sông Hương năm 2017 đã cắt lũ gần 400 triệu khối và giảm lũ cho vùng hạ du thành phố Huế trên 60 phân. Cao nhất đỉnh lũ về là 5380 m3/s, lúc đó chúng ta chỉ xả 850 m3/s và giữ lại hầu hết nước trong hồ.

Trong quy trình quy định lũ đến tương ứng 1% là 7200 m3/s thì xả 3400 m3/s, chưa đến 50% và còn lại trong hồ. Các hồ chứa thủy lợi có 160 hồ chứa có cửa van điều tiết. Trong nhóm đấy chỉ có các hồ chứa lớn có nhiệm vụ cắt giảm lũ, còn lại các hồ chứa tràn tự do không có khả năng cắt giảm lũ.

Không phải hồ thủy điện nào cũng có chức năng cắt giảm lũ

– Hiện nay, việc xả lũ ở các hồ thủy điện phải tuân thủ theo quy trình nào thưa ông?  

Ông Đồng Văn Tự, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT: Thứ nhất đối với các hồ chứa đều có một quy trình vận hành hồ chứa. Các hồ chứa nằm trong 11 lưu vực sông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy trình vận hành liên hồ chứa. Hiện nay chúng ta vừa phải tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa của hồ đó, vừa phải tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa.

Trong quy trình này quy định rất rõ từ việc quan trắc, dự báo, tính toán để xác định lưu lượng đến hồ, hỗ trợ công tác chỉ đạo vận hành liên kết. Trách nhiệm của các cơ quan đơn vị có liên quan trong việc thông báo, quyết định việc vận hành xả lũ trong tình huống bình thường, tình huống bất thường và việc phòng chống thiên tai được quy định rất rõ.

Ông Phạm Trọng Thực, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương: Tôi xin bổ sung thêm. Không phải hồ thủy điện nào cũng có chức năng là cắt giảm lũ. Chỉ những hồ nào trong thiết kế ban đầu có cắt giảm lũ, có dung tích phòng lũ hồ đó mới có chức năng cắt giảm lũ trong điều kiện lũ lụt.

Một số những hồ lớn ở ngoài Bắc và Đông Nam Bộ có chương trình như vậy. Một số hồ đập ở miền Trung do địa hình sông suối dốc, ngắn, chạy thẳng ra biển nên chủ yếu những nhà máy đó tận dụng chiều cao của nước để lấy dung tích phát điện là chính chứ không phải dung tích phòng lũ.

Trong thiết kế của các nhà máy này, đối với nhà máy không có chức năng chống lũ thì toàn bộ lũ tự nhiên được chảy qua đập tràn hoặc những van cung, tức là van cung chắn nước để giữ lại dung tích hữu ích khi phát điện, nhưng khi có lũ, lũ lại tràn qua van đó để đi xuống hạ du.

Khi có mưa lũ lớn, toàn bộ lũ tự nhiên thoát trên mặt của sông trước khi có đập thủy điện này bao nhiêu thì trả về dòng sông bấy nhiêu. Một số hồ đập ở miền Trung như một số thông tin nói rằng khi có lũ lớn, mưa lớn, thủy điện xả lũ lại làm lũ lớn hơn. Theo tôi, đó là giải thích cho bà con, mọi người biết thêm về nhà máy thủy điện.

Một số nhà máy thủy điện mới hiện nay đã giảm tạo ra lòng hồ, tạo ra hồ nước. Nhà máy sử dụng lưu lượng là chính, nghĩa là cột nước rất thấp tầm khoảng 6 – 10 mét, để khi có lũ hoặc có vấn đề gì thì toàn bộ lưu lượng của dòng sông đó chảy qua tất cả các đập tràn và thiết bị qua nhà máy. Nhà máy lúc đó hầu như không phát điện để đảm bảo như dòng sông tự nhiên.

Về quy trình vận hành, Chính phủ đã có Nghị định 22 phân chia rất rõ các chức năng. Lưu vực sông liên hồ do Chính phủ phê duyệt. Đối với hồ đập có dung tích 1 triệu m3 trở lên, 30 MW trở lên về quy mô công suất do Bộ Công Thương phê duyệt quy trình ven hồ. Những hồ đập nhỏ hơn 1 triệu và 30 MW thì do các Sở Công thương thực hiện.

Trong quá trình điều hành xả lũ hoặc điều tiết về lũ, các vấn đề liên quan đến đập thủy điện trong mùa lũ thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh quyết định việc đóng hay mở, xả bao nhiêu, lưu lượng như thế nào. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định điều chỉnh liên hồ như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu. Với những quy trình tương đối chặt chẽ như vậy, trong quá trình làm việc và thông tin, hợp tác giữa các Bộ như Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển và các chủ hồ thì tôi tin việc xả lũ của chúng ta ngày càng hoàn thiện hơn và thực hiện tốt được mục tiêu các nhà máy thủy điện đặt ra.