Mở đường chọc vào lõi di sản Cát Tiên: Tác động không lường hết được!

ThienNhien.Net – Những người từng gắn bó với Vườn Quốc gia Cát Tiên cho rằng việc mở đường để tuần tra bảo vệ rừng là rất nguy hiểm.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Thế Liên – Vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết tuyến đường 18,2 km dự kiến đi qua 7 km trảng cây bụi – thứ sinh, 3 km rừng tre nứa có cây gỗ rải rác, 1 km rừng trung bình… và chỉ 0,9 km đi qua khu vực rừng giàu.

Đánh đổi cần thiết (!?)

Theo ông Liên, nhìn chung, giá trị đa dạng sinh học khu vực dự án đi qua không cao, cũng không mang giá trị đặc trưng của Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên. Nói đến VQG Cát Tiên phải nói đến rừng thường xanh núi thấp mới là rừng tự nhiên, đa dạng sinh học cao. Còn rừng hỗn giao tre nứa lồ ô là rừng thứ sinh, không có gỗ, đã bị khai thác và phục hồi phát triển nhanh nên cần phải phát đốt, cải tạo mới có thức ăn cho động vật. Động vật đặc trưng của VQG Cát Tiên là thú móng vuốt và chúng kiếm ăn ở khu vực khác, còn khu vực thực hiện dự án tuy cũng là nơi trú ngụ của động vật nhưng không nhiều. “Vì vậy, nếu làm đường qua khu vực như thế này để bảo vệ những cánh rừng nhiều gỗ quý, giàu đa dạng sinh học ở VQG Cát Tiên là đánh đổi cần thiết” – ông Liên khẳng định.

Khu vực con đường đi qua là nơi kiếm ăn của các loài động vật (Ảnh: Tăng A Pẩu)
Khu vực con đường đi qua là nơi kiếm ăn của các loài động vật (Ảnh: Tăng A Pẩu)

Đường đến đâu, rừng mất đến đấy!

Tuy nhiên, ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, không đồng tình với nhận định này. “Ông Liên làm bảo tồn mà nói thế là trật rồi! Đã gọi là rừng đặc dụng thì rừng nào cũng có giá trị riêng của nó, tầm quan trọng như nhau. Nói không có gỗ thì giá trị không cao hóa ra mấy cây sú vẹt trong các khu rừng ngập mặn không có giá trị gì cả à?”. Theo ông Mùi, thực tế cho thấy cứ đường làm đến đâu là rừng mất đến đấy; đường là con dao hai lưỡi, bí bách lắm mới phải mở nhưng cũng chỉ nên là đường đất và thật nhỏ. Tuy nhiên, 12 năm làm Giám đốc VQG Cát Tiên, ông Mùi chưa bao giờ nghĩ phải làm đường giao thông trong rừng. “Đường càng khó đi thì mới giữ rừng tốt được. Nhưng giờ thì sướng rồi, đường rộng đến 6 m! Không có đường thì lâm tặc vận chuyển gỗ khó khăn hơn nên trộm được ít hơn. Còn có đường thì dễ dàng đưa các phương tiện vận chuyển, móc nối với nhau để vận chuyển gỗ, thú rừng , số lượng ăn cắp lớn hơn!” – ông Mùi chỉ ra nguy cơ.

Một người khác cũng từng gắn bó khá lâu và hiểu địa hình của VQG Cát Tiên là ông Nguyễn Hoàng Hảo, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai. Theo ông Hảo, không cần phân biệt kiểu rừng gì, cứ nói đến rừng trong vùng lõi mà lại ven sông thì biết giá trị đa dạng sinh học cao rồi. “Làm một dự án trong rừng đặc dụng có rất nhiều tác động không lường hết được, không chỉ trong phạm vi 11 ha đó đâu. Bộ NN-PTNT cứ duyệt nhưng để mất rừng, xảy ra các vụ xâm phạm rừng thì chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tại nơi đó phải chịu trách nhiệm đầu tiên, cuối cùng mới đến bộ. Còn nói làm đường để đi tuần, bảo vệ rừng tốt hơn là vô lý vì kiểm lâm phải đi bộ thì mới phát hiện ai ẩn nấp trong đó, chứ ngồi trên ô tô làm sao biết trong rừng có gì?” – ông Hảo đặt vấn đề.

Phá thì dễ, giữ mới khó

Theo ông Võ Văn Một, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cần hết sức thận trọng với dự án này vì nguyên tắc là rừng tự nhiên thì phải giữ chứ không nên phá, rừng đặc dụng thì không xây công trình vì có ai lường hết được tác hại sẽ xảy ra. “Mới đây, lãnh đạo VQG Cát Tiên có liên lạc với tôi giải thích rằng làm con đường này để tuần tra, giữ rừng. Ý tưởng thì tốt nhưng nếu thực hiện không khéo sẽ từ giữ rừng thành phá rừng. Cả khu vực miền Đông chỉ Mã Đà trải qua Đắc Lua là còn rừng tự nhiên liền mạch, phải giữ nguyên vẹn, không nên đụng vào. Tỉnh Đồng Nai đã rất kiên quyết trong việc đấu tranh loại bỏ 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A làm ảnh hưởng đến VQG Cát Tiên. Do vậy, tôi mong rằng các lãnh đạo đương nhiệm cũng sẽ xem xét thật kỹ, đánh giá được – mất đối với dự án này để đưa ra biện pháp bảo vệ rừng tốt nhất” – ông Một mong mỏi. Cũng theo ông Một, không nên mang tư tưởng đường dân sinh vào rừng vì hoạt động của cơ giới sẽ rất ảnh hưởng đến rừng, đường rừng để tuần tra bảo vệ khác hoàn toàn với đường dân sinh. “Ở góc độ cá nhân, tôi không ủng hộ dự án này!” – ông Một khẳng định.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-12

Nơi kiếm ăn của các loài động vật

Nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu là người “ngoài cuộc” nhưng gắn bó đặc biệt với VQG Cát Tiên vì rất nhiều hình ảnh làm nên tên tuổi của ông được chụp ở đây. Ông Pẩu cho biết rừng Đà Cộ là nơi giàu giá trị sinh học ở VQG Cát Tiên và khu vực dự kiến thực hiện dự án, ông đã qua rất nhiều lần. Đó là nơi kiếm ăn của khá nhiều động vật, kể cả các loài lớn và quý hiếm như nai, hoẵng, bò tót… “Tôi không biết sau khi làm đường nhựa, có con vật nào đủ can đảm băng qua đường để ra sông uống nước không? Chúng tôi chụp hình cũng phải đứng từ xa và ngụy trang bằng cây lá để tránh kinh động thú rừng. Thật không thể hình dung được một con đường với xe cộ phóng vù vù giữa rừng thì các con vật sẽ kinh động đến đâu?” – ông Pẩu lo lắng.