Mưa kéo dài đe dọa hồ chứa nước

Sáng 5/8, thủy điện Hòa Bình, Sơn La xả lũ, mỗi nhà máy mở 1 cửa xả đáy. Trước đó 1 ngày, 4/8, Công ty Thủy điện Tuyên Quang cũng đã mở 1 cửa xả đáy hồ, do mực nước ở hồ này đạt cao trình 107,42 m – vượt quá 2,22 m so với mức cho phép.

Người dân thôn Nam Hải (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) làm vệ sinh trong thôn, ngay sau khi lũ bắt đầu rút.

Lượng mưa vượt mức trung bình nhiều năm

Mưa lớn kéo dài những ngày qua tại phía Bắc đã khiến lưu lượng nước đến hồ Lai Châu, Sơn La tiếp tục tăng nhanh. Đến 19h ngày 4/8, lưu lượng nước đến hồ Lai Châu ở mức 5.200 m3/s, hồ Sơn La có  ở mức 10.500 m3/s.

Trong những ngày từ 1 đến 5/8, khu vực miền núi phía Bắc có mưa vừa đến mưa to, phổ biến từ 100-150 mm. Một số trạm có lượng mưa lớn là Vàng Pó (Lai Châu): 191 mm, Nậm Giàng (Lai Châu): 209 mm, Mường Lay (Điện Biên): 184 mm, Bắc Quang (Hà Giang): 153 mm. Trong 2 ngày 5 và 6/8, trên sông Đà, sông Thao sẽ xuất một đợt lũ với biên độ từ 2-4 m.

Chính do mưa lớn, kéo dài đã gây áp lực lên các hồ chứa thủy điện, đặc biệt là với Sơn La và Hòa Bình. Việc mở thêm cửa xả đáy nhằm giảm áp lực nước đồng thời chuẩn bị đón nước mới dồn về là cần thiết. Tuy nhiên điều đó cũng sẽ ảnh hưởng tới những khu vực lân cận và hạ du. Thông tin từ cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, mưa vẫn tiếp tục, nước các dòng sông tiếp tục lên, đặc biệt rõ với sông Hồng và sông Chảy.

Theo ông Hoàng Phúc Lâm- Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia), trong những ngày tới các tỉnh Bắc Bộ vẫn có mưa vừa đến mưa to trên diện rộng, tập trung ở khu vực vùng núi, trung du.

Về nguyên nhân, tháng 7, khu vực Biển Đông đón 1 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới. Bão số 3 đổ bộ vào khu vực các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Từ giữa tháng 7, vịnh Bắc Bộ xuất hiện 2 áp thấp nhiệt đới, ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Dải hội tụ nhiệt đới có trục theo hướng Tây Bắc – Đông Nam đi qua khu vực Bắc Bộ liên tục duy trì, gây ra mưa lớn kéo dài cho khu vực này.

Khu vực này chỉ trong 1 tháng có tới 20-25 ngày mưa. Lượng mưa ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đều vượt trung bình nhiều năm. Đặc biệt, tại Hòa Bình và nhiều nơi thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, lượng mưa cao hơn 300-400% so với trung bình nhiều năm.

Vẫn theo ông Lâm, các tỉnh Bắc Bộ vẫn tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, tập trung chủ yếu vào thời điểm chiều tối, đêm và sáng, trong ngày vẫn có những khoảng tạnh ráo, nhất là từ ngày 6 đến 8/8. Sau đó, mưa tạm thời giảm dần tại Bắc Bộ nhưng lại lan rộng ra Trung Bộ. Khu vực này sẽ giảm nhiệt, nắng nóng kết thúc trong khoảng ngày 6 đến ngày 8/8.

Nhìn chung, lượng mưa trong tháng 8 ở khu vực Bắc Bộ phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 15-30%. Như vậy, những trận mưa lớn  của năm nay có khả năng tập trung trong tháng 8. Còn từ tháng 9 đến tháng 11, lượng mưa ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 15-30%. Thời điểm kết thúc mùa mưa có khả năng sẽ đến sớm, trước khi hết tháng 10.

Chương Mỹ, Quốc Oai (Hà Nội), nước rút chậm

Về nguyên nhân gây ngập lụt kéo dài tại ngoại thành Hà Nội, nhất là huyện Chương Mỹ, Quốc Oai- theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 17 đến ngày 31-7, trên lưu vực sông Bùi chảy từ Lương Sơn (Hòa Bình) về Chương Mỹ (Hà Nội) có mưa lớn, được chia thành 2 đợt và lượng mưa mỗi đợt khoảng 300-400 mm.

Mực nước thượng lưu sông Bùi tại trạm Lâm Sơn (Hòa Bình) và tại Yên Duyệt (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) vượt báo động 3 (mức nguy hiểm nhất). Sông Bùi bắt nguồn từ xã Lâm Sơn (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình), chảy qua Hà Nội và cùng với sông Tích hợp lưu vào sông Đáy tại xã Phúc Lâm, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Việc tiêu thoát nước trên sông Bùi phụ thuộc vào khả năng thoát nước ở cửa sông Đáy. Tuy nhiên, mực nước ở hạ lưu sông Đáy cũng ở mức báo động 3 nên khả năng thoát nước chậm, cho dù hệ thống bơm tiêu úng vùng trũng hạ lưu sông Bùi đã hoạt động tối đa nhưng không hiệu quả khi mực nước sông ở mức khá cao.

Như vậy, thông tin cho rằng ngoại thành Hà Nội bị ngập sâu, kéo dài do Nhà máy Thủy điện Hòa Bình xả lũ là không chính xác.

Tới ngày 5/8, tại một số xã thuộc huyện Chương Mỹ, nước đã rút gần 1m. Tuy nhiên, tình trạng ngập lụt vẫn được dự báo là còn kéo dài trong những ngày tới do nước sông Bùi, sông Tích, sông Đáy vẫn rất cao; tuy rằng mức độ ngập lụt được dự báo sẽ không trầm trọng như 15 ngày qua.

Thông tin từ Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, ngày 5/8, hàng ngàn hồ chứa thủy lợi cả nước đang tích đầy nước sau những trận mưa kéo dài. Cụ thể: Khu vực Bắc Bộ: 80/286 hồ chứa lớn và 957/2.699 hồ chứa nhỏ tích đầy nước. Tại khu vực Bắc Trung Bộ: 22/132 hồ chứa lớn và 988/1.788 hồ chứa nhỏ tích đầy nước. Tại khu vực Tây Nguyên: 1/124 hồ chứa lớn và 530/1.006 hồ chứa nhỏ tích đầy nước.