Kè đê biển Gành Hào và Nhà Mát ở Bạc Liêu tiếp tục bị sạt lở

ThienNhien.Net – Trong khi các điểm sạt lở trước chưa được khắc phục, thì từ cuối tháng 2 đến nay tuyến kè đê biển Gành Hào và Nhà Mát, tỉnh Bạc Liêu lại tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng, trong đó kè Gành Hào đang đứng trước nguy cơ bị vỡ rất cao.

Có mặt tại tuyến kè đê biển Gành Hào vào thời điểm triều dâng trong những ngày đầu tháng 3, phóng viên đã chứng kiến những cột sóng cao hàng chục mét liên tục va đập vào thân, đê kè, tạo ra những vết nứt, hố sụp lún sâu đang ngày một phá vỡ tuyến kè này.

Hiện tuyến kè này đã bị sóng biển đánh gẫy thân, trơ khung một đoạn dài gần 100m, nguy cơ vỡ kè xảy ra bất cứ lúc nào, khiến hàng nghìn hộ dân sinh sống trong đê lo lắng.

Bà Lê Thị Két, 75 tuổi có nhà nằm cách tuyến kè khoảng 15m cho biết, bà đã sống ở đây hơn 30 năm nhưng chưa bao giờ thấy sóng biển hung hãn như năm nay. Có những cơn sóng đánh ập đến cửa nhà, nước tràn làm ngập nhà đến 50 cm. Theo bà Két, mỗi khi nước biển dâng, sóng to, gió lớn cả gia đình bà thức trắng đêm vì lo sợ nhà sập.

Còn theo ông Trần Văn Ngoan, trú tại ấp I, thị trấn Gành Hào, hàng năm vào mùa gió Chướng, bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, người dân ở đây phải chịu cảnh ngập úng, sóng biển uy hiếp. Mặc dù người dân muốn di dời đi nơi khác sống nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên người dân vẫn phải ở lại.

Ông Nguyễn Việt Khái, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải cho biết, do ảnh hưởng của tình trạng sạt lở đê kè, triều cường dâng đã gây ngập úng, ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 850 hộ dân ở khu vực ấp I – đây là khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất của thị trấn Gành Hào.

Mặc dù địa phương đã tuyên truyền, khuyến cáo nhưng đa phần người dân ở đây nhà cửa còn tạm bợ, đời sống khó khăn, nhiều hộ cũng còn chủ quan trong phòng chống thiên tai.

Sóng biển uy hiếp, nguy cơ vỡ kè đê biển Gành Hào rất cao. (Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN)

Theo ông Phan Hùng Việt, Bí thư Huyện ủy Đông Hải, tuyến đê kè Gành Hào có vai trò quan trọng trong việc ngăn triều cường, sóng biển, bảo vệ cuộc sống, sản xuất của hàng nghìn hộ dân. Đây là tuyến đê kè xung yếu nên việc bảo vệ tuyến đê kè đang được địa phương đặc biệt quan tâm.

Trước tình hình trên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung đã nhiều lần trực tiếp đến kiểm tra, chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp khắc phục trước mắt cũng như lâu dài nhằm bảo vệ an toàn 2 tuyến đê kè Gành Hào và Nhà Mát.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã thống nhất chọn phương án sử dụng cấu kiện Tetrapod cản, phá sóng gần bờ và thiết kế khắc phục đoạn sạt lở G1 kè Gành Hào do Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam tư vấn.

Để việc thi công kịp thời, hiệu quả, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu đề nghị đơn vị tư vấn kỹ thuật tiếp tục nghiên cứu chi tiết hơn, cụ thể hơn, chính xác hơn các thông số đặc thù của khu vực thi công kè Gành Hào như độ lún, độ trượt, dòng chảy và khả năng chịu lực của toàn bộ hệ thống kè hiện nay.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu cũng đề nghị ngành chức năng, đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu, xây dựng phương án khắc phục sạt lở kè Nhà Mát để triển khai nhanh việc gia cố đoạn kè bị vỡ mái và bảo vệ kè.

Về giải pháp lâu dài, tỉnh sẽ thực hiện giải pháp phá sóng xa bờ, ưu tiên việc gây bồi tạo bãi, trồng rừng bảo vệ kè.

Theo ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu, từ cuối tháng 1 đến nay, kè đê biển Gành Hào và Nhà Mát liên tục bị sạt lở, trong đó kè Nhà Mát đã vỡ một đoạn khoảng 24m, còn kè đê biển Gành Hào đang đứng trước nguy cơ vỡ rất cao.

Kè đê biển Gành Hào (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) và kè đê biển Nhà Mát (phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu) là 2 tuyến kè xung yếu nằm ở 2 cửa biển lớn của tỉnh Bạc Liêu.

Hai tuyến kè trên được đưa vào sử dụng đã nhiều năm, hiện đã giảm tuổi thọ, yếu, lún nhiều, trong khi thiên tai ngày một khắc nghiệt, cực đoan nên các tuyến kè rất cần được đầu tư gia cố, xây dựng.

Theo tính toán ban đầu, nguồn vốn đầu tư khắc phục trước mắt cũng như lâu dài cần đến 350 tỷ đồng. Tỉnh Bạc Liêu rất cần sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, bộ, ngành Trung ương để địa phương có điều kiện thực hiện việc gia cố sớm nhằm bảo vệ cuộc sống của hàng nghìn hộ dân và bảo vệ hàng chục nghìn ha đất sản xuất trong đê.