Lỗi không chỉ ở thiên tai

Theo thống kê chưa đầy đủ, đến ngày 5/8, vụ sạt lở đất tại 2 xã Mù Sang và Vàng A Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, đã làm 6 người chết, 6 người mất tích, 3 người bị thương. Cùng thời điểm này, năm 2017; trận lũ quét kinh hoàng, quét qua thị trấn Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, đã làm 14 người chết và mất tích.

Rừng bị đốn hạ khiến thảm họa thiên tai nặng nề hơn

Trong khi các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung căng mình chống chọi với sạt lở, lũ quét, lũ ống thì tại đồng bằng sông Cửu Long, sạt lở nghiêm trọng cũng đang diễn ra, đe dọa cuộc sống của hàng vạn người dân. Thiên tai dồn dập, trái quy luật  có nguồn gốc từ biến đổi khí hậu (BĐKH). Tuy nhiên hiện tượng thời tiết cực đoan này lại có nguồn gốc sâu xa từ sự hủy hoại môi trường tự nhiên của  con người.

Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam phải đối mặt, gánh chịu hậu quả thảm khốc do BĐKH ngay từ thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21. Mọi quốc gia trên thế giới  đều có chung nhận định: Phá rừng là một trong những nguyên nhân chính của BĐKH.

Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2015: Hệ sinh thái rừng che phủ khoảng 30% diện tích đất liền (10% diện tích Trái Đất), đã bị giảm đi khoảng 40% trong vòng 300 năm qua.  Kể từ năm 1945 – đặc biệt là trong vòng 50 năm gần đây, con người đã tàn phá, làm thay đổi một cách nhanh chóng hệ sinh thái rừng tương đương với sự tàn phá, hủy diệt hệ sinh thái rừng của cả TK 18 và TK 19.

Ước tính, hàng năm có khoảng 20.000 – 30.000 km2 rừng nhiệt đới bị phá hủy để sản xuất lương thực, trồng cây nông nghiệp, công nghiệp và biến thành đồng cỏ  chăn thả gia súc. Tình trạng phá rừng để khai khoáng, làm thủy điện  cũng là nguyên nhân suy giảm nghiêm trọng diện tích, hệ sinh thái rừng ở các quốc gia đang phát triển.

Tháng 7/2018, Quỹ  Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đưa ra công bố cho thấy: Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam) từng là một trong những nơi có diện tích rừng dày đặc nhất thế giới, đã mất đi 1/3 diện tích rừng tự nhiên che phủ và dự kiến sẽ mất thêm từng đó diện tích vào năm 2030. WWF cũng đưa ra nhận định: Tiểu vùng sông Mekong mở rộng là 1 trong 11 điểm nóng về chặt phá rừng trên toàn cầu.

Trong vài thập kỷ tới, dự kiến, 80% diện tích rừng trên thế giới bị mất sẽ diễn ra tại 11 điểm nóng này. 5 quốc gia của Tiểu vùng sông Mekong mở rộng có thể đóng góp tới 17%  (tương đương 30 triệu ha) diện tích rừng bị mất trên toàn cầu vào năm 2030 nếu như không có những hành động quyết liệt ngăn chặn nạn phá rừng.

Tháng 4/2018, Bộ NNPTNT đã công bố hiện trạng diện tích rừng trên cả nước. Tính đến ngày 31/12/2017, diện tích rừng trên toàn quốc có 14.415.381 ha; trong đó, rừng tự nhiên có 10.236.415 ha; rừng trồng có 4.178.966 ha. Diện tích rừng đủ tiêu chuẩn để tính độ che phủ toàn quốc là 13.717.981 ha, độ che phủ tương ứng là 41,45%.

Theo kết quả nghiên cứu được công bố vào năm 2017 của Viện Điều tra và quy hoạch rừng: Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, khai thác quá mức lâm sản là nguyên nhân chính khiến rừng tự nhiên của Việt Nam bị suy giảm diện tích trong nhiều thập kỷ qua.

Từ năm 1975 đến năm 1995, diện tích rừng tự nhiên của cả nước đã giảm 2,8 triệu ha. Diện tích rừng tự nhiên giảm nghiêm trọng nhất là ở một số vùng như Tây Nguyên mất 440.000 ha, Đông Nam Bộ mất 308.000 ha, vùng Bắc Khu IV (cũ) mất 243.000h ha, vùng Bắc Bộ mất 242.500 ha.

Viện Điều tra và quy hoạch rừng cũng thống kê, năm 2015, tổng diện tích rừng cả nước đã tăng lên 14,06 triệu ha. Sự gia tăng diện tích rừng trồng trên cả nước khó có thể thay thế được vai trò của rừng tự nhiên đối với môi trường sống của con người- đặc biệt là ngăn chặn giảm thiểu tác động cực đoan từ BĐKH, trong đó có cả  việc ngăn chặn thảm họa  như sạt lở đất, lũ quét, lũ ống đang xảy ra hết sức nghiêm trọng ở các tỉnh vùng núi phía Bắc như Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang…

Chuyên gia và các nhà hoạt động môi trường  cũng đã đưa ra khuyến cáo về mặt trái của việc trồng rừng bằng các loại cây không đảm bảo độ che phủ, không tạo được tầng, thảm thực vật giữ nước, giữ đất, ngăn chặn sạt lở. Diện tích rừng trồng bằng các loại cây như bạch đàn, keo lá tràm hoặc cây công nghiệp như cao su, cà phê… được các địa phương báo cáo mỗi năm một tăng nhưng hết chu kỳ lại bị chặt đi để trồng mới, không đảm bảo vai trò giữ đất, giữ nước, ngăn chặn sạt lở.

Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH (Triển khai thực hiện Nghị quyết số 60/2007/NQ-CP ngày 3/12/2007 của Chính phủ) xác định đối tượng dễ bị tổn thương nhất do BĐKH là người dân sống các khu vực miền núi, ven biển khó khăn. Một trong các nội dung quan trọng  được đề cập đến trong Chương trình  mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH là giảm nhẹ tác động của BĐKH đến các hệ sinh thái, duy trì và bảo tồn các sản phẩm và dịch vụ môi trường của hệ sinh thái, đặc biệt các khu rừng đầu nguồn phòng hộ và rừng ngập mặn ven bờ; giảm thiểu được các thảm họa môi trường sau thiên tai.

Đánh giá từ cộng đồng quốc tế cho thấy, Việt Nam đã có một tầm nhìn dài hạn, những nỗ lực hợp tác trong phòng chống thiên tai, ứng phó với BĐKH toàn cầu nhưng  cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam phải đối mặt với hậu quả nặng nề của thiên tai.

Những ngày này, các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn đang tiếp tục có mưa lớn kéo dài trong khi  bản làng, nhà cửa, ruộng nương của đồng bào các dân tộc ở những vùng khó khăn chênh vênh trên sườn đồi, sườn núi hoặc bên cạnh khe suối. Hiểm họa thiên tai luôn chực chờ người dân dưới những sườn núi, sườn đồi từ lâu không còn rừng tự nhiên che chắn. Diện tích rừng ngập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như  Cần Thơ, Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp – đặc biệt là các vùng rừng U Minh Thượng (Kiên Giang), U Minh Hạ (Cà Mau) suy giảm nghiêm trọng trong nhiều thập kỷ qua dưới tác động sinh kế của con người cũng là một trong các nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng sạt lở “nuốt chửng” trong tích tắc nhà dân ven sông, ven biển.

BĐKH gây nên hiện tượng thời tiết cực đoan, trái quy luật. Tác hại đang diễn ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc, ở miền Trung và ở đồng bằng sông Cửu Long không chỉ ở thiên tai, mà còn có nguyên nhân rất lớn từ con người.