Lựa chọn vấn đề nóng bỏng nhất như khoáng sản để giám sát

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh đồng ý với ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ tài nguyên môi trường, biến đổi khí hậu, nhưng lựa chọn vấn đề bức xúc nhất, nóng bỏng nhất là vấn đề khoáng sản để giám sát.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh nhấn mạnh: Giám sát địa phương, phải gắn vào thực tiễn, tìm những vấn đề bất cập ở đó để khai thác, làm rõ nguyên nhân. Trách nhiệm của giám sát là phát hiện ra những bất cập, để thực hiện cho đúng. Nội dung giám sát chuẩn bị phải có trọng tâm, trọng điểm, không tràn lan.

Chiều 13/7, tại Hà Nội, đoàn công tác của UBTƯ MTTQ Việt Nam do Phó Chủ tịch  Bùi Thị Thanh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện chấp hành quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2017-2019.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh đặt vấn đề, xuất phát từ thực tiễn đặt ra trong quá trình khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu còn nhiều bất cập,  do đó với chức năng nhiệm vụ của mình, MTTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể xã hội sẽ tổ chức giám sát tại các địa phương trong thời gian tới.

Theo Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh, sau khi nghe báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các chuyên gia lắng nghe và lựa chọn những vấn đề mình quan tâm khi đi giám sát tại các địa phương trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Quốc Anh)

Đáng chú ý, tại buổi làm việc ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Từ năm 2014 đến nay, việc cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, nhất là khai thác khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã gắn với địa chỉ tiêu thụ trong nước, các dự án chế biến sâu khoáng sản. Tại địa phương, việc cấp phép cũng đã được rà soát, số lượng giấy phép cấp mới đã giảm về số lượng và khắc phục được tình trạng cấp phép khai thác không có quy hoạch, cấp phép khai thác khi chưa có trữ lượng khoáng sản được phê duyệt.

Công tác thu tiền hoàn trả chi phí Nhà nước đã đầu tư cho công tác điều tra địa chất, thăm dò khoáng sản và công tác tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã đạt kết quả bước đầu quan trọng; thu lại cho Nhà nước được nhiều nghìn tỷ đồng để phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Cụ thể: Công tác tổ chức xác định giá trị tiền sử dụng số liệu, thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản của Nhà nước: Số Báo cáo đã được Bộ TN và MT phê duyệt là 183 báo cáo với tổng số tiền là 2.370 tỷ đồng. Tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của tất cả các mỏ thuộc thẩm quyền cấp phép của Trung ương và địa phương đã xác định tính đến hết năm 2017 là 43.462 tỷ đồng. Theo báo cáo của Tổng cục thuế, từ tháng 1/2014 đến hết năm 2017 đã thu cho ngân sách Nhà nước từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là 14.989 tỷ đồng.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, công tác thanh tra, kiểm tra đã được Bộ chỉ đạo thực hiện, số lượng các đơn vị thanh tra, kiểm tra tăng dần theo từng năm, nhất là đối với thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch. Đối tượng thanh tra, kiểm tra được lựa chọn trúng và đúng. Các cuộc thanh tra, kiểm tra được tiến hành dứt điểm, kết luận rõ ràng. Qua đó kịp thời phát hiện những yếu kém, hạn chế trong quản lý nhà nước về khoáng sản, môi trường ở từng địa phương, những sai phạm của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản để xử lý kịp thời, đúng luật.

Công tác đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra được quan tâm đúng mức. Kết quả đã góp phần đưa công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản của địa phương dần đi vào nề nếp. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về khoáng sản, môi trường của tổ chức, cá nhân. Bên cạnh hoạt động kiểm tra, thanh tra công tác xử lý đơn thư về tài nguyên, môi trường cũng được Bộ quan tâm giải quyết.

Tuy nhiên, tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường nêu thực tế: Trong việc triển khai nhiệm vụ quản lý về môi trường có nhiều vấn đề đang nổi lên, khó khăn lớn nhất là chưa phân biệt rõ chức năng nhiệm vụ. Chưa có sự chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Quản lý còn nhiều chống chéo. Có điểm xung đột về Luật…

Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất, đoàn giám sát khi thực hiện giám sát tại các địa phương phải tìm hiểu xem thực tế có đúng như vậy hay không để kiến nghị Chính phủ, Quốc hội.

Tại buổi làm việc, GS Đặng Kim Chi đặt hàng loạt câu hỏi liên quan tới các vấn đề nóng: Bộ làm thế nào để khắc phục, tránh sự chồng chéo trong quản lý môi trường? Một số văn bản, quyết định không được triển khai? Vấn đề môi trường các làng nghề Việt Nam? Vấn đề nhập khẩu phế liệu để sản xuất? Khai thác khoáng sản, định giá khoáng sản trên cơ sở định trữ lượng khai thác. Trước đây các doanh nghiệp tự khai báo, hiện đã chính xác chưa?

Ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng: Giám sát phát hiện ra những kẽ hở của cơ chế chính sách là chức năng của MTTQ Việt Nam. Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý vấn đề rộng và đã cố gắng nhưng còn nhiều thách thức và bất cập.

MTTQ xác định vai trò của cộng đồng dân cư và  công dân trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật trong bảo vệ môi trường. Một trong những bất cập hiện nay là chi phí từ ngân sách Nhà nước chưa đảm bảo. Xem nhẹ trách nhiệm của doanh nghiệp với bảo vệ môi trường. Chưa nói tới một số địa phương chi phí bảo vệ môi trường chi sai mục đích…

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cho biết: Đoàn giám sát đã nắm bắt được bức tranh về việc thực hiện chính sách pháp luật liên quan tới việc khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường từ năm 2014 đến nay.

Đoàn giám sát, tiếp thu và lắng nghe tất cả các ý kiến của Bộ. Theo Phó Chủ tịch, giám sát sẽ giúp triển khai việc thực hiện tốt hơn. Còn có những khó khăn bất cập, chủ trương chính sách chưa vào thực tiễn phải kiến nghị, bổ sung, sửa đổi sao cho phù hợp.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh đồng ý với ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ tài nguyên môi trường, biến đổi khí hậu, nhưng lựa chọn vấn đề bức xúc nhất, nóng bỏng nhất là vấn đề khoáng sản để giám sát.

“Đi giám sát địa phương, phải gắn vào thực tiễn, vấn đề bất cập ở đó để khai thác, làm rõ nguyên nhân. Trách nhiệm của giám sát là phát hiện ra những bất cập, để thực hiện cho đúng. Nội dung giám sát chuẩn bị phải có trọng tâm, trọng điểm, không tràn lan”, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh khẳng định.