Ô nhiễm từ ngành công nghiệp giấy và giải pháp?

ThienNhien.Net – Hiện nay, ngành công nghiệp giấy đang tăng trưởng nhanh chóng và đóng góp vào tiến trình phát triển chung của nền kinh tế xã hội. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban chỉ đạo Quốc gia về nước sạch – Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngành công nghiệp giấy lại là một trong những ngành gây ô nhiễm trầm trọng, đặc biệt đối với các nguồn nước. Vì vậy, song song với việc lập kế hoạch phát triển doanh nghiệp, một bài toán khác đặt ra cho ngành giấy là phải xử lý tốt các chất thải, giảm bớt ô nhiễm và bảo vệ tài nguyên môi trường.

Thực trạng ô nhiễm …

Theo thống kê, cả nước có gần 500 doanh nghiệp sản xuất giấy, trong đó chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn môi trường cho phép, còn hầu hết các nhà máy đều không có hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng chưa đạt yêu cầu, vì thế tình trạng gây ô nhiễm môi trường do sản xuất giấy cũng đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.


So với nhiều ngành công nghiệp sản xuất khác, ngành giấy có mức độ ô nhiễm cao và dễ gây tác động đến con người và môi trường xung quanh do ô nhiễm từ nguồn nước thải xử lý không đạt yêu cầu.

Công nghệ sản xuất giấy ở Việt Nam còn rất lạc hậu. Để sản xuất ra một tấn giấy thành phẩm, các nhà máy phải sử dụng từ 30-100 m3 nước, trong khi các nhà máy giấy hiện đại của thế giới chỉ sử dụng 7-15 m3/tấn giấy. Sự lạc hậu này không chỉ gây lãng phí nguồn nước ngọt, tăng chi phí xử lý nước thải mà còn đưa ra sông, rạch lượng nước thải khổng lồ.

Trong các cơ sở công nghiệp giấy và bột giấy, nước thải thường có độ pH trung bình 9 – 11, chỉ số nhu cầu ôxy sinh hoá (BOD), nhu cầu oxy hoá học (COD) cao, có thể lên đến 700mg/l và 2.500mg/l. Hàm lượng chất rắn lơ lửng cao gấp nhiều lần giới hạn cho phép. Đặc biệt nước có chứa cả kim loại nặng, lignin (dịch đen), phẩm màu, xút, các chất đa vòng thơm Clo hoá là những hợp chất có độc tính sinh thái cao và có nguy cơ gây ung thư, rất khó phân huỷ trong môi trường. Có những nhà máy giấy, lượng nước thải lên tới 4.000 – 5.000m3/ngày, các chỉ tiêu BOD, COD gấp 10 – 18 lần tiêu chuẩn cho phép; lượng nước thải này không được xử lý mà đổ trực tiếp vào sông.

Ngoài ra, trong công nghiệp xeo giấy, để tạo nên một sản phẩm đặc thù hoặc những tính năng đặc thù cho sản phẩm, người ta còn sử dụng nhiều hóa chất và chất xúc tác. Những chất này nếu không được thu hồi hoặc xử lý mà xả thẳng ra sông ngòi thì vấn đề ô nhiễm là không tránh khỏi, làm mất cân bằng sinh thái trong môi trường nước.

Hiện nay, ở các khu vực có cơ sở sản xuất giấy đang phải chịu sức ép nặng nề về ô nhiễm môi trường, để sản xuất mỗi tấn bột giấy phải thải ra 10 tấn dịch đen. Riêng khu vực sông Cầu, chỉ với 3.500 m3 nước xả mỗi ngày, nhưng ngành giấy đã là thủ phạm số một gây ô nhiễm nặng cho dòng sông này, trong đó nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ đứng đầu bảng.

Ở Bắc Ninh, mỗi ngày Phong Khê thải ra sông 4500m3 nước thải và theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi Trường, các ch ỉ số COD, BOD, coliform đều cao hơn mức cho phép 4-6 lần. Khói và bụi giấy đã làm cho bầu không khí ở Phong Khê bị ô nhiễm trầm trọng. Chính lượng nước thải đã làm cho nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp thành đất chết.

Điều đặc biệt là việc đặt các nhà máy ở thượng nguồn sông Hậu như: Khu công nghiệp Trà Nóc II hay Thốt Nốt, Ô Môn, đã gây ô nhiễm nguồn nước trầm trọng, làm ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản.  

Giải pháp cho ngành công nghiệp giấy

Trước thực trạng trên, dự thảo về “Nước thải công nghiệp giấy” đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện và chuẩn bị ban hành. Quy định này sẽ đưa ra những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng nước trước khi thải ra môi trường tự nhiên.

Theo đó, với những cơ sở sản xuất giấy gây ô nhiễm nặng, lại nằm trong khu vực thượng lưu đầu nguồn nước, chính quyền các cơ sở phải có các biện pháp và chế tài cần thiết yêu cầu các đơn vị sản xuất đảm bảo tốt khâu xử lý nước thải hoặc phải ngừng sản xuất nếu không đảm bảo, như Việt Trì bỏ nấu bột giấy, Đồng Nai lắp hệ thống thu hồi kiềm và xử lý nước thải…

Những doanh nghiệp nhỏ không có khả năng đầu tư hệ thống xử lý nước thải thì chính quyền sở tại cần có các biện pháp quy hoạch, hỗ trợ tài chính cho các đơn vị này để lập ra các khu công nghiệp giấy tập trung và hướng tới xử lý nguồn nước thải liên hoàn.

Mặt khác, theo Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam, để hạn chế tác hại về môi trường do ngành sản xuất giấy gây ra, ngoài việc ban hành tiêu chuẩn về nước thải, còn phải quản lý chặt chẽ công nghệ, thiết bị và quy mô công suất của các nhà máy giấy.

Bên cạnh đó, vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường cần được quan tâm đặc biệt bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân. Các cơ sở cần gắn sản xuất với xử lý ô nhiễm môi trường, đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường.

Hiện nay, việc xử lý dịch đen thường có ba phương thức: phương pháp thu hồi kiềm theo công nghệ tiên tiến nhất những năm gần đây, tuy nhiên hiệu quả không cao vì vốn đầu tư quá lớn; phương pháp xử lý sinh hóa bằng hệ thống xử lý nước thải, cũng đòi hỏi kỹ thuật cao và sự chính xác tuyệt đối; phương pháp thứ ba là thay đổi tính chất của lignin trong dịch đen. Đây là một công nghệ xử lý mang tính khả thi, có thể giảm vốn đầu tư, có khả năng giúp ngành giấy tiến một bước dài trong những nỗ lực bảo vệ tài nguyên môi trường.

Một ví dụ điển hình về việc đổi mới công nghệ sản xuất giấy theo hướng thân thiện với môi trường là Tổng công ty giấy Việt Nam.

Năm 2003, đánh dấu một giai đoạn mới trong xử lý ô nhiễm môi trường của Tổng công ty này, thể hiện ở việc mở rộng sản xuất, nâng công suất Nhà máy giấy Bãi Bằng lên 100.000 tấn giấy/năm, đồng thời đầu tư công nghệ mới phục vụ xử lý chất thải, giải quyết ô nhiễm một cách liên hoàn. Ðây là hệ thống xử lý nước thải hiện đại nhất của ngành giấy Việt Nam hiện nay theo công nghệ của Thụy Ðiển, với quy mô xử lý 30.000 m3 nước thải/ngày.

Nhờ đó, 18.500 m3 nước thải mỗi ngày mà nhà máy thải ra đều được thu gom và xử lý triệt để qua hệ thống xử lý tập trung theo cả hai phương pháp hóa học và sinh học. Chất lượng nước thải sau khi xử lý đạt yêu cầu bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, nhà máy còn thành lập mạng lưới giám sát môi trường, tổ chức các lớp đào tạo về công tác môi trường, nâng cao nhận thức của cán bộ, công nhân, triển khai áp dụng sản xuất sạch hơn đối với các nhà máy để giảm lượng thải từ nguồn.

Có thể nói, để ngành giấy phát triển ổn định theo hướng bền vững, cùng với việc đầu tư mở rộng, nâng cao năng lực hiệu quả trong sản xuất, các nhà quản lý, các nhà khoa học cũng cần chú trọng đầu tư, nghiên cứu áp dụng những công nghệ có khả năng giảm thiểu tối đa và xử lý hiệu quả ô nhiễm môi trường.

Gần đây, việc đầu tư vào ngành sản xuất giấy và bột giấy ở Việt Nam có xu hướng gia tăng. Không biết đây là tín hiệu đáng mừng hay đáng lo? Liệu các nhà đầu tư đã chuẩn bị những giải pháp an toàn nào cho môi trường?