Người dân chưa đồng thuận làm thủy điện ở thác Háng Đề Chơ

Lo ngại làm thủy điện thác Háng Đề Chơ sẽ không còn nước canh tác đặc biệt làm mất đi cơ hội phát triển du lịch của bà con dân tộc thiểu số tại đây.

Người dân ở xã Tà Xi Láng mong muốn giữ thác Háng Đề Chơ làm du lịch để có cơ hội thoát nghèo (Ảnh: H.Đ)

Thác nước gắn với đời sống người dân bản địa

Thác Háng Đề Chơ nằm giữa 2 xã Làng Nhì và Tà Xi Láng của huyện Trạm Tấu (Yên Bái). Cho đến nay, người dân chưa rõ số phận của thác nước này sẽ ra sao sau khi một thời gian rộ lên việc sẽ xây thủy điện tại đây.

Tuy nhiên, thác Háng Đề Chơ vẫn gắn liền với cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số hằng ngày. Ông Hờ A Do, thôn Tả Cao (xã Tà Xi Láng) cho biết, thác này không biết tồn tại từ bao giờ nhưng cho đến nay khi nhắc đến thác Háng Đề Chơ ai ai cũng biết.

Từ xưa các cụ để lại đã mang tên Háng Đề Chơ rồi, đề có nghĩa là nước, chơ là từ trên cao rơi xuống… Sinh sống gần thác chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số ở thôn Đề Chơ, xã Làng Nhì và thôn Tà Đàng, xã Tà Xi Láng. Những cái tên của thôn, của xóm ở đây đều có nguồn gốc, xuất phát từ con thác này. Xa xưa các cụ vào đây để tắm suối; những người yêu nhau cũng thường hay dẫn nhau vào đây.

Chính vì thế, bà con trong thôn đóng góp công sức, tiền bạc để mở một tuyến đường vào thác. Hằng năm, thanh niên xã tu sửa con đường này cho du khách gần xa đến tham quan. Các bữa tiệc rượu, đồ qúy mang cũng được người dân mang vào đây nướng, thưởng thức. Đặc biệt, dòng nước chảy từ thác cũng là nguồn nước phục vụ tưới cho ruộng của bà con 2 bên bờ suối. Hiện nay, bà con ở đây phụ thuộc nhiều vào dòng nước từ thác chảy ra và là nguồn chính dẫn nước vào ruộng phục vụ sản xuất nông nghiệp do vậy rất quan trọng đối với bà con.

Cũng theo người dân mỗi mùa măng đến bà con cứ đi từ đầu thác tới đầu nguồn giáp ranh Phù Yên (Sơn La) để đi lấy măng ớt. Thế nên ở cũng có hẳn một con đường đi lên đỉnh thác và có khoảng 6 hộ hiện vẫn đang canh tác ở khu vực này.

“Ở đây, thời tiết lạnh nên mỗi năm chỉ canh tác được một vụ. Cấy trước Tết nguyên đán sau đó mùa thu hoạch rơi vào tháng 7-8. Ở dưới chân thác nhìn được cảnh đẹp toàn cảnh của thác nên du khách thường đến khu vực này để khám phá là chủ yếu”, ông Hờ A Do nói.

Cuộc sống của người dân ở Tà Xi Láng còn rất khó khăn, cuộc sống chỉ trông chờ vào trồng cấy (Ảnh: H.Đ)

Lo ngại mất nước không thể canh tác

Cũng theo những hộ dân thì hiện có hàng chục hộ đang canh tác ở khu vực thác Háng Đề Chơ và muốn trồng cấy được thì đều cần nước tưới. Song khi thủy điện xây dựng, lấy nguồn nước từ đỉnh thác thì chắc chắn một ngày gần đây nước tưới cũng sẽ không còn. Chủ yếu bà con dùng tưới vào ruộng nương, ngay đầu thác cũng có khoảng 4.000m2 ruộng của 6 hộ. Quy hoạch thủy điện cũng sẽ lấy đất của 6 hộ này. Bà con lo lắng khi thủy điện lấy nước của thác thì tất cả nước tưới tiêu sẽ mất và cả nhiều ruộng ở dưới này nữa, ông Hờ A Tủa, thôn Xá Nhù, xã Tà Xi Láng cho biết.

Ông Sùng A Dao, thôn Tà Đàng, xã Tà Xi Láng cho hay, thủy điện có làm thì nói chung không được cho bà con, bà con không đồng ý. Khi làm thủy điện thác sẽ cạn nước. Không có nước thì canh tác thế nào, nên bà con không nhất trí. Giả sử có được bồi thường bằng tiền nhưng không có chỗ nào để làm lại nữa. Có tiền bồi thường nhưng không có đất trồng cấy duy trì cuộc sống hằng ngày vì ở đây đồi núi nên không có nhiều diện tích canh tác đâu.

Ở Tà Đàng có 45 hộ 244 khẩu, sinh sống chủ yếu phụ thuộc nông nghiệp. Trồng được cây ngô cây lúa đã khó khăn rồi mà còn thiếu nước thì thiệt hại trước rõ ràng người dân phải gánh chịu. Trong khi đó, chưa có một giải pháp nào hay mô hình nào cho người dân phát triển gia đình thay cho phụ thuộc ruộng nương.

Ông Sùng A Lâu, Trưởng thôn Tà Đàng cho hay, trước đây các cụ để lại thác này để đi chơi để đi xem và theo ý bà con nhân dân để lại làm khu du lịch. Nhân dân trong thôn này rất nghèo nên khi đi lại thuận lợi hơn, bà con nhân dân có thể đón khách du lịch để phát triển kinh tế. Trong khi làm thủy điện có thể mất nguồn nước không đảm bảo cho bà con nhân dân trong thôn sinh sống và cũng mất luôn nguồn lợi làm du lịch.

Sinh sống ở đây, người dân chỉ canh tác trồng lúa nương, nguồn nước phục vụ ruộng sau này mất đi thì lấy gì mà ăn. Nếu được bồi thường bằng tiền cũng khó mua được chỗ nào canh tác do ở đây địa hình chia cắt, đất cũng khó.

“Chủ yếu người dân làm nương, trồng cấy, phụ thuộc nông nghiệp nhưng cũng chỉ đủ ăn chứ chưa có hướng nào khác. Cái hướng làm du lịch sau này, khi có khách du lịch thì bà con bán được con gà, con lợn đảm bảo hơn, có thêm thu nhập. Có gì đặc sản bán được cho du khách thì đời sống sẽ được nâng lên”, ông Sùng A Lâu nói.

Thác Háng Đề Chơ là địa điểm du khách muốn khám phá khi lên Tà Xi Láng. Ảnh: H.Đ

Chọn du lịch hay thủy điện?

Cho đến nay, mặc dù việc xây thủy điện đã được những sở, ngành thông qua tuy nhiên theo người dân việc tham vấn ý kiến của họ chưa được đặt ra. Có thể thấy về mặt lợi ích kinh tế, rõ ràng thủy điện sẽ mang lại nguồn thu ổn định cho ngân sách địa phương sau khi đi vào hoạt động. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch cũng là một hướng đi có thể phần nào thay đổi cuộc sống đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại đây khi cái nghèo nàn vẫn đeo bám họ.

Ông Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết, việc xây thủy điện ở thác Háng Đề Chơ là chủ trương của tỉnh đã có từ lâu và để làm rõ thủy điện có làm mất nguồn nước tưới của dân cũng như làm mất thác nước hay không đề nghị PV liên hệ Phòng TNMT huyện để làm rõ. Tuy nhiên, vị trưởng phòng này cho biết, hiện cũng chưa rõ ràng phương án thi công thủy điện ra sao, có trích nước trên đầu nguồn để dẫn nước về nhà máy hay không?

Còn đối với người dân Tà Xi Láng nói chung cũng như thôn Tà Đàng nói riêng, trường hợp thủy điện chỉ lấy một phần nước trên đầu nguồn thì mùa mưa lũ sẽ có nước nhưng mùa khô lượng nước nhỏ không đủ để canh tác, không đủ tưới cho ruộng nhà mình.  Song mặc dù người dân đã làm đơn gửi lên huyện đề đạt nguyện vọng giữ thác làm du lịch nhưng không thấy trả lời như thế nào. Cho đến nay, theo người dân đã có khảo sát nguồn nước song chưa thấy họp dân, thông báo thống kê đền bù.

Theo cái suy nghĩ của tôi, làm thủy điện cũng được nhưng sẽ làm ảnh hưởng cuộc sống của bà con vì lo ngại không còn nước canh tác. Còn làm du lịch sau này bà con sẽ phát triển được mô hình chăn nuôi gà, lợn… để bán cho du khách, bà con sẽ được hưởng lợi, ông Tráng A Lo, thôn Tà Đàng cho hay.

Còn theo lãnh đạo xã Tà Xi Láng, nếu quyết xây dựng thủy điện thì người dân cũng sẽ đồng ý nhưng nếu được thì giữ lại thác làm du lịch sẽ thuận lợi, tốt hơn cho bà con. Được biết, tại xã Tà Xi Láng hiện một số nhà đầu tư cũng như người dân triển khai xây dựng homestay đón du khách. Tuy nhiên, nếu mất thác Háng Đề Chơ thì cũng sẽ là một thiệt thòi lớn cho những người dân bản địa tại đây.

Công trình thủy điện Đồng Ngãi nằm trên thượng nguồn dòng Nậm Nhì, phía trên thác Háng Đề Chơ và đây cụm thuỷ điện nhỏ, dưới 10MW. Công ty cổ phần đầu tư và phát triển điện Yên Bái có trụ sở thôn Hát Lừu 2, xã Hát Lừu (huyện Trạm Tấu, Yên Bái) làm chủ đầu tư.