Nhiệt điện than – những cải cách cấp thiết về chính sách và công nghệ

Thông qua đề cập một số nội dung chính của Quy hoạch phát triển nhiệt điện than Việt Nam với tầm nhìn tới 2030, bài viết giới thiệu những suy nghĩ và quan điểm cá nhân của tác giả về vai trò thiết yếu của nguồn nhiệt điện than trong khuôn khổ cân bằng năng lượng – điện lực Việt Nam giai đoạn 2010-2020-2030, đồng thời cũng đưa ra một số giải pháp nhằm hạn chế tác động của loại hình điện năng này tới môi trường.

Nhiệt điện than vẫn giữ vai trò chủ chốt

Trong tầm nhìn 2010 – 2020 – 2030, nhu cầu năng lượng (NL) sơ cấp tại Việt Nam được dự báo tăng gấp 2,5 lần đến năm 2020 và 3,5 lần đến năm 2030. Dự kiến vào năm 2015, Việt Nam sẽ trở thành nước nhập khẩu lớn trên thế giới về các dạng NL quy ước, hóa thạch và phi hóa thạch (điện năng) với tốc độ bình quân 6,5% hàng năm; đạt tới 145 Mtoe năm 2020; và 210 Mtoe năm 2030[1]. Từ một nền kinh tế xuất khẩu NL với mức 20% năm 2010, Việt Nam trở thành một nền kinh tế nhập khẩu NL lớn với mức 40% năm 2020 và 70% năm 2030[2].

Trong bối cảnh các nguồn thủy điện lớn đã tới ngưỡng, giảm dần tỉ trọng đóng góp và loại bỏ nguồn điện nguyên tử ra khỏi cân bằng năng lượng nói chung và cân bằng điện năng nói riêng theo các tổng sơ đồ phát triển than và điện lực với tầm nhìn tới 2030, sự lựa chọn các nguồn năng lượng sơ cấp thương mại cho cân bằng năng lượng – điện lực hướng tập trung vào than với vai trò nguồn năng lượng hóa thạch chủ chốt chưa thể thay thế được bằng bất kỳ loại nguồn năng lượng nào khác trong thời gian trước mắt. Điều này có nghĩa là nhiệt điện than sẽ vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nguồn của hệ thống điện Việt Nam tới 2030 hoặc lâu hơn nữa, mặc dù tiềm năng than nội địa hạn chế và bản thân công nghệ nhiệt điện than sản sinh nhiều chất thải rắn, lỏng và khí, đặc biệt là phát thải khí nhà kính, gây ô nhiễm môi trường.

Như bảng trên cho thấy, mặc dù có chuyển đổi cơ cấu năng lượng sơ cấp của Việt Nam song nhiệt điện than vẫn là nguồn chủ chốt của hệ thống điện. Về giá trị công suất nhiệt điện than, tính đến cuối năm 2015, tổng công suất nguồn nhiệt điện than là hơn 13.000 MW, với công nghệ truyền thống (cận tới hạn). Theo Quy hoạch điện VII (hiệu chỉnh), công suất nguồn nhiệt điện than sẽ đạt tới 26.000 MW vào năm 2020, 48.000 MW năm 2025 và gần 60.000 MW (so với 55.000 MW vì tính đến công suất thay thế điện hạt nhân Ninh Thuận) năm 2030.

Mặc dù vậy, để có một đánh giá đúng về vai trò của nhiệt điện than, cần xem xét những thách thức rủi ro an ninh năng lượng do phát triển nhiệt điện than ở mức vượt quá tiềm năng than nội địa, dẫn tới phải nhập ngoại số lượng than lớn cho nhiệt điện; và đánh giá tính khả thi của nguồn năng lượng tái tạo trong vai trò nguồn năng lượng thay thế cho than.

Mỏ than Hà Tu, Quảng Ninh (Ảnh: PanNature)

Nhập khẩu than có phải là một thách thức an ninh năng lượng Việt Nam?

Hiện nay các nguồn số liệu dự báo lượng than nhập khẩu cho 2020 và 2030 còn chưa thống nhất do chưa có một cân bằng năng lượng tổng thể được cơ quan có thẩm quyền chính thức công bố. Trong khi đó, điều này rất quan trọng đối với việc xác định định tính và định lượng thách thức và rủi ro an ninh năng lượng do phải nhập khẩu than với khối lượng lớn trên cơ sở 5 tiêu chí về an ninh năng lượng do khối APEC quy định cho các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.Vì vậy, biểu cân bằng năng lượng do Trung tâm nghiên cứu năng lượng các nước khối APEC (APERC) và Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản (IEEJ) tính cho các quốc gia thành viên dưới đây được dùng tạm để phân tích.

Để phân tích các tiêu chí ANNL của Việt Nam, có thể dùng phương pháp so sánh quốc tế tiêu chí ESI2 Nhập khẩu NL thuần (ESI2 ,% TPED) các nước ASEAN điển hình với Việt Nam.

Phân tích các biểu trên, có thể rút ra một số nhận định về tiêu chí ANNL ESI2 của sự phụ thuộc nhập khẩu năng lượng. Thứ nhất, mức phụ thuộc nhập khẩu than của Việt Nam tuy lớn song vẫn thấp hơn đáng kể so với mức phụ thuộc nhập khẩu dầu thuần, do đó chưa phải quá lo ngại về mất ANNL khi nghẽn dòng than ngoại nhập. Hơn nữa, mức phụ thuộc năng lượng ngoại nhập của Việt Nam nằm ở tốp các nước thấp nhất ASEAN. Tuy nhiên, vấn đề cần chú ý ở đây là tốc độ gia tăng chỉ số phụ thuộc năng lượng ngoại nhập của Việt Nam là khá cao, vượt tất cả các nước, mà không hề có xu thế giữ nguyên hoặc giảm (như trường hợp  Singapore hoăc Nhật Bản). Như vậy, để tránh rủi ro ANNL, biện pháp hữu hiệu nhất là đa dạng hóa nguồn năng lượng ngoại nhập (theo đặc điểm kinh tế, thị trường, địa chính trị, v.v…), tiết kiệm và nâng cao hiệu quả năng lượng.

Năng lượng tái tạo có thể thay thế một phần nhiệt điện than?

Mới đây, trong Dự thảo Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia giai đoạn 2016-2025 và tầm nhìn 2035, nhu cầu điện trong kịch bản đề xuất được điều chỉnh giảm tiếp 1-1,5% so với QHĐ VII điều chỉnh. Tuy nhiên, tỷ trọng NLTT (về công suất) được nâng lên 15% vào 2025; 22,8% vào 2030 và 37% vào 2035, nhiệt điện than tương ứng là 47%; 43,3% và 36%. Còn về cơ cấu sản lượng tương ứng các năm với NLTT là 11,3%; 15,7% và 20,8%; điện than là 47%; 46% và 47,6%. Tuy nhiên, bảng dưới đây có thể cho thấy tính không tưởng của kế hoạch đưa NLTT tham gia cơ cấu nguồn điện lực Việt Nam với mức cao như vậy vào năm 2030.

Cải tiến công nghệ là yêu cầu cấp bách

Tại COP 21 Paris, Văn bản “Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) ”của Việt Nam bao gồm các cam kết thích ứng với biến đổi khí hậu và mục tiêu giảm 8% phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với kịch bản thông thường (BAU) với các nỗ lực quốc gia, và giảm 25% nếu có thêm sự giúp đỡ từ quốc tế. Trong khi đó, ngành năng lượng lại là ngành có tăng trưởng phát thải cao nhất. Đây chính là nguồn gốc sức ép lên phát triển nhiệt điện than – nguồn điện chủ chốt trong hệ thống năng lượng. Chính vì vậy, yêu cầu cấp bách đối với ngành nhiệt điện than là định hướng phát triển theo hướng giảm tối đa các tác động tiêu cực tới môi trường.

Tính đến cuối năm 2015, tổng công suất nguồn nhiệt điện than là hơn 13.000 MW, với công nghệ truyền thống, tham số hơi nước cận tới hạn (Sub-critical). Quy hoạch điện VII (hiệu chỉnh) dự báo công suất nguồn nhiệt điện than sẽ là 26.000 MW – năm 2020, 48.000 MW – năm 2025 và gần 60.000 MW (so với 55.000 MW và bù cho điện hạt nhân Ninh Thuận) – năm 2030. Với một khối lượng nguồn nhiệt điện than lớn như vậy, nếu vẫn phát triển các dự án với công nghệ cận tới hạn truyền thống như các nhà máy nhiệt điện than đang vận hành và đang xây dựng hiện nay thì mục tiêu giảm tiêu thụ than dẫn đến giảm phát thải các loại khí bụi ô nhiễm môi trường, đặc biệt là giảm phát thải khí nhà kính tác động đến biến đối khí hậu toàn cầu, sẽ khó có thể đạt được.

Vì vậy, trong thời gian tới cần lựa chọn các loại công nghệ than sạch tham số hơi siêu tới hạn (Super-critical) và quá siêu tới hạn (Ultra–super-critical) cho các nhà máy nhiệt điện than dự kiến sẽ phát triển. Trong khi đó, đối với các nhà máy nhiệt điện đang vận hành, cần đặc biệt chú trọng các biện pháp bảo trì hiệu suất các thiết bị cơ nhiệt (lò hơi và tua-bin hơi), chống xu hướng suy giảm dần hiệu suất lò máy nhiệt điện. Theo kinh nghiệm vận hành và quản lý nhà máy nhiệt điện, nếu hiệu suất không bị giảm 1%, sẽ tiết kiệm được 4% lượng than tiêu thụ và giảm được 3,4% phát thải khí nhà kính. Đây chính là biện pháp tổng hợp hữu hiệu trong tiết kiệm và sử dụng hiệu quả than.

Có thể chia đối tượng của hoạch định chính sách về nhiệt điện than thành hai nhóm: nhóm 1 là các nhà máy đang vận hành và nhóm 2 là các nhà máy được quy hoạch bởi TSĐ VII điều chỉnh tới 2030. Từ đó, cần có các định hướng chính sách phát triển bền vững nhiệt điện than phù hợp với từng nhóm.

Cụ thể, đối với nhóm 1, cần tập trung vào các chính sách quản lý sản xuất tiên tiến nhằm giữ vững hiệu suất thiết kế, kiểm soát ô nhiễm nhiệt điện than, lựa chọn hợp lý và ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải và các công nghệ than sạch, bảo đảm tối đa các tiêu chuẩn phát thải độc hại quy định và thải loại các nhà máy “quá đát”. Kiểm soát chặt chẽ và theo quy trình và quy định quản lý kỹ thuật và tiêu chuẩn tổng hợp của nhiệt điện than như hiệu suất nhiệt lò hơi của các NĐT, chống sự suy thoái hiệu suất nhiệt lò hơi. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ và chính xác chất lượng và số lượng than đầu vào các lò hơi, bảo đảm quá trình cháy luôn trong tình trạng tốt nhất. Đặc biệt chú trọng hai tiêu chuẩn: Tro – Ap và Độ ẩm – Wp. Kiểm soát chặt chẽ và đầy đủ các quy định và tiêu chuẩn phát thải (khí, lỏng, rắn, độc hại, khí nhà kính). Với riêng khí thải độc hại, cần triệt để áp dụng các tiêu chuẩn QCVN 2:2009/BTNMT, QCVN 05:2013, QCVN19:2009/BTNMT và QCVN 20:2009/BTNMT cho các tiêu chuẩn bụi tổng, NOx và SO2. Đối với nước thải tuần hoàn, cần kiểm soát theo QCVN40:2011/BTNMT, QCVN08:2008/BTNMT và QCVN09:2008/BTNMT. Có thể bổ sung công nghệ xử lý than sạch và pha trộn than, công nghệ xử lý chất thải từ nhiệt điện than như khử bụi, FGD, công nghệ chế biến xỉ và tro bay làm vật liệu xây dựng v.v…

Đối với nhóm 2, chủ yếu tập trung vào các chính sách lựa chọn hợp lý các công nghệ tiên tiến nhất, thể hiện qua các tiêu chuẩn kinh tế – kỹ thuật – công nghệ  – phát thải của chúng. Cụ thể, với công nghệ buồng đốt, cần ban hành quy định bắt buộc các chủ đầu tư áp dụng các công nghệ tiên tiến có tham số hơi nước từ siêu tới hạn (super sub-critical/SSC) trở lên và vươn tới trên siêu tới hạn (Ultra – SSC/USSC) với hiệu suất tới 45%. Hiện nay, trong tầm nhìn 2030 của QHĐVII điều chỉnh thì công nghệ Nhiệt điện than mới là PC (PC-Pulverized Coal – Phun than) và CFB (Circulating Fuidised Bed – Lò hơi tầng sôi) với 22 nhà máy (trên 15 000 MW)-SC, 22 nhà máy (trên 28 000MW) – SSC và 5 nhà máy (trên 7000MW) – USSC.

Điều quan trọng là, đối với các quan điểm và giải pháp quy hoạch phát triển nhiệt điện than trong các TSĐ phát triển điện và than, cần quán triệt nguyên tắc so sánh lựa chọn công bằng và minh bạch các loại nguồn năng lượng sơ cấp trong cơ cấu năng lượng quốc gia trên cơ sở tính đủ và tính hết các chi phí phát sinh do các thách thức về an ninh môi trường và sức khỏe con người do chất thải và phát thải khí nhà kính, các thách thức về an ninh năng lượng do nhập khẩu năng lượng.

Hơn nữa, cần đưa chính sách đa dạng hóa các nguồn năng lượng sơ cấp và đa dạng hóa các nguồn năng lượng ngoại nhập để đối phó hữu hiệu với các thách thức về an ninh năng lượng do các nhân tố địa chính trị, khủng bố, thời tiết, v.v..

Ngoài ra, cần sớm nghiên cứu ứng dụng thuế các-bon để tạo công cụ tài chính cho việc thay thế một phần nhiệt điện than bằng năng lượng tái tạo trên cơ sở so sánh công bằng và minh bạch giữa NLTT và NLHT.

Cuối cùng, do tính không tương thích giữa NLTT và năng lượng hóa thạch, lộ trình thay thế một phần điện năng sản xuất từ than bằng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo không hề là một bài toán cộng trừ đơn giản mà là một cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật thực sự, đòi hỏi một lộ trình chậm và chắc với những đòi hỏi đầu tư lớn cho hạ tầng NLTT và nâng cao dân trí nhằm có thích ứng với một lưới điện khác về bản chất với lưới điện lực xoay chiều phổ cập hiện hành.

Tóm lại, trong khuôn khổ cân bằng năng lượng và cân bằng điện năng tổng thể tới 2030, có thể thấy vai trò tất yếu và khó thay thế của than và nhiệt điện than trong cơ cấu năng lượng và hệ thống điện lực Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý những hạn chế của nguồn năng lượng này do tác động môi trường, sức khỏe để từ đó cần xác định một lộ trình thay thế phát triển nhiệt điện than bằng các dạng năng lượng tái tạo, ít tác động hơn trong quy hoạch phát triển năng lượng điện tương lai.

Định hướng công nghệ cho nhiệt điện than

Về chính sách công nghệ xử lý chất thải của nhiệt điện than, Việt Nam nên có định hướng công nghệ xử lý chất thải cho tầm nhìn tới 2030 như sau:

1. Hệ thống lọc bụi tổng: Nên phát triển áp dụng 2 công nghệ: lọc bụi tĩnh điện và túi lọc.

Lọc bụi tĩnh điện (ESP) là thiết bị lọc bụi bằng phương pháp tĩnh điện. Nguyên lý của ESP là: Khi dòng khói đi qua điện trường (được tạo bởi dòng điện một chiều có hiệu điện thế cao) dòng khói sẽ bị điện li tạo thành các điện tử, các ion âm và các ion dương. Bụi trong khói khi đi qua điện trường cũng bị nhiễm điện, các hạt bụi nhiễm điện sẽ bị hút về phía các điện cực trái dấu và bám trên bề mặt các điện cực. Sau một thời gian bụi bám trên bề mặt điện cực sẽ có chiều dày nhất định thì sẽ được hệ thống búa gõ, máy rung tách các hạt bụi và đưa về phễu thu hồi.

Ưu điểm chính của ESP so với các phương pháp lọc bụi khác  là:

·       Hiệu suất khử bụi cao: Có thể hơn 99%

·       Tổn thất áp lực dòng nhỏ

·       Có thể lọc được bụi có kích thước rất nhỏ: 0.1µm

·       Tiêu hao điện năng thấp

·       Lưu lượng khói đi qua thiết bị lớn

·       Chịu được nhiệt độ cao: có thể lên đến 4500C

ESP loại khô dùng cho nhiệt điện  than: Trong hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP) khô, dòng điện một chiều có hiệu điện thế cao được dùng để tạo ra một cực phóng hồ quang, làm cho các hạt bụi lơ lửng trong khí thải nhiễm điện và thu chúng bởi các điện cực thu. Hệ thống ESP sử dụng hiệu quả để loại bỏ các hạt bụi có kích cỡ trong phạm vi (0.1 µm) với đặc điểm rất khó thu được khi sử dụng phương pháp trọng lực hay dùng lực ly tâm.

Ưu điểm:

·       Thiết kế hệ thống theo yêu cầu của khách hàng

·       Thu tách bụi với dòng khí lý tưởng bằng điện cực thu bụi G-OpzelTM.

·       Tạo điện năng hiệu quả với Dura-TrodeTM

·       Làm sạch với gõ cực điện MIGITM (Xung lực tác động bởi từ tính)

·       Bán xung và xung đem lại hiệu quả thu tách bụi cao và tiết kiệm năng lượng.

Túi lọc: Nên tập trung áp dụng công nghệ lọc bụi túi tĩnh điện. Trong thiết bị lọc bụi túi tĩnh điện, luồng khí được đưa qua hệ thống tĩnh điện trước khi được dẫn qua hệ thống túi lọc. Bộ lọc bụi túi tĩnh điện được thiết kế và hoạt động với chi phí thấp hơn so với hệ thống chỉ sử dụng lọc bụi túi đơn thuần. Nó kết hợp những đặc điểm nổi bật của hệ thống ESP và hệ thống lọc bụi túi.

Lực tĩnh điện được sử dụng để giải quyết sự tổn  thất áp suất trong quá trình sử dụng hệ thống lọc bụi túi. Các hạt bụi được tích điện tạo thành các lớp có hình nhánh cây trên bề mặt của lưới lọc, ngăn chặn các hạt bụi thâm nhập vào bộ lọc tránh hiện tượng tắc túi lọc. Thiết bị túi lọc tĩnh điện đạt hiệu suất thu bụi cao.

2. Hệ thống khử lưu huỳnh  (Flue Gas Desulfurísation – FGD)

Khí hoá thạch được sử dung rất nhiều trong các ngành công nghiệp hiện nay. Khi cháy, chúng sinh ra một lượng lớn acid sulphuric (SOx). Một khi loại acid độc hại này được đưa vào khí quyển, nó sẽ đe doạ môi trường sống của con người như một loại ô nhiễm thứ cấp, ví dụ như mưa acid. Hệ thống khử lưu huỳnh FGD được áp dụng và tách được acid sulphuric (SOx) sinh ra trong quá trình vận hành, có hiệu quả cao để bảo vệ môi trường.

Thạch cao nhân tạo có thể được tận thu từ các nhà máy nhiệt điện, hóa chất bằng phương pháp khử lưu huỳnh theo công nghệ hiện đại FGD. Theo tính toán nếu tất cả các nhà máy nhiệt điện đốt than đều lắp đặt hệ thống khử lưu huỳnh theo công nghệ FGD đồng bộ kỹ thuật hiện đại thì mỗi năm ta có thể thu hồi 4-5 triệu tấn thạch cao nhân tạo thương phẩm, có chất lượng tốt làm phụ gia cho xi măng và làm tấm tường, tấm trần thạch cao, đồng thời thu hồi trên 20 triệu tấn tro bay và xỉ. Đây cũng là nguồn nguyên liệu từ phế thải công nghiệp để sản xuất vật liệu xanh, thân thiện môi trường, làm phụ gia và làm nguyên liệu sản xuất vật liệu không nung, bê tông khí trưng áp (AAC).

3.  Hệ thống lọc khí thải – khử Nox

Vấn đề ô nhiễm không khí ngày càng được quan tâm khi những thiệt hại gây ra bởi mưa acid và sương khói quang hoá dẫn đến các bệnh về đường hô hấp ngày một gia tăng. Loại bỏ NOx cùng các chất gây ô nhiễm khác như acid sulphuric, carbon monoxide và dioxin là yêu cầu quan trọng đối với các ngành công nghiệp (như nhà máy điện, nhà máy đốt, nhà máy thép, nhà máy thuỷ tinh, nhà máy xi măng). Các hệ thống khử NOx bao gồm các loại hình công nghệ : (i) Hệ thống khử NOx có chất xúc tác SCR; (ii_ Hệ thống khử NOx không có chất xúc tác NSCR; (iii) Hệ thống khử NOx  kết hợp.

Ưu điểm của hệ thống thải – khử NOx:

·       Hiệu quả khử khí NOx cao và ổn định (trên 90%);

·       Dễ dàng phun và phân huỷ chất xúc tác;

·       Tiêu thụ NH3 hoặc Urê [(NH2)2CO] thấp;

·       Tiết kiệm chi phí thay thế chất xúc tác do tái sinh và tái sử dụng chất xúc tác;

·       Hoạt động ổn định và tuổi thọ thiết bị cao;

·       Giá thành hợp lý;

·       Vật liệu sử dụng phù hợp chống ăn mòn hóa chất và điều kiện thời tiết khắc nghiệt;

·       Có đủ dải công suất để khách hàng lựa chọn

4. Công nghệ pha trộn và sàng rửa nhiên liệu than

Để cải thiện quá trình cháy và giảm thiểu tạp chất độc hại của than cấp vào lò nhà máy nhiệt điện, có thể áp dụng các dây chuyền cơ giới hóa thực hiện các công nghệ pha trộn và sang rửa than nhiên liệu thích hợp với yêu cầu buồng đốt của các lò hơi nhằm đạt tới hiệu suất lò tốt nhất.

5. Công nghệ thu hồi và lưu giữ CO2 ( Carbon Capture and Storage -CCS)

Đây là một công nghệ mới đang trong giai đoạn nghiên cứu thí điểm trong ngành than Việt Nam. Cụ thể, thay vì thải khí CO2 vào bầu khí quyển, công nghệ này sẽ thu hồi và lưu trữ cacbon (CCS) theo 4 bước:

·       Thu khí công nghiệp CO2

·       Vận chuyển CO2 đến nơi lưu trữ

·       Bơm CO2 vào kho chứa

·       Giám sát quá trình bơm CO2

6. Công nghệ làm vật liệu xây dựng và gạch không nung từ xỉ và tro bay thải ra tại các nhiệt điện than

Chủ yếu cần chú trọng ở hai khâu: cơ giới hóa dây chuyền vật liệu xây dựng và gạch không nung và sản xuất các phụ gia thích hợp phục vụ các dây chuyền sản xuất gạch không nung.

 

Theo Nghiên cứu “Phát triển nhiệt điện than ở Việt Nam: Góc nhìn tài chính” của Trung tâm Sáng tạo Xanh (GreenID), 2017, bên cạnh những quan ngại về tác động của nhiệt điện than tới môi trường và xã hội, tài chính cũng là một khía cạnh rất đáng quan tâm bởi nhu cầu vốn của các dự án nhiệt điện than rất lớn, trong khi đó tình hình kinh tế tài chính của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Theo đó, trong thời gian qua Việt Nam đã huy động được gần 40 tỷ USD để xây dựng các nhà máy nhiệt điện than và ước tính cần huy động thêm 46 tỷ USD nữa để hoàn thành kế hoạch phát triển nhiệt điện than tới năm 2030. Như vậy Việt Nam đã đi được nửa chặng đường huy động vốn. Trên nửa chặng đường đã qua, nguồn tài chính được xác định chủ yếu là vốn vay nước ngoài, trong đó, với 8,3 tỷ USD, Trung Quốc là quốc gia cấp vốn vay nhiều nhất cho nhiệt điện than ở Việt Nam. Nhật Bản (3,7 tỷ USD) và Hàn Quốc (3 tỷ USD) lần lượt đứng vị trí thứ 2 và thứ 3. Theo Báo cáo, trong khi những quốc gia cho vay vốn nhận được những lợi ích về kinh tế, chính trị thì những gì Việt Nam nhận được là nợ nần và rủi ro về môi trường, sức khỏe và an ninh chính trị quốc gia.

Nửa chặng đường huy động vốn tiếp theo của Việt Nam cho nhiệt điện than được dự đoán không mấy dễ dàng trước xu hướng thoái trào của nhiệt điện than và các chính sách thắt chặt tài chính của nhiều chính phủ và tổ chức tài chính cho loại năng lượng này. Bên cạnh đó là sự tham gia ngày càng đông đảo của các cá nhân, tổ chức trên toàn thế giới trong việc nói không với đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch để đạt được mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 2oC so với thời kì tiền công nghiệp. Trong khi đó, năng lượng tái tạo đang trở thành sự lựa chọn thay thế của nhiều quốc gia trên thế giới, cùng với nguồn tài chính tăng mạnh đầu tư vào nguồn năng lượng này. Từ những phân tích trên, Nghiên cứu khuyến nghị: 1/Chính phủ các nước và những tổ chức tài chính cần hiện thực hóa các cam kết và chính sách đã đưa ra, dừng cung cấp tài chính cho nhiệt điện than và chuyển sang hỗ trợ cho phát triển năng lượng tái tạo. 2/Trước xu hướng phát triển và những thay đổi trong chính sách đầu tư năng lượng, Việt Nam cần xem xét lại Quy hoạch Điện VII Điều chỉnh, giảm tối đa các dự án nhiệt điện than mới, thay thế bằng năng lượng tái tạo vì lợi ích môi trường xã hội và nắm bắt cơ hội đầu tư. 3/ Đối với những dự án bắt buộc cần phát triển, Việt Nam cần cẩn trọng trong việc lựa chọn nhà cung cấp tài chính để tránh những rủi ro về môi trường xã hội và chính trị do nguồn tài chính dễ tiếp cận mang lại. 4/ Khi số lượng các chủ đầu tư nước ngoài ngày càng tăng lên, rà soát các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và thắt chặt quản lý là vô cùng cần thiết để tránh những thảm họa môi trường như gần đây.

Chi tiết Báo cáo tham khảo tại: http://bit.ly/btcs520

[1] Nguồn: APERC- IEEJ; 2010; APEC Energy Demand and  Supply Outlook 2006 – Vietnam
[2] Nguồn: APERC- IEEJ; 2010; APERC 2007 A Quest for Energy Security và IEA- Statistics – 2015 – Non-member Countries of OECD – Vietnam.

TS. Nguyễn Văn Hanh, Chuyên gia năng lượng độc lập