Mong manh linh trưởng quý hiếm

Với nhiều người, cùng với sự ngạc nhiên là niềm tự hào khi loài voọc chà vá chân nâu trở thành biểu tượng tại APEC 2017, tổ chức tại Đà Nẵng. Đàn voọc quý hiếm tại bán đảo Sơn Trà đã thành một biểu tượng. Từ đây, cũng nên chiêm ngưỡng những đàn voọc của Việt Nam, xem hiện giờ chúng ra sao.

Một “gia đình” voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng).

“Vương quốc của nữ hoàng linh trưởng”

Bán đảo Sơn Trà không chỉ là “lá phổi xanh” điều tiết khí hậu, là bức bình phong chắn gió bão cho Đà Nẵng, là địa chỉ du lịch sinh thái lý tưởng… mà còn được giới khoa học môi trường đánh giá là “vương quốc” của một loài linh trưởng vô cùng quý hiếm: voọc chà vá chân nâu. Loài này thuộc danh mục nhóm 1B ở mức nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam. Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) cũng xếp voọc chà vá chân nâu vào danh sách các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện.

Một nghiên cứu của Hội Động vật học Frankfurt cho biết, tại Sơn Trà còn chừng 200 cá thể voọc chà vá chân nâu (trong khi một nghiên cứu khác cho rằng có khoảng 1.300 cá thể voọc chà vá chân nâu đang sinh sống trên bán đảo Sơn Trà), đang rất cần được bảo vệ. Đây là loài đặc hữu của Đông Dương chỉ còn dưới 2.000 cá thể. Chính vì thế, việc phát triển du lịch với những khối nhà bê-tông lừng lững “dọa” mọc lên khiến người ta lo ngại về số phận của bầy voọc. Yêu bán đảo, yêu loài linh trưởng quý giá này, không chỉ người Đà Nẵng mà giới khoa học cùng đồng thanh lên tiếng.

Tại Báo cáo “Lựa chọn bảo tồn trước sức ép từ phát triển: Trường hợp voọc chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà”, trình bày tại hội thảo “Giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà”, do Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) và Đại học Đà Nẵng tổ chức, đã đưa ra nhận định: Các mối đe dọa đối với hoạt động bảo tồn voọc chà vá chân nâu chủ yếu đến từ các dự án phát triển khiến diện tích rừng đặc dụng bị thu hẹp cùng những bất cập, hạn chế liên quan đến chính sách quản lý, bảo vệ bán đảo Sơn Trà. Mặt khác, áp lực của việc gia tăng dân số, tình trạng mất rừng do thiên tai, cháy rừng và vi phạm lâm luật cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sự suy giảm quần thể loài.

Đàn voọc chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà được  ví như một quần thể “nữ hoàng linh trưởng”, nhưng những “nữ hoàng” ấy có nguy cơ “mất nhà” khi điều kiện sống tự nhiên bị thu hẹp bởi con người.

Còn tại hội thảo “Công bố kết quả nghiên cứu hiện trạng quần thể voọc chà vá chân nâu và giải pháp bảo tồn loài tại bán đảo Sơn Trà”, do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Việt Nam (GreenViet) tổ chức cũng cho thấy, đàn thú quý này đang chịu nhiều yếu tố tác động, như nguy cơ suy giảm diện tích vùng sống do quy hoạch các dự án phát triển du lịch sinh thái; việc xây dựng hạ tầng giao thông trên bán đảo Sơn Trà gây chia cắt vùng sống; nguy cơ gia tăng nạn săn bắn, bẫy bắt khi phát triển du lịch thiếu kiểm soát; nguy cơ truyền bệnh từ người sang khỉ và voọc qua việc cho động vật ăn… Để bảo vệ quần thể “nữ hoàng linh trưởng”, nhiều người dân, các cơ quan, tổ chức đã đồng loạt lên tiếng đề nghị điều chỉnh quy hoạch bán đảo Sơn Trà hướng đến bảo vệ môi trường sinh thái.

Và cũng từ đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có công văn gửi Bộ VHTTDL, UBND thành phố Đà Nẵng, yêu cầu khẩn trương xem xét một cách thực sự khoa học và cầu thị các kiến nghị về việc điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà. Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

Đàn voọc chân đen trên núi Chứa Chan

Còn nhớ, ngày 15/7 năm ngoái, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Xuân Lộc (thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai) cho biết họ đã phát hiện một đàn voọc trên núi Chứa Chan.

Đây là một thông tin hấp dẫn đối với giới khoa học môi trường. Tuy nhiên, do đàn voọc sống ở vị trí vách đá dựng đứng, địa hình hiểm trở nên việc tiếp cận, đánh giá chính xác là khó khăn. Bước đầu, người ta ghi nhận đàn voọc này có chừng 10 con, đáng chú ý trong đàn có cả con non mới sinh và cả con cái đang mang thai. Điều đó cho thấy đàn voọc đang phát triển tự nhiên, đó là điều rất đáng quý. Đàn voọc trên núi Chứa Chan thuộc loài voọc chà vá chân đen, cũng nằm trong nhóm động vật nguy cấp quý hiếm (thuộc nhóm 1B).

Thông tin trên là niềm vui cho giới nghiên cứu khoa học, nhưng cũng lại là mối lo đối với những người có nhiệm vụ bảo vệ rừng, bảo vệ đàn voọc. Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, nạn săn bắt trái phép động vật hoang dã diễn ra gay gắt. Với đàn voọc chà vá chân đen này, rất có thể chúng sẽ bị săn bắt trộm, để bán cho những người thích chơi động vật quý hiếm với giá cao.

Chính vì thế, chính quyền tỉnh Đồng Nai cũng như lực lượng chức năng đã phải lên phương án bảo vệ đàn voọc. Một trong những điểm đáng chú ý của phương án này là “hạn chế sự hiện diện của con người trong vùng voọc thường xuyên sinh sống, di chuyển”. Điều đó cho thấy một thực tế con người đã tác động xấu tới thiên nhiên, không chỉ với riêng đàn voọc.

Núi Chứa Chan ở độ cao gần 840m so với mực nước biển, là ngọn núi cao thứ hai ở Nam Bộ (sau núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh). Loài voọc chà vá chân đen sống ở độ cao từ 300m đến 600m. Chúng di chuyển liên tục, theo một nhân viên kiểm lâm thì đáng lo ngại là chúng chưa ý thức được nguy hiểm đến từ con người, nên rất dễ bị bắt.

Tuy nhiên, thật mừng là cho đến thời điểm này, theo cơ quan kiểm lâm Đồng Nai, đàn voọc chà vá chân đen quý hiếm trên núi Chứa Chan vẫn bình yên. Dẫu rằng “không biết sự bình yên ấy có còn giữ được không”- một nhân viên kiểm lâm nói.

Vì vậy mới nói, chuyện của loài voọc hóa ra lại là chuyện của con người.

Vào tháng 8/2016, Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã thế giới (FFI) công bố: Mới tìm được một quần thể voọc mông trắng cực kỳ nguy cấp tại Việt Nam. Tại những cánh rừng miền núi phía Bắc, những nhà khoa học của FFI đã tiến hành điều tra thực địa nhằm xác minh sự tồn tại của loài này trong khu vực.

“Đã ghi nhận được 7 đàn với tổng số 40 cá thể. Đây là quần thể voọc mông trắng lớn thứ hai trên thế giới còn tồn tại”-  chuyên gia của FFI cho biết và thêm rằng, trong đàn có con non mới đẻ và con nhỏ. Điều này có nghĩa là chúng vẫn đang có khả năng sinh sản. Nếu được bảo vệ tốt, quần thể voọc quý hiếm này có thể được phục hồi và phát triển.