Bí thư Ninh Bình trả lời về công trình đội vốn hàng nghìn tỉ

Bên hành lang Quốc hội, Bí thư tỉnh Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh đã trả lời báo chí liên quan đến Dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê, công trình đội vốn hơn 2.500 tỉ đồng.

Trước đó, chiều 21-5, Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) được Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày đã nhấn mạnh tình trạng điều chỉnh dự án với giá trị lớn. Trong đó, cá biệt có Dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê (Ninh Bình) điều chỉnh giá trị tăng 36 lần, từ 72 tỉ đồng lên 2.595 tỉ đồng.

Bí thư Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh

Giải thích về nguyên nhân điều chỉnh giá trị dự án, bà Nguyễn Thị Thanh cho rằng “lỗi ở đây là câu chuyện cơ chế”.

“Dự án đã có từ hàng chục năm nay. Tâm lý ban đầu là làm sao được xếp vào danh mục, nên thiết kế quy mô vừa vừa để dễ được chấp nhận. Nhưng khi bắt tay vào làm rồi thì không thể chấp nhận như thế được vì đã làm phải làm đến nơi đến chốn. Nó phát sinh ra thì phải điều chỉnh lại dự án, lại phải phê duyệt. Cho nên dự án cứ nở dần, nở dần”- bà Thanh nói.

“Dự án liên quan đến khu cố đô nên yêu cầu phải mở rộng ra. Rộng ra thì liên quan đến dân, đến giải phóng mặt bằng, tái định cư, phải lo hai đầu: trả tiền cho dân tại chỗ và khu tái định cư cho người dân dời đến. Nguyên nhân đội vốn là khảo sát không kỹ, quy mô nghĩ đơn giản”- Bí thư Ninh Bình cho hay.

Theo bà, chủ đầu tư có phải chịu trách nhiệm gì về việc này?

+ Đương nhiên. Đây là lỗi tổng hợp, bắt đầu từ cơ chế chung của chúng ta về vấn đề đầu tư như việc xác định dự án, danh mục dự án, khống chế ban đầu, tổng mức đầu tư cho địa phương đối với các dự án nhóm A, B, C… Từ những quy định như vậy, chủ đầu tư xem khả năng của mình vào nhóm nào. Khi triển khai thì thực tiễn yêu cầu như thế. Đương nhiên chủ đầu tư có trách nhiệm chính. Các cơ quan cũng có trách nhiệm liên quan.

Câu chuyện dự án đội vốn rất nhiều có phải do địa phương tìm cách vẽ dự án nhỏ để xin vào danh sách, sau đó tìm cách mở rộng quy mô dự án lên?

+ Cũng có nhưng không phải tất cả. Thực tế thì muôn hình vạn trạng lắm. Nhưng cố gắng làm sao vừa theo quy định pháp luật, vừa là công tác điều hành, đặc biệt quy trách nhiệm cơ quan  thẩm định. Thẩm định sai, khi kiểm toán có vấn đề thì truy trách nhiệm. Anh phải chịu trách nhiệm và xử lý nặng nếu vi phạm thì hạn chế rất nhiều.

Bà có kiến nghị gì để có cơ chế kiểm soát các dự án như vậy?

+ Vừa rồi Luật Đầu tư công có thay đổi. Liên quan đến thẩm định nguồn vốn, xác định nguồn vốn có đủ cho dự án không? Thế nhưng lại có bất cập, dự án thì lớn, vốn không có, lại xuất hiện khó khăn mới, giữa quy mô và nguồn vốn lại vênh nhau. Đấy cũng là lý do cho việc giải ngân chậm. Khi xử lý tình huống này lại phát sinh tình huống mới. Để giải quyết trọn vẹn là câu chuyện rất khó khăn, khi bánh ngân sách của mình đang bé.

Theo tôi, cần phân loại dự án. Đối với những dự án cấp bách, khẩn cấp thì không thẩm định nhưng những dự án đầu tư công nằm trong kế hoạch đã xác định thời gian thì thẩm định nguồn vốn để dự án hoàn thành, không kéo dài. Quan trọng nhất, chúng ta đang xử lý dự án mà xảy ra bão lụt chẳng hạn, nếu chờ thẩm định xong sẽ xảy ra câu chuyện mất đê, mất đất…

Như bà đề xuất liệu có làm phát sinh việc “chạy dự án” cấp bách, khẩn khấp hay không?

+ Câu chuyện đó đòi hỏi sự công tâm, khách quan, công minh của những nhà thẩm định. Chỉ cần yêu cầu chủ đầu tư quyết định và tự chịu trách nhiệm hoàn toàn về dự án đó. Ví dụ như giao quyền hẳn cho chủ tịch tỉnh để xác định dự án đó là khẩn cấp hay cấp bách và anh chịu trách nhiệm về quyết định đó là giải quyết được. Còn nếu trao quyền mà không kiểm soát trách nhiệm thì đương nhiên sẽ có tiêu cực, không khẩn cấp cũng thành khẩn cấp, đánh tráo khái niệm, không cấp bách cũng thành cấp bách để người ta hưởng cơ chế.

Quy định thẩm quyền đi liền với trách nhiệm là giải quyết được, kể cả tổng mức đầu tư, chất lượng công trình, tiến độ.