Lần đầu tiên bẫy được ảnh Mang lớn tại Quảng Nam

Tháng 11/2017, hai cá thể Mang lớn (Muntiacus vuquangensis) lần đầu tiên được máy bẫy ảnh ghi nhận tại Quảng Nam trong một hoạt động điều tra và đánh giá đa dạng sinh học khu vực do WWF-Việt Nam, Viện nghiên cứu Vườn thú và Động vật Hoang dã Leibniz (IZW) phối hợp cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam thực hiện.

Nguồn ảnh: Leibniz-IZW, WWF-Việt Nam, USAID & Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam
Nguồn ảnh: Leibniz-IZW, WWF-Việt Nam, USAID & Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam

Kể từ năm 2000 đến nay, Mang lớn mới chỉ được ghi nhận thông qua máy bẫy ảnh tại ba khu rừng của Việt Nam. Lần ghi nhận này tại Quảng Nam – bao gồm một cá thể đực và một cá thể cái đang trong độ tuổi trưởng thành và sinh sản – đã mang lại niềm hy vọng lớn cho sự tồn tại của loài đang ở bên bờ tuyệt chủng.

Cùng với Mang lớn, qua các đợt giám sát đa dạng sinh học do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, máy bẫy ảnh cũng ghi nhận 64 loài động vật khác, trong đó có nhiều loài ưu tiên bảo tồn như cầy vằn (Chrotogale owstoni), gấu ngựa (Ursus thibetanus), thỏ vằn (Nesolagus timminsi) và tê tê (Manis spp).

Cũng theo tin từ WWF – Việt Nam, hiện các đội nghiên cứu của tổ chức này và IZW đang mở rộng khu vực khảo sát đa dạng sinh học bằng máy bẫy ảnh, trong đó bao gồm những nơi có tiềm năng đa dạng sinh học cao tại tỉnh Thừa Thiên Huế và phía Bắc của tỉnh Quảng Nam.