Cơ hội lớn cho ĐBSCL xả lũ bồi đắp phù sa

ThienNhien.Net – Ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đang đón mùa lũ năm 2017 này như thế nào để vừa tăng phù sa cho đất, vừa bảo vệ sản xuất và tận dụng mùa nước lũ để mưu sinh. NNVN có cuộc trao đổi với ông Võ Thành Ngoan – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp.

Ông Võ Thành Ngoan – Phó GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp

Thưa ông, lũ năm 2017 về sớm và cao hơn trung bình nhiều năm, đây có phải là niềm vui khi trong những năm qua không có lũ?

Ngành Nông nghiệp chúng tôi thấy hết sức phấn khởi, dù có không ít lo lắng. Lũ là hiện tượng tự nhiên xảy ra hàng năm, nó gắn liền với lịch sử phát triển của ĐBSCL, người dân vùng ngập lũ đã chủ động hạn chế được lũ dữ và khai thác lũ hiền, lũ đẹp một cách hiệu quả nhằm cải thiện cuộc sống. Phấn khởi là bởi vì sau trận lũ lịch sử năm 2011, 4 năm sau đó có đỉnh lũ nhỏ là các năm 2012, 2015 và 2016 có mực nước thấp hơn mức báo động I, năm 2014 có mực nước thấp hơn mức báo động II.

Đã 5 năm qua Đồng Tháp và nhiều tỉnh khác không có lũ đẹp về để người dân vùng lũ đón nhận và tận dụng những lợi thế mà thiên nhiên mang lại như dòng chảy lũ đem theo lượng phù sa bồi đắp cho đồng ruộng. Lượng phù sa này không những được lắng đọng lại giữa đồng bằng, mang đến những vụ lúa bội thu sau đó, mà còn vệ sinh môi trường đồng ruộng. Mùa lũ do ngập nước đã làm cho tính chất của nước ở Đồng Tháp Mười thay đổi, độ pH tăng (pH xấp xỉ 6), lượng oxy hòa tan tăng, nguồn thức ăn phong phú là điều kiện thuận lợi cho sự sinh sản, phát triển, sinh trưởng của các loài cá thiên nhiên và các loài thủy sinh vật khác như điên điển, ấu, rau nhút, sen, súng… Từ đó góp phần cải thiện đời sống cho cư dân bản địa qua việc đánh bắt thủy sản tự nhiên; trồng các loài thủy sinh, phát triển các ngành nghề đan lờ, lợp, lưới, đóng xuồng…

Bên cạnh thì cũng có những lo lắng. Cụ thể, nguồn thủy sản tự nhiên bị khai thác không có kiểm soát, nhiều loại bị tận diệt đến cạn kiệt; những ô bao đang sản xuất lúa chưa thu hoạch còn thấp, bị nước lũ đe dọa; những ô bao đang sản xuất lúa đan xen với người trồng màu, nuôi thủy sản hoặc trồng cây ăn trái không thể xả lũ được.

Xả lũ để bồi đắp phù sa cho đất là việc nên làm hiện nay. Tuy nhiên, làm thế nào để việc xả lũ không gây mâu thuẫn giữa sản xuất lúa với trồng cây ăn trái, nuôi thủy sản? Và xả lũ như thế nào là tốt nhất, thưa ông?

Như đã nói ở trên, mâu thuẫn giữa xả lũ trong các ô bao sản xuất lúa đan xen với người trồng cây ăn trái, nuôi thủy sản là một thực tế hiện nay.

Để giải quyết mâu thuẫn này, cũng như tiến hành xả lũ một cách phù hợp, các địa phương cần lấy ý kiến của người dân trong khu vực ô bao để có sự đồng thuận cao, còn cách giải quyết cụ thể còn phải tùy thuộc vào từng trường hợp.

Ngành nông nghiệp cũng đã quy hoạch rất rõ vùng nào làm ô bao chống lũ, quản lý lũ triệt để, vùng nào chống lũ có kiểm soát và những vùng có xả lũ khi làm lúa 2 vụ. Tuy nhiên, ở một vài địa phương xảy ra vướng mắc là trong cùng một ô bao có sản xuất lúa là chính lại xen lẫn trồng màu, trồng cây ăn trái. Vì vậy khi xả lũ người dân không đồng thuận, nhất là người dân trồng cây ăn trái lo sợ ảnh hưởng chết cây. Và chúng tôi cũng xác định rằng những hộ dân trồng cây ăn trái trong các ô bao sản xuất lúa này là tự phát, nằm ngoài quy hoạch.

Do đó chính quyền địa phương cần tăng cường hơn trong khâu quản lý quy hoạch (quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch sản xuất nông nghiệp), phải làm mạnh, làm rõ ngay từ đầu khi người dân mới tự phát chuyển đổi cây trồng để tránh xảy ra tình trạng như hiện nay. Đồng thời, ở địa phương chúng ta nên cần nghiên cứu để điều chỉnh quy hoạch phù hợp.

Đối với người nông dân cần nâng cao nhận thức về tính tập thể, liên kết giữa nông dân với nhau trong khu vực. Ví dụ như liên kết cùng sản xuất một loại cây trồng để thuận tiện trong phòng chống thiên tai, xả lũ, tiêu thụ sản phẩm… Cùng với đó là tuân thủ theo quy hoạch sản xuất nông nghiệp.

Năm nay nước lũ về nhiều hơn các năm, xem như có mùa lũ đẹp

Với đỉnh lũ năm nay sẽ cao hơn trung bình nhiều năm nên đây là cơ hội xả lũ lấy phù sa, vệ sinh đồng ruộng, cải tạo độ pH của đất và chuẩn bị cho vụ đông xuân năm sau tốt hơn. Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân nên xả lũ đối với những diện tích chưa xuống giống lúa vụ 3 và lúa vụ hè thu nếu thu hoạch sớm thì cũng tranh thủ xả lũ. Về thời gian xả lũ và mức xả lũ là do các ngành chuyên môn của huyện, xã hướng dẫn và lấy ý kiến người dân của từng ô bao cụ thể.

Xả lũ cũng sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất và đời sống của người dân. Ông có thể giới thiệu những mô hình sản xuất hiệu quả trong mùa lũ để đảm bảo sinh kế cho người dân?

Căn cứ vào điều kiện tự nhiên, điều kiện nguồn nước và hiện trạng sản xuất, chúng tôi giới thiệu một số mô hình sản xuất hiệu quả trong mùa lũ để đảm bảo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân. Mô hình 2 vụ lúa xen canh 1 vụ cá tự nhiên: Cá (cá tự nhiên hoặc cá nuôi) được nuôi kết hợp với lúa hè thu và thu hoạch trước khi bắt đầu vụ đông xuân. Mô hình này thích hợp cho vùng lũ cao, lũ vừa, vẫn giữ sản xuất lúa hè thu. Kế đến là mô hình 2 vụ lúa và 1 vụ tôm càng xanh (có thể nuôi ở vùng nước lũ thấp): Sau khi thu hoạch lúa hè thu, tôm được thả nuôi trong mùa lũ đến đầu vụ lúa đông xuân thì thu hoạch để cải tạo ruộng trồng lúa đông xuân. Mô hình này có thời gian nuôi ngắn nên phải tuân thủ đúng thời vụ và phải thả tôm giống có kích cỡ lớn.

Xin cảm ơn ông!