Bắc cầu gắn kết nông nghiệp và y tế

ThienNhien.Net – Mối liên hệ giữa ngành nông nghiệp và y tế có vẻ rất rõ ràng và đơn giản, song vì các chính sách y tế và nông nghiệp trong thực tế lại chưa phối hợp chặt chẽ với nhau, mối quan hệ này trở nên phức tạp hơn nhiều. Dù vậy, có một điều rất hiển nhiên là sự phối kết hợp của hai ngành này có thể giúp dẹp bớt những chông gai trên con đường đấu tranh với bệnh tật, đói nghèo và tình trạng suy dinh dưỡng trên toàn cầu.

Ảnh hưởng tương tác mà người ta có thể dễ thấy nhất giữa nông nghiệp và y tế là phát triển trồng trọt sẽ giúp con người có nhiều lương thực hơn và sống khỏe mạnh hơn. Song, một mối liên hệ có lẽ ít được nhìn nhận và phát huy là sự phối kết hợp của các chuyên gia y tế trong các dự án phát triển nông nghiệp có thể còn giúp nhận ra các nguy cơ sức khỏe để qua đó cải thiện khâu thiết kế dự án.

Thực tế cho thấy, mặc dù năng suất nông nghiệp và sản lượng lương thực đã gia tăng đáng kể trong 50 năm qua và giá lương thực cũng giảm, thế giới vẫn còn khoảng một tỷ người suy dinh dưỡng kinh niên.

Thêm nữa, sản xuất ngũ cốc, đường và chất béo tinh chế giá rẻ còn khiến chế độ dinh dưỡng của cư dân đô thị trở nên giàu năng lượng và nghèo dinh dưỡng – nguyên nhân bùng phát chứng bệnh béo phì và tiểu đường cùng các căn bệnh mãn tính liên quan. Điều này có thể thấy rất rõ ở các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Mexico.

Gánh nặng cho người nghèo

Các vấn đề về sức khỏe có liên quan đến nông nghiệp đặc biệt trầm trọng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Bởi lẽ, chính phủ của các quốc gia này có thể phải đối mặt với cả tình trạng thiếu dinh dưỡng kinh niên ở nông thôn và chế độ ăn uống bất hợp lý ở đô thị – một “gánh nặng kép” gây ra các bệnh liên quan đến chế độ dinh dưỡng.

Ngoài ra, các nước đang phát triển còn chịu mối đe dọa lớn về an toàn thực phẩm do ô nhiễm hóa chất, các bệnh do độc tố nấm và bệnh lây truyền từ động vật sang người như bệnh do virus Ebola và cúm gia cầm.

Hầu hết người nghèo ở những nước này là nông dân và công nhân trang trại, những người mà sinh kế và thu nhập cần thiết để chi trả cho các dịch vụ y tế đều phụ thuộc vào nông nghiệp. Mối đe dọa tới nền nông nghiệp vì vậy với họ cũng chính là mối đe dọa đến sức khỏe.

Tồi tệ hơn, các căn bệnh như HIV/AIDS không chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng suy dinh dưỡng mà còn có thể làm suy yếu lực lượng lao động, năng suất nông nghiệp và khả năng đảm bảo sinh kế. Để minh họa, một nghiên cứu ở Kenya cho thấy một người đàn ông trong gia đình làm nông mất đi có thể giảm tới 2/3 năng suất lương thực tính trên đầu người của gia đình đó.

Y tế và nông nghiệp cần xích lại gần nhau

Có 4 biện pháp để thực thi chiến lược cải thiện dinh dưỡng cơ bản, bao gồm: bổ sung chế độ dinh dưỡng của người nghèo, cải thiện thực phẩm chế biến, gieo trồng thêm nhiều loại cây lương thực giàu dưỡng chất, đẩy mạnh khuyến nông và chế độ ăn uống đa dạng.

Nếu được phối hợp tốt giữa hai ngành, những biện pháp này sẽ là bộ công cụ tuyệt vời để ngăn chặn tình trạng suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, hiện mỗi phương pháp lại được “sở hữu” và phát triển bởi các cộng đồng chuyên gia y tế và nông nghiệp khác nhau, gây khó khăn cho việc tiếp cận phối hợp.

Hẳn nhiên, chìa khóa để giải quyết vấn đề nằm trong sự phối kết hợp chặt chẽ hơn trong các chính sách y tế và nông nghiệp, bắt đầu từ việc “vạch mặt chỉ tên” các ảnh hưởng tương tác tiêu cực và cùng nhau giải quyết.

Sự thiếu kết hợp của hai ngành này trong thực tế đã tạo ra nhiều rất nhiều hệ lụy. Chẳng hạn, các dự án thủy lợi giúp tăng sản lượng lương thực có thể lại vô tình tạo môi trường thuận lợi bùng phát các dịch bệnh như sốt rét hay bệnh sán máng.

Tại Sri Lanka, việc triển khai các dự án tưới tiêu và hỗ trợ chăn nuôi lợn đã tạo điều kiện lý tưởng cho căn bệnh viêm não Nhật Bản bùng phát, vì muỗi vectơ sinh sôi trong kênh mương và biến lợn thành vật chủ ký sinh.

Thu hút sự tham gia của các chuyên gia y tế vào các dự án phát triển nông nghiệp vì thế có thể giúp dự đoán các nguy cơ tương tự và cải thiện khâu thiết kế dự án.

Hơn nữa, các chuyên gia nông nghiệp và y tế cần bắt tay với nhau nhằm tái thiết lập sự cân bằng trong chế độ dinh dưỡng bằng cách tạo ra các thực phẩm giàu dưỡng chất có giá thành rẻ hơn.

Rào cản hợp tác

Với những lợi ích rõ ràng đến thế, vậy điều gì còn cản trở con đường hợp tác vì mục tiêu phát triển của hai ngành nông nghiệp và y tế?

“Ngôn ngữ” được coi là một rào cản. Chẳng hạn, các chuyên gia nông nghiệp luôn nói về việc cải thiện sức khỏe nhờ tăng dưỡng chất trong thực phẩm, trong khi các chuyên gia sức khỏe lại tập trung giải quyết chỉ số DALYs (Disability adjusted life years – Tuổi đời mất đi do bệnh tật).

Trong khi đó, hầu hết các ước tính về lượng thực phẩm tiêu thụ và sức khỏe dinh dưỡng, vốn là cơ sở để đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng, lại nhờ vào phương pháp loại suy các dữ liệu về sản lượng nông nghiệp chứ không phải nhờ vào đánh giá thực tế chế độ dinh dưỡng của con người và tác động của nó tới sức khỏe.

Trong trường hợp này, các số liệu và phương pháp chung có thể làm nền cho cách tiếp cận phối hợp. Ví dụ, một nghiên cứu gần đây về loại gạo có hàm lượng vitamin A cao ở Philippines đã chứng tỏ rằng lợi ích của việc cải tiến nông nghiệp sẽ đồng thời mang lại tác động tích cực với chỉ số DALYs.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất trên con đường hợp tác y tế và nông nghiệp lại là sự cô lập quá lâu của hai ngành trong nghiên cứu cũng như chính sách. Khoảng cách này có thể thấy ở cả các cơ quan liên chính phủ của Liên Hợp Quốc, ở cấp bộ ngành và trong cả các trường đại học, viện nghiên cứu.

Và lẽ tất nhiên, bức tranh phát triển phân tán này làm giảm tính hiệu quả của các can thiệp về chính sách.

Những tín hiệu vui

Sau một thời gian dài xao lãng hợp tác, vì những lợi ích thiết thực, giờ đây hai ngành y tế và nông nghiệp đang có những bước đi xích lại gần nhau.

Đây là cơ sở để ra đời Trung tâm Nghiên cứu Hợp tác Nông nghiệp và Y tế Leverhulme (LCIRAH), nơi tập hợp các học giả trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp và các ngành khoa học xã hội và tự nhiên khác nhằm xác định và tiến hành các nghiên cứu chung về nông nghiệp và y tế.

Cơ quan này là sáng kiến của Trung tâm Phát triển Quốc tế London thuộc Đại học London, nơi áp dụng phương pháp tiếp cận liên ngành để giải quyết các vấn đề phát triển phức tạp.

Ngoài ra, Nhóm Tư vấn Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế (CGIAR) cũng đang xúc tiến một chương trình nghiên cứu nông nghiệp và y tế.

Khái niệm “sức khỏe sinh thái” – kết nối hệ động vật, sức khỏe con người và môi trường – đang được tích hợp vào các chương trình của Liên Hợp Quốc và các tổ chức khác.

Và hai lĩnh vực phát triển không bao giờ nên tách rời nhau giờ đây đang nhích lại gần nhau.


Giáo sư Jeff Waage, tác giả bài viết, là Giám đốc của Trung tâm Phát triển Quốc tế London và là Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Hợp tác Nông nghiệp và Y tế Leverhulme.