Gia Lai: Nghi vấn đường dây buôn lậu cây giáng hương

Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pưh (Gia Lai) vừa bắt giữ 8 cây giáng hương. Tuy vậy, hình ảnh mà PV Báo Lao Động có được là khoảng một trăm cây giáng hương có nguồn gốc từ Đắk Lắk vận chuyển đi qua địa bàn Gia Lai để đưa ra Hà Nội tiêu thụ.

Cây giáng hương được tập kết lên xe tải chờ đưa đi tiêu thụ. Ảnh Đình Văn

Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Chư Pưh Nguyễn Sơn Lâm nói, ngày 17.4, đơn vị bắt một xe chở 8 cây giáng hương tại xã Ia Le (huyện Chư Pưh, Gia Lai), giáp ranh địa phận với huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk.

Mắc võng canh gác, chờ hàng để giáng hướng từ máy cày độ chế lên xe tải. Ảnh Đình Văn

Xe và tang vật được đưa về Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pưh để điều tra nguồn gốc, làm rõ chủ lô hàng và vận chuyển đi đâu.

Kiểm tra, 8 cây giáng hương có đường kính 10-20cm, cao 4-5m, phần rễ được bao bọc, ủ đất để đem đến nơi trồng mới.

Vụ bắt giữ này chỉ là bề nổi so với hình ảnh mà PV Báo Lao Động có được. Trong hình ảnh, có thời điểm hơn một trăm cây giáng hương được tập kết sát bìa rừng, trong lâm phần một Cty Caosu đóng tại hai huyện Ea H’leo và Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk). Đây là những cây giáng hương rừng tự nhiên, vận chuyển bằng xe máy cày độ chế, đến điểm tập kết thì bốc lên xe tải, đưa ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ, chủ yếu là Hà Nội.

Có lúc, để gom cho đủ số lượng, xe tải cho người mắc rất nhiều võng để chờ hàng, canh gác. Nhiều cây có đường kính lên đến 30-40cm. Việc vận chuyển diễn ra khá rầm rộ và ngang nhiên.

Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, việc khai thác tận gốc, bứng cả rễ những cây giáng hương con, sẽ có khả năng xóa sổ loại cây này ở Tây Nguyên.

Giáng hương là loại cây gỗ quý, thuộc Nhóm I, thớ láng mịn và có mùi hương rất thơm, bền chắc và rất ít co giãn. Gỗ của loài cây này dùng để đóng đồ nội thất cao cấp.