Các nhà khoa học Mỹ và Anh vừa phát minh ra một loại enzyme có thể “ăn” rác nhựa, mở ra một giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm rác nilon đang gia tăng trên phạm vi toàn cầu. Nghiên cứu mang tính đột phá này vừa được công bố hôm 16/4.
Theo CNA, hiện mỗi năm các đại dương phải hứng chịu khoảng trên tám triệu tấn rác thải nhựa các loại, phát sinh từ phế phẩm có nguồn gốc dầu mỏ tác động xấu đến sức khỏe nhân loại cũng như môi trường. Bất chấp các nỗ lực tái chế, nhưng hầu hết các loại rác nhựa vẫn tồn tại hàng trăm năm ở môi trường tự nhiên và hiện giới khoa học vẫn đang nỗ lực nghiên cứu tìm ra giải pháp đối phó.
Kết quả là các nhà nghiên cứu ở đại học Portsmouth (Anh) và Cơ quan nghiên cứu năng lượng tái tạo Mỹ đã tập trung vào một loại vi khuẩn tự nhiên được tìm thấy ở Nhật Bản cách nay vài năm. Giới khoa học Nhật Bản cũng tin rằng, loại khuẩn này sinh ra trong quá trình tái chế rác thải nhựa có tên gọi Ideonella sakaiensis có khả năng phân hủy các loại nhựa phổ biến nhất là polyethylene terephthalate (PET), được sử dụng rộng rãi trong sản xuất chai lọ bằng nhựa.
Khi cho tổ hợp vi khuẩn tiếp xúc với lớp màng mỏng PET, chúng phân hủy nhựa tạo thành những vết lõm. Sau đó lớp màng nhựa PET đã bị phân hủy hết sau 6 tuần. “Chúng tôi phân lập thành công vi khuẩn Ideonella sakaiensism khỏi tổ hợp vi sinh vật, và nhận thấy chủng vi khuẩn này sản xuất hai loại enzym là PETase và MHETase”, các nhà nghiên cứu cho biết.
Được biết hiện các nhà khoa học vẫn đang cùng nhau tiến hành các nghiên cứu sâu nhằm cải thiện loại enzyme này, với hy vọng đối phó triệt để với vấn nạn rác thải nhựa hiện nay.