Hà Nội: Bến chui, cát tặc và xe tải nặng phá đường liên huyện

ThienNhien.Net – Những tuyến đường liên huyện trên địa bàn Gia Lâm đang trở thành “thế giới riêng” của những hung thần xe quá khổ, quá tải. Ẩn sau đó còn là những mảng tối của câu chuyện bến chui, cát tặc…

Ảnh: Đỗ Văn
Đường đê Vàng, Ỷ Lan (Gia Lâm, Hà Nội) được cắm biển hạn chế trọng lượng xe 10 tấn nhưng đã từ lâu trở thành con đường huyết mạch của xe tải nặng 60-70 tấn (Ảnh: Đỗ Văn)

“Bắt cóc bỏ đĩa”

Theo phản ánh của người dân xã Đặng Xá, chúng tôi có mặt tại đường Ỷ Lan – một con đường liên huyện được cắm biển hạn chế trọng lượng xe 10 tấn trở xuống, thế nhưng nổi tiếng cả vùng vì hoạt động nhộn nhịp của xe “hổ vồ”, xe quá khổ, quá tải chở cát, sỏi, ximăng, sắt thép… có tổng trọng lượng hàng chục tấn.

Vào thời điểm buổi sáng, hàng chục lượt xe quá khổ, quá tải vẫn chạy ầm ầm với tốc độ cao. Một người dân ở đây cho biết: “Nạn xe quá khổ, quá tải với người dân chúng tôi diễn ra từ nhiều năm nay rồi. Ban ngày thì lo tai nạn giao thông, ban đêm lượng xe hoạt động đông gấp nhiều lần, gây mất ngủ”.

Bám theo những chiếc xe quá khổ, quá tải, PV Báo Lao Động nhận thấy sở dĩ đường Ỷ Lan trở thành tuyến vận tải huyết mạch vì một đầu được kết nối với quốc lộ 5, một đầu là bến Lời – một cảng vận chuyển hàng hóa, kiêm… khai thác, tập kết cát.

Theo điều tra của PV Báo Lao Động, đây là một bến cảng chui, khai thác lậu cát ngay trong lòng sông Đuống. Các loại hàng hóa, vật liệu xây dựng từ bến Lời được xe tải hạng nặng vận chuyển về các nhà máy, khu công nghiệp dọc đường 5. Vì các lực lượng chức năng kiểm tra gắt gao tải trọng trên quốc lộ 5 vào ban ngày nên hoạt động của cảng và vận chuyển hàng hóa chủ yếu vào ban đêm.

Hoạt động nhộn nhịp của bến Lời với đủ các loại hàng hóa, và xe tải hạng nặng. 
Hoạt động nhộn nhịp của bến Lời với đủ các loại hàng hóa, và xe tải hạng nặng

280915_cat3

Một người dân xã Đặng Xá cũng cho biết: “Thỉnh thoảng thấy CA huyện, thanh tra giao thông xuất hiện ở con đường này “vẫy” xe quá tải. Nhưng cơ quan chức năng không dẹp bến cảng chui kia đi thì khác gì “bắt cóc bỏ đĩa”. CA, thanh tra vừa đi là xe quá tải lại chạy ầm ầm”.

Cảng chui, cát lậu… ai chịu trách nhiệm?

Truy tìm chủ nhân của bến Lời, Đặng Xá, PV Báo Lao Động thấy nổi lên hai doanh nghiệp là: Cty TNHH kinh doanh vật tư và vận chuyển Hà Trang (trụ sở tại Trâu Quỳ, xã Cổ Bi, Gia Lâm) và Cty TNHH đầu tư xây dựng An Thịnh (trụ sở 172 Hoàng Hoa Thám, quận Tây Hồ).

Hai doanh nghiệp này đều được Sở TNMT Hà Nội cho thuê đất. Theo Hợp đồng số 72-2006/TNMTNĐ-HĐTĐTN ngày 27.6.2006, Cty Hà Trang được thuê 4.441m2 với giá hơn 22,2 triệu đồng/năm. Còn theo Hợp đồng số 32-2005/TNMTNĐ-HĐTĐTN ngày 7.4.2005, Cty An Thịnh được thuê 16.893m2 với giá thuê trên 42,2 triệu đồng/năm.

Theo hợp đồng với Sở TNMT, hai doanh nghiệp này được thuê “hằng năm” và làm “bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng”. Thế nhưng, các doanh nghiệp này không những biến bến Lời thành bến cảng vận chuyển đủ các loại hàng hóa, mà còn ngang nhiên tổ chức khai thác cát lậu trên dòng sông Đuống.

Điều thú vị là UBND xã Đặng Xá nằm ngay mặt đường Ỷ Lan và cách bến Lời vài trăm mét, hằng ngày cả trăm lượt xe tải hạng nặng phóng như mắc cửi trước mặt ủy ban.

Khi PV Báo Lao Động yêu cầu làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trước tình trạng xe quá khổ, quá tải hoạt động trên đường Ỷ Lan và việc khai thác cát lậu ở bến Lời, ông Đoàn Văn Bắc – Chủ tịch UBND xã Đặng Xá – cho biết, UBND xã đã nhiều lần có văn bản báo cáo UBND huyện Gia Lâm đề nghị giải quyết. Tuy nhiên khi PV yêu cầu cung cấp những báo cáo của UBND xã thì công văn “mới nhất” được đề ngày… 20.8.2012 (?!).

Theo CV này, “Ngày 20.7.2012 UBND xã Đặng Xá ra thông báo về việc nghiêm cấm khai thác và kinh doanh vật liệu xây dựng tại khu vực bến Lời… yêu cầu hai đơn vị là Cty TNHH kinh doanh vật tư vận chuyển Hà Trang và Cty TNHH đầu tư xây dựng An Thịnh nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác… Tuy nhiên, tại vị trí các bãi tập kết cát đen của Cty Hà Trang và Cty An Thịnh, việc thực hiện giải tỏa vẫn chưa triệt để, vẫn còn hiện tượng hút và tập hợp cát đen lên bến bãi”.

Theo một Phó Chủ tịch UBND xã Đặng Xá, hợp đồng của các DN với Sở TNMT Hà Nội được gia hạn hằng năm, nhưng thông thường phải đến giữa năm thì các doanh nghiệp mới nộp giấy phép gia hạn cho UBND xã. “Như vậy, có đến một nửa năm là các DN này hoạt động chui?” – PV Báo Lao Động đặt câu hỏi. Vị Phó Chủ tịch xã này chỉ cười trừ mà không trả lời.(?!)