Ô nhiễm môi trường từ các nhà máy thép

Trên địa bàn xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) hiện có hai nhà máy thép (Công ty Cổ phần thép Dana-Ý và Công ty Cổ phần thép Dana-Úc) đang hoạt động. Quá trình sản xuất, hai nhà máy này gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân địa phương.

“Sống chung” với bụi thép và tiếng ồn

Hơn chục năm nay, người dân ở thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2 (xã Hòa Liên) phải sống chung với khói bụi, tiếng ồn do hai nhà máy thép nói trên tán phát ra môi trường. Ông Nguyễn Văn Minh, trú tại tổ 2, thôn Vân Dương 2 cho biết: “Sau khi hai nhà máy thép đi vào hoạt động, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Người dân đối mặt với nguy cơ bệnh tật, nhà cửa hư hỏng… do môi trường bị ô nhiễm”.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, tình trạng ô nhiễm ở đây diễn ra từ năm 2006, kéo dài đến nay. Khi các dây chuyền của hai nhà máy hoạt động, toàn bộ khu dân cư rung chuyển như động đất; nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải từ hai nhà máy thẩm thấu xuống lòng đất. Trước đây, người dân sử dụng nước giếng để ăn uống, sinh hoạt hằng ngày, nhưng nhiều năm nay, nguồn nước này không sử dụng được do có màu vàng, bốc mùi hôi thối nồng nặc…

Nhà máy thép Dana – Ý nằm sát khu dân cư thôn Vân Dương 2.

Ông Mai Xuân Thọ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Vân Dương 2 cho biết: “Tình trạng ô nhiễm rất nghiêm trọng. Gần đây, mỗi năm thôn có hàng chục người chết do ung thư nhiều khả năng liên quan đến ô nhiễm môi trường. Hầu hết nhà dân lợp tôn đều bị hư hỏng do bụi thép, hóa chất. Ô nhiễm nguồn nước và bụi thép khiến cây cối trong thôn chết gần hết. Ngày trước, vú sữa là cây trồng truyền thống của địa phương, nhưng nay thì cây chết hoặc không phát triển được…”.

Sớm giải quyết dứt điểm

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường ở xã Hòa Liên, năm 2017, UBND TP Đà Nẵng có chủ trương di dời dân khỏi khu vực ô nhiễm. Ngày 2-3-2018, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã ký văn bản số 1446/UBND-QLĐT, triển khai nội dung Thông báo số 336-TB/TU của Thành ủy Đà Nẵng về Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy liên quan đến tình hình hoạt động hai nhà máy thép Dana-Ý, Dana-Úc và Công văn số 107-CV/BCS của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố về triển khai Thông báo số 336-TB/TU; Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng có ý kiến như sau: “Thời gian qua, hoạt động của nhà máy thép Dana-Ý, Dana-Úc tại xã Hòa Liên có nhiều ý kiến của dư luận, ảnh hưởng đến cảnh quan, đời sống của nhân dân và không phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển tại khu vực. Vì vậy, lãnh đạo thành phố thống nhất chủ trương không để hai nhà máy thép này tiếp tục hoạt động tại xã Hòa Liên; đồng thời thu hồi, hủy bỏ chủ trương giải tỏa, di dời các hộ dân tại khu vực lân cận hai nhà máy. Lãnh đạo thành phố yêu cầu Công ty Cổ phần thép Dana-Ý và Công ty Cổ phần thép Dana-Úc ngừng toàn bộ hoạt động sản xuất trực tiếp (nấu, luyện) gây ô nhiễm môi trường kể từ ngày 2-3-2018”.

Tuy nhiên, đến ngày 23-3-2018, UBND TP Đà Nẵng lại có Thông báo số 30/TB-UBND về triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng liên quan đến hoạt động của Công ty Cổ phần thép Dana-Ý và Công ty Cổ phần thép Dana-Úc tại xã Hòa Liên, do Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh ký. Theo đó, UBND TP Đà Nẵng thống nhất theo đề nghị của hai công ty trên, cho phép hoạt động sản xuất thép trở lại kể từ ngày 26-3-2018.

Trong Thông báo số 30/TB-UBND, UBND TP Đà Nẵng cho phép hai nhà máy hoạt động trong thời gian 6 tháng để xử lý những tồn tại liên quan của doanh nghiệp và giảm thấp nhất các thiệt hại phát sinh khi dừng hoạt động theo quy định pháp luật; đồng thời đề nghị hai công ty này không thực hiện việc mở rộng hoạt động sản xuất, không giao kết hợp đồng mua nguyên, vật liệu là phế liệu để sản xuất thép. Thế nhưng, theo phản ảnh của người dân địa phương, những ngày qua, hai công ty này vẫn liên tục nhập rất nhiều nguyên, vật liệu về nhà máy để sản xuất.

Nhiều người dân TP Đà Nẵng nói chung, xã Hòa Liên nói riêng thắc mắc, tại sao hai nhà máy này vẫn ngang nhiên nhập nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất trở lại? Và đến khi hết thời hạn 6 tháng, liệu hai nhà máy này có dừng sản xuất hay tiếp tục “điệp khúc” xin gia hạn thời gian hoạt động để giải quyết nốt nguyên, vật liệu tồn đọng?