Làm gì để bảo tồn, khai thác hiệu quả nguồn dược liệu?

Nước ta có hơn 4.000 cây thuốc (cây dược liệu), vốn được coi là kho thuốc quý. Thế nhưng việc bảo tồn, phát triển “kho báu” này còn tồn tại nhiều bất cập, khiến nhiều cây thuốc đang phải đối mặt với nguy cơ cạn kiệt, thậm chí tiệt chủng. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trò chuyện với Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ (NGND, GS, TS) Phạm Thanh Kỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Dược xung quanh chủ đề này.

Phóng viên (PV): Thưa ông, Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi khi có nguồn dược liệu rất phong phú với hơn 4.000 cây thuốc, nhưng dường như chúng ta chưa tận dụng tốt điều này?

NGND, GS, TS Phạm Thanh Kỳ: Đúng là chúng ta có nhiều loại cây thuốc. Tuy nhiên, số cây thuốc trở thành hàng hóa chỉ đếm trên đầu ngón tay. Muốn để cây thuốc trở thành hàng hóa thì phải có đầu tư nghiên cứu, trồng trọt ở quy mô lớn, có quy hoạch vùng trồng. Quá trình trồng phải tuân thủ đúng quy trình để bảo đảm chất lượng. Ngay cây thuốc hiện nay nếu không biết giữ, chúng ta cứ khai thác vô tội vạ sẽ dẫn đến cạn kiệt. Ví dụ, cây vàng đắng được chiết xuất để sản xuất thuốc berberin có tác dụng kháng khuẩn, chữa đau bụng, lỵ rất tốt, nhưng lâu nay, chúng ta khai thác mà không quan tâm đến bảo tồn nên dẫn đến cạn kiệt. Bây giờ không còn nữa bởi vàng đắng là cây lâu năm phải trồng hàng chục năm mới khai thác được. Hiện nay, doanh nghiệp muốn sử dụng vàng đắng bào chế thuốc phải sang Lào, Campuchia để mua. Đây là điều đáng buồn của chúng ta trong việc ứng xử với cây thuốc. Cây hoàng liên cũng rơi vào tình trạng tương tự.

NGND, GS, TS Phạm Thanh Kỳ.  Ảnh: Nguyễn Kiểm

PV: Chúng ta cần làm gì để bảo tồn và phát triển những cây thuốc quý, thưa ông?

NGND, GS, TS Phạm Thanh Kỳ: Có 2 vấn đề: Thứ nhất, cần tập trung vào việc nghiên cứu, trồng, khai thác, chế biến, sản xuất thuốc. Một số doanh nghiệp hiện chỉ lo  khai thác nguồn dược liệu để kiếm lợi nhuận mà quên việc bảo tồn, phát triển bền vững nguồn cây thuốc quý, tạo ra vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất thuốc. Thứ hai, để bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý thì phải gắn với việc giải quyết vấn đề xã hội, nghĩa là phải bảo đảm đời sống cho người dân vùng có dược liệu. Đang có hiện tượng thương lái nước ngoài thu mua rất nhiều cây thuốc quý của Việt Nam, như: Cây bảy lá một hoa, cây huyết đằng. Nhiều người dân vì thiếu hiểu biết nên cứ khai thác “kho báu” một cách cạn kiệt mà không biết giữ. Do đó cần hướng dẫn cách khai thác, bảo tồn, phát triển cây thuốc một cách phù hợp.

Tham quan vườn cây đinh lăng lá nhỏ-một loại cây dược liệu của Công ty TNHH Vũ Gia tại huyện Nho Quan (Ninh Bình). Ảnh: Diệp Anh

PV: Theo ông, cây dược liệu có thể trở thành loại cây kinh tế để vừa góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời giảm thiểu việc phải nhập khẩu dược liệu từ nước ngoài được không?

NGND, GS, TS Phạm Thanh Kỳ: Gần đây, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc rất quan tâm chỉ đạo sát sao, cụ thể về vấn đề phát triển cây dược liệu. Đây là tín hiệu rất vui. Từ chỉ đạo này của Thủ tướng nhiều địa phương đã bắt đầu chuyển động, quan tâm đến việc phát triển cây dược liệu. Hơn nữa, trước đây Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ có chương trình bảo tồn nguồn gen thì những năm gần đây đã có chương trình đầu tư nghiên cứu, trồng, phát triển cây dược liệu. Tuy nhiên, để phát triển cây dược liệu bền vững thì cần phải định hướng, lựa chọn cây gì phát triển trước, cây gì phát triển sau và mức độ phát triển như thế nào cho phù hợp với nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Vì thế, cần phải có dự báo chiến lược để đưa ra kế hoạch cụ thể phát triển cây dược liệu.

Muốn xuất khẩu hay có nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất thuốc thì phải có quy hoạch vùng sản xuất cây dược liệu, có xuất xứ rõ ràng, chất lượng. Cần phải xây dựng được mối liên kết “bốn nhà” (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp). Trong đó, doanh nghiệp được coi là thành tố quan trọng, ảnh hưởng nhất, quyết định đến sự thành bại của việc phát triển cây dược liệu. Nếu không có doanh nghiệp thì nông dân trồng cây thuốc không thể tiêu thụ được sẽ dẫn đến ế thừa, gây thiệt hại về kinh tế rất lớn. Nông sản, thực phẩm sản xuất ra nếu thừa còn có thể bảo quản, tích trữ, sử dụng chứ dược liệu thì khác. Nếu không có người bao tiêu, thu mua, chế biến thì nông dân chỉ có thể đổ bỏ. Mô hình trồng cây Atiso của Công ty CP Traphaco liên kết với nông dân trồng tại huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai) khá thành công là một ví dụ tốt.

PV: Xin cảm ơn ông!